Tàu Goya
Goya là chiếc tàu vận tải của Na Uy, bị quân Đức tịch thu. Ngày 16/4/1945, tàu bị không quân Đồng minh tấn công dữ dội nhưng chỉ bị hư hỏng nhẹ nên vẫn tiếp tục hành trình.
Lúc đó, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Trước thế thượng phong tuyệt đối của Hồng quân và quân Đồng minh, quân Đức phải rời bỏ những căn cứ có nguy cơ bị tiêu diệt, di tản binh sĩ cùng chiến cụ đến những căn cứ vững vàng hơn. Tàu Goya bị trưng dụng cho nhiệm vụ này và lâm nạn ở chuyến di tản lần thứ năm.
Bốn chuyến trước đó, tàu Goya đã di tản được 20.000 binh lính, sĩ quan Đức tới căn cứ Swinemunde ở Ba Lan, được coi là pháo đài cố thủ cuối cùng của quân Đức.
Ở chuyến thứ năm, là chuyến tàu “vét” nên số người trên tàu vượt rất xa số lượng cho phép. Binh lính, kể cả người bị thương, nằm la liệt khắp hành lang, cầu thang, thậm chí chen chúc dưới hầm tàu. Ước tính có hơn 7.000 người tất cả.
Tàu Goya được 2 tàu chiến của Đức hộ tống. Vào lúc 22 giờ 30, đài quan sát trên tàu phát hiện một vật thể lạ cách xa xa đằng sau, chếch về bên mạn phải.
Đó chính là tàu ngầm L-3 của hải quân Liên Xô, đang thực hiện chế độ bơi bán nổi để dễ dàng tăng tốc đuổi theo tàu Goya. Vào lúc 23 giờ 45 phút, tàu Goya bị rung mạnh bởi một quả ngư lôi được phóng từ tàu ngầm L-3.
Không khí trên tàu vô cùng hoảng loạn. Johan Hanneme, lính xe tăng Đức, một trong số rất ít nạn nhân sống sót, kể: “Từ lỗ phá rất to bên hông tàu, nước tuôn vào ào ạt. Chẳng mấy chốc, con tàu gãy làm đôi và chìm nghỉm”. Tàu Goya rất lớn nhưng trong hầm không có vách ngăn cản nước nên chìm rất nhanh. Chỉ có 178 người thoát chết.
Tàu Vilhelm Gustloff
Vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 10/1/1945, tàu ngầm C-13 của Liên Xô phát hiện tàu vận tải quân sự Vilhelm Gustloff của Đức có tàu chiến hộ tống đang di chuyển trên biển Baltic. Con tàu khổng lồ Vilhelm Gustloff lúc đó chở khoảng 10.000 người, gồm binh lính, sĩ quan nhiều binh chủng khác nhau của quân Đức và một số người dân vùng Đông Phổ được phép di tản theo tàu.
Tàu ngầm C-13 lập tức bám đuổi. Sau gần 3 giờ bám đuôi, khi chọn được thời cơ thuận lợi, C-13 quyết định tấn công. Cả 3 quả ngư lôi phóng đi đều trúng đích. Quả thứ tư bị kẹt trong tàu ngầm và may mắn là nó không phát nổ, nếu không thì vụ này sẽ là một bi kịch kép. Tuy nhiên, C-13 cũng bị tàu hộ tống của Vilhelm Gustloff phát hiện và phóng ngư lôi, nhưng chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Số nạn nhân của tàu Vilhelm Gustloff cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Phía Đức công bố có 5.348 người thiệt mạng, nhưng theo các ước tính không chính thức, con số đó phải vượt quá 9.000.
Tàu Junyo Maru
Thời Thế chiến II, Nhật Bản có một đội tàu được mệnh danh là “Những con tàu địa ngục”. Vốn là tàu buôn, nhưng chúng bị trưng dụng làm tàu vận tải để chuyên chở binh lính Nhật, cũng như chở nhân công (thực chất là phu lao động) và tù binh từ những khu vực bị quân Nhật chiếm đóng.
