Trong khói của các vụ hỏa hoạn có chứa nồng độ rất lớn khí CO và CO2.
Bất cứ ai ở trong không gian chật hẹp đều có nguy cơ hít phải khói khi có hỏa hoạn. Khói làm giảm lượng oxy và có thể chứa các khói độc khác do các vật liệu bị cháy sinh ra. Tuyệt đối không thể xem thường ngạt khói.
Ngạt khói rất nguy hiểm bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp với các biểu hiện dễ nhận biết nhất là khó thở hay các biểu hiện của hội chứng suy hô hấp RDS,… Bỏng hô hấp là một trong những loại bỏng rất nặng và khó cấp cứu. Nhiều trường hợp tử vong chỉ vì ngạt khói.
Những trường hợp tử vong do ngạt khí thường diễn ra rất từ từ, đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Cách sơ cứu khi nạn nhân bị ngạt khói
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.
- Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng.
- Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.
Nhanh chóng thoát hiểm
Khi có hỏa hoạn nhiều người thường hoảng loạn mà không biết rằng đây chính là nguyên nhân khiến bạn bị hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn. Do đó, khi có cháy, hãy bình tĩnh!
Đầu tiên, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.
Sau đó, tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại.
Đặc biệt, cần chú ý, người bị nạn phải cố gắng không hít khói.
Khi có hỏa hoạn, cần phải làm gì?
Khi có hỏa hoạn, hãy nhanh chóng thoát hiểm bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi rồi di chuyển đến nơi không khí trong lành và kiểm tra hô hấp để kịp thời can thiệp.
Chú ý các dấu hiệu như khàn tiếng, thay đổi giọng nói, thở gấp, đờm đen bởi chúng cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng. Nạn nhân bị ngạt thở cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Việc thoát khỏi đám cháy khó tránh khỏi việc quần áo của bạn bị lửa “bén” và gây cháy. Lúc này, bạn phải bình tĩnh, lập tức ngừng di chuyển, lấy tay che mặt lại rồi nằm xuống đất lăn qua lăn lại cho đến khi lửa dập tắt.
Một số nguyên tắc ứng phó khi có sự cố hỏa hoạn
- Khi có dấu hiệu hỏa hoạn như khói, mùi khét, tìm cách tắt tất cả cầu dao điện, báo động - gọi cứu hỏa và dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa gần chỗ mình.
- Khi có chuông báo cháy, nên đội mũ bảo hiểm (loại có kính, trùm đầu) để thoát ra. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy, lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra. Không chen lấn, xô đẩy nếu không muốn việc thoát hiểm khó khăn hơn.
- Có thể dùng búa, vật cứng phá bỏ cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói.
- Nếu lửa cháy to, hãy đội mũ bảo hiểm có kính hoặc toàn đầu thoát qua đám cháy. Nhớ quấn quần áo ướt kín người.
- Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, bạn cần dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí.
- Dùng đèn pin, điện thoại vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.
- Trong mọi tình huống, người dân không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Tìm cách di chuyển ra ban công, tầng thượng - nơi thoáng khí nhất có thể.