Hãy để phụ huynh quyền đóng góp tự nguyện

GD&TĐ - Hôm trước, tôi đi họp phụ huynh cho con. Như các năm trước, nội dung họp chủ yếu là để nhà trường thông tin về tình hình cơ sở vất chất của nhà trường, kế hoạch dạy học trong năm tới; giáo viên chủ nhiệm thì trình bày tình hình của lớp học, phương pháp quản lý, giáo dục của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh và đề nghị phụ huynh phối hợp...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những nội dung quan trọng, đó là giáo viên chủ nhiệm thông báo những khoản tiền phụ huynh phải nộp cho học sinh vào đầu năm học. Ngoài những khoản đóng góp bắt buộc như bảo hiểm y tế thì tiếp đến là các khoản đóng góp tự nguyện như kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, khoản đóng góp này trên tinh thần tự nguyện, tùy theo khả năng tài chính của mỗi gia đình.

Để thu khoản tiền này, giáo viên và Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đứng ra vận động, gợi ý mức đóng góp, lấy nhiều dẫn chứng về sự đóng góp của nhiều phụ huynh năm trước đối với nhà trường như có phụ huynh đóng góp vài chục đến vài trăm triệu để ủng hộ các hoạt động của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp quán triệt, mặc dù là tự nguyện tùy theo khả năng tài chính của phụ huynh trong lớp, tuy nhiên vẫn đảm bảo mức tối thiếu để đảm bảo duy trì việc hoạt động.

Mức thu chia làm 02 kỳ học (mỗi kỳ phụ huynh phải đóng 500 ngàn). Ý kiến trên, ngoài một số phụ huynh đồng tình, có phụ huynh thì im lặng, có nghĩa là sao cũng được nhưng cũng có một số phụ huynh lại kịch liệt phản đối, cho rằng thông báo của nhà trường nói rằng: “Phụ huynh đóng góp tự nguyện theo khả năng tài chính của mỗi gia đình”, tại sao lại ấn định luôn mức tối thiểu như vậy, có phải là bắt ép phụ huynh hay không. Nhiều ý kiến rất sôi nổi, thậm chí gây gắt, không có hồi kết, cuối cùng nội dung này tạm dừng lại để bàn sau.

Qua tìm hiểu nhiều lớp khác, thì mặc dù nhà trường thông báo là phụ huynh học sinh đóng góp tự nguyện tùy theo tài chính của mỗi gia đình, tuy nhiên tại mỗi lớp, giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đều ấn định mức thu tối thiểu đối với các khoản đóng góp tự nguyện, như vậy, là không đúng với tinh thần tự nguyện và điều kiện kinh tế của từng gia đình phụ huynh học sinh. Gia đình nào khá giả thì đóng góp nhiều hơn, gia đình không khá giả thì đóng góp ít hơn hoặc có thể không đóng do điều kiện kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, nhiều khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh đối với lớp học và nhà trường như trang bị tủ, kệ, bàn để cặp cho học sinh, trang trí lớp học; cải tạo sân trường, khu năng khiếu, khu vui chơi ... Nếu vận động đủ kinh phí thì làm, không đủ kinh phí thì dừng lại và xin kinh phí của chính quyền địa phương, không nên huy động, ép buộc phụ huynh phải đóng góp tự nguyện cho lớp, cho nhà trường sẽ dẫn đến một số phụ huynh rơi vào thế… phải chấp nhận, điều này là không đúng tinh thần tự nguyện và chủ trương xã hội hóa trong hoạt động giáo dục hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.