Đội tàu “địa ngục” này không nằm trong biên chế của Hải quân Nhật Bản nên không có phiên hiệu và số hiệu nhận biết, nhưng hải quân Đồng minh săn lùng chúng ráo riết và tiêu diệt không thương tiếc. Suốt thời gian chiến tranh, có tất cả 9 chiếc tàu “địa ngục” bị đánh chìm, với tổng số nạn nhân khoảng 25.000 người.
Thảm họa lớn nhất xảy ra ngày 18/9/1944, khi tàu ngầm Tradewind của Anh phóng ngư lôi đánh chìm tàu Junyo Maru thuộc đội tàu “địa ngục”. Trên tàu lúc đó có 4.200 phu lao động bị gom bắt từ nhiều nước và 2.300 tù binh người Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan… đang bị đưa đi làm khổ sai ở công trình xây dựng tuyến đường sắt trên đảo Sumatra.
Điều kiện sinh hoạt trên tàu không khác gì địa ngục. Rất nhiều người bị điên, nhiều người chết do đuối sức hoặc ngạt thở vì thiếu dưỡng khí trong hầm tàu. Trên tàu chỉ có 2 chiếc xuồng cứu sinh cỡ nhỏ nên khi tàu bị đánh chìm, cơ hội sống sót là vô cùng ít. Khi tàu chìm, các tàu hộ tống chỉ vớt nạn nhân người Nhật và một số tù binh, một ít dân phu. Chỉ có 680 tù binh và khoảng 200 phu được cứu sống, nhưng rồi phần đông trong số họ về sau cũng bỏ mạng trên những công trường lao động khổ sai.
Tàu Armenya
Tàu vận tải hàng hóa và hành khách Armenya của Liên Xô hoạt động trên tuyến đường biển Odessa – Batumi trên Biển Đen. Thời Chiến tranh Vệ quốc, tháng 8/1941, tàu Armenya được cải tạo thành tàu cứu thương. Những chữ thập đỏ rất lớn được kẻ trên nền trắng trên boong và hai bên hông tàu. Về nguyên tắc, các bên tham chiến không được tấn công các phương tiện cứu thương. Nhưng…
Trong thời kỳ phòng thủ Odessa, tàu đã thực hiện 15 lần cập cảng, di tản được hơn 16.000 người dân bao gồm người già, phụ nữ, trẻ em và một số thương bệnh binh ra khỏi thành phố đang bị quân Đức bao vây.
Ngày 6/11/1941, tàu Armenya thực hiện chuyến vận chuyển thương binh từ Sevastopol đến Yalta cùng gần như toàn bộ đội ngũ của quân y viện Hạm đội Biển Đen và một số người dân đau yếu hoặc bị thương do chiến tranh.
Nhưng từ đó đến ngày hôm sau, tình hình chiến sự thay đổi quá nhanh chóng, bất ngờ. Ngày 7/11 khi tàu Armenya đến gần Yalta thì quân Đức đã chiếm được thành phố, làm chủ tình hình cả trên đất liền lẫn trên biển.
Tàu phóng ngư lôi HE-111 của Đức, dù nhận thấy rõ chữ thập đỏ trên thân tàu Armenya, vẫn không ngần ngại tấn công. Vì Armenya vốn là tàu vận tải dân sự thông thường, không có vỏ thép dày nên chỉ với một quả ngư lôi duy nhất, quân Đức đã có thể nhấn chìm con tàu cứu thương trong vòng 5 phút. Chỉ có 8 người sống sót. Theo tuyên bố chính thức, số nạn nhân là khoảng 4.000 người, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Phà Dona Paz
Vụ chìm phà Dona Paz là tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất xảy ra trong thời bình. Thảm họa này cũng là bài học đắt giá. Biển, như ta đã biết, không tha thứ cho những sai lầm, và trong trường hợp Dona Paz, từ một sai lầm ban đầu đã kéo theo một loạt sai lầm khác.
Chiếc phà này được đóng ở Nhật vào năm 1963 và lúc đó nó có tên là Himauri Maru. Năm 1975, nó được bán cho Philippines với giá rất có lợi cho bên bán. Từ khi về tay chủ mới người Philippnes, chiếc phà phải hoạt động không ngơi nghỉ và rất hiếm khi được duy tu.
