Chuyện học trên miền đất đỏ cao nguyên

GD&TĐ - Đến với các trường học trên địa bàn xã Ia Nhin (xã Ia Nhin, Chư Păh, Gia Lai), chúng tôi thật sự xúc động khi được lắng nghe những lời chia sẻ từ đội ngũ cán bộ, giáo viên về sự quan tâm, chăm lo chuyện học hành cho con em HS của người dân địa phương. 

Chuyện học trên miền đất đỏ cao nguyên

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn nỗ lực chăm lo, đầu tư chuyện học cho con em mình. Họ tự nguyện đóng góp, chung tay xây dựng cảnh quan trong trường học, cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên tạo dựng môi trường GD chuẩn mực cho con em HS.

Đổi thay sự học

Sau hơn 5 năm trở lại xã Ia Nhin, chúng tôi thất sự ngạc nhiên trước những đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Giờ đây, những con đường thâm nhập nhựa chạy thẳng tắp, các con đường bê tông nối dài tới từng thôn, bản.

Dọc theo những con đường ấy là những khu dân cư mới được xây cất khang trang, vững chãi, đã chứng minh cho cuộc sống của người dân miền núi và đồng bào dân tộc Jrai đang ngày càng sung túc, ấm no.

Xen vào giữa những khu dân cư là những ngôi trường cao tầng, khang trang đứng sừng sững giữa núi rừng. HS đến trường không còn phải lội qua những con đường sườn dốc bùn đỏ lầy lội nữa.

Theo thầy Nguyễn Đăng Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường TH Ia Nhin, những người dân nơi đây vốn dĩ là những cư dân miền Trung, miền Bắc, trong hành trình mưu sinh, lập nghiệp đã đến với mảnh đất này và xem đây như là quê hương thứ hai của mình.

Trong hành trình ly hương tìm vùng đất mới, mọi gian khổ, khó khăn trong cuộc sống họ đều đã từng nếm trải và họ thấu hiểu được ý nghĩa của chuyện học hành, bởi vậy, họ luôn khát khao con em mình được học tập “đến nơi, đến chốn”.

Cho nên, bao giờ trong tâm thức của người dân nơi đây việc đầu tư, tạo điều kiện học tập cho con em mình luôn được đặt lên hàng đầu. Nhất là một khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đời sống, thu nhập người dân được nâng cao thì sự đầu tư, chăm lo sự học cho con em càng phải được quan tâm chu đáo, vẫn thể hiện được mình là con người hiếu học.

Có lẽ nhờ đó mà trên vùng đất khô khốc những con người ấy đã biết tạo dựng cho mình, cho con cháu một cuộc sống mới. Họ không còn trông chờ hay cam chịu cuộc sống nghèo khó vây bọc như ông cha thuở trước.

Con cái họ từ những ngôi trường làng bước tiếp vào giảng đường đại học trên khắp cả nước. Ông Ngô Công Thành – Một người dân địa phương - cho hay:

“Lúc xưa cuộc sống cực khổ muốn học lấy cái chữ nhưng vì nghèo khó bó buộc. Muốn có cái ăn nên đành phải bỏ quê hương lên đây lập nghiệp.

Giờ đây, cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều rồi, muốn con em mình có được một môi trường học tập ngày càng tốt, cho nên bà con, người dân luôn mong muốn được cùng chính quyền, nhà trường đầu tư xây dựng trường lớp, chăm lo công tác GD cho con em”.

Niềm tin ngày mới

Nói về chuyện học của con em HS địa phương, thầy Nguyễn Đăng Thiện không thể giấu hết niềm vui: Không ngờ chỉ trong một vài năm mà bộ mặt của trường lại thay đổi nhanh đến vậy.

Nhớ lại thời trước vừa mới lên dạy học nhìn hệ thống trường lớp mà không khỏi chạnh lòng. Trường lớp thì tạm bợ, HS không thiết tha với chuyện học.

Còn giáo viên lên dạy học chỉ quanh quẩn ở trường chứ không dám đi đâu một mình. Thế mà, bây giờ trường lớp đều được xây kiên cố, con em đồng bào dân tộc yêu mến trường lớp, còn thầy cô giáo càng gắn bó hơn với nghề dạy học ở vùng cao nguyên đầy nắng gió này.

Dẫn chúng tôi đi xem các hạng mục công trình trường học được đầu tư xây dựng khang trang, thầy Thiện cho hay, với quyết tâm đẩy mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng GD cho HS, nhất là HS đối tượng con em đồng bào dân tộc, chính quyền địa phương cùng kết hợp với ngành GD&ĐT đã thực hiện những bước đi thích hợp trong đầu tư xây dựng trường học và đã mang lại nhiều kết quả vượt bậc. Chất lượng dạy học ngày càng cao, tình trạng HS bỏ học hay bỏ học giữa chừng đến nay không còn diễn ra.

“Hiện nay, xã Ia Nhin có 11 thôn làng, trong đó có 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số; dân số gần 7.000 khẩu. Với điều kiện tự nhiên về đất đai phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, bời lời, tiêu… hiện nay xã Ia Nhin đã phát triển được hơn 865 ha cà phê, 187,6 ha cao su tiểu điền, 12 ha bời lời, 10 ha tiêu… Nhờ kinh tế - xã hội có những bước phát triển ổn định nên trong những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất: Điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư, xây dựng.

Cuộc sống người dân ngày càng no đủ. Nhờ vậy mà chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể tập trung vào cuộc để chăm lo cho sự nghiệp GD.

Sự hoạt động hiệu quả của hội khuyến học, hội đồng hương đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần học tập, lòng hiếu học của con trẻ” - Thầy Thiện cho biết.

Theo bà Hồ Thị Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Păh, cùng với một số thị trấn, xã trên địa bàn huyện Chư Păh, hiện nay xã Ia Nhin đã có một hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Đến nay, cả 3 trường: MN Ia Nhin, TH Ia Nhin, THCS Ia Nhin đều đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, với mạng lưới trường học đều khắp các làng, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn có tâm huyết với nghề, có tấm lòng thương yêu HS và hết lòng cống hiến cho sự nghiệp phát triển GD địa phương.

Có đi tới nơi và nghe được những tâm sự, nỗi niềm của những người giáo viên vùng khó, hay sự nỗ lực xây dựng, phát triển đời sống kinh tế của người dân, chúng tôi thật sự thấm thía được những nỗi hy sinh, nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường.

Dẫy vậy, dù cuộc sống có nghèo khó đến đâu thì chuyện học của con em HS luôn được người dân chăm lo; đội ngũ thầy cô giáo luôn hết lòng dạy học, còn chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT luôn ưu tiên đầu tư phát triển.

Minh chứng cho những điều ấy là những ngôi trường khang trang, hiện đại được mọc lên ngày càng nhiều đứng sừng sững giữa núi rừng còn lắm hoang sơ. Để rồi mỗi người trong chúng ta nhận ra rằng, cuộc sống đã đổi thay lắm rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