Công suất thiết kế chỉ chở tối đa 608 người, nhưng phà phải thường xuyên chở lượng khách từ 1.500 người trở lên, thậm chí đến 4.500 người vào những giờ cao điểm). Mỗi tuần phà thực hiện hai chuyến đi theo hành trình ngoằn ngoèo Manila - Tacloban - Catbalogan - Manila - Catbalogan - Tacloban – Manila.
Tối 20/12/1987, phà đang chạy trên cung đoạn Tacloban – Manila thì xảy ra tai nạn. Gần cuối năm, người dân Philippines (phần đông theo đạo Thiên Chúa) luôn vội vàng để kịp chuẩn bị lễ Noel và đón Năm mới. Vào lúc 22 giờ, phà đâm phải con tàu chở dầu khổng lồ Vector.
Cú va chạm mạnh đến nỗi cả 2 phương tiện đều vỡ làm đôi. Hàng trăm nghìn tấn dầu tràn ra mặt biển. Người trên phà hoàn toàn không có cơ hội sống sót. Cộng vào đó, vùng biển này có vô vàn cá mập.
Chúng tranh mồi làm sôi sục cả một khu vực lớn. Một hành khách may mắn sống sót kể lại: “Khi phà chìm, mọi người hoảng loạn đòi áo cứu sinh, nhưng không ai tìm ra chìa khóa các tủ đựng áo phao. Hai chiếc xuồng cứu sinh bằng cao su bị non hơi được ném bừa xuống biển, chả mấy chốc bị các nạn nhân và cá mập xé nát”.
Phải 8 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra tai nạn, công tác cứu hộ mới được triển khai. Chỉ có 26 người được cứu sống, gồm 24 hành khách đi phà và 2 thủy thủ tàu dầu. Tổng số người thiệt mạng là 4.341.
Tàu Cap Arcona
Cap Arcona là một trong những tàu chở khách lớn nhất ở Đức, có lượng rẽ nước đến 27.551 tấn. Sau khi neo đậu an toàn gần như suốt thời gian chiến tranh, Cap Arcona lại bị trưng dụng để chở tù binh và bị máy bay ném bom của Anh đánh chìm vào ngày 3/5/1945, khi Berlin đã thất thủ.
Benjamin Jacobs, một trong những nạn nhân may mắn sống sót, trong cuốn sách The Dentist of Auschwitz, đã viết: “Đột nhiên máy bay xuất hiện. Chúng tôi nhận ra đó là máy bay của Anh.
Chúng tôi hét lên rằng chúng tôi là tù nhân của trại tập trung. Rồi chúng tôi vẫy tay, vẫy nón tù và chỉ vào quần áo tù nhân có sọc của mình. Nhưng các phi công đã không thèm để ý. Họ bắt đầu ném bom cháy xuống tàu Cap Arcona.
Sau loạt bom thứ nhất, các máy bay vòng lại để ném loạt tiếp theo. Lần này máy bay lượn rất thấp, ở khoảng cách chỉ 15 m từ mặt boong, chúng tôi nhìn thấy rõ mặt phi công và nghĩ rằng không có gì phải sợ.
Nhưng bom vẫn cứ trút xuống từ bụng máy bay... Các phi công nã súng máy vào những người ở trên boong. Họ bắn cả những người đã nhảy xuống nước, khiến nước biển xung quanh các thi thể trở nên đỏ ngầu”. Tàu Cap Arcona bốc cháy dữ dội, hơn 4.000 tù nhân bị thiêu sống hoặc bị ngạt khói. Một số tù nhân đã trốn thoát và nhảy xuống biển.
Những người may mắn thoát hàm cá mập sau đó đã được các tàu đánh cá vớt lên. Có khoảng 350 tù nhân, trong số đó nhiều người bị bỏng, đã thoát ra kịp trước khi tàu bị lật nghiêng rồi chìm hẳn. Họ bơi về phía bờ, nhưng khi lên được bờ, họ lại trở thành nạn nhân của SS. Tổng cộng, trong vụ Cap Arcona, đã có 5.594 người thiệt mạng.
Tàu Lancastria
Các nhà nghiên cứu lịch sử phương Tây thường ngại nói về thảm họa xảy ra ngày 17/6/1940 với tàu Lancastria. Quả thực, đã có một sự kiện chiến tranh khác làm lu mờ thảm họa khủng khiếp này: đúng vào ngày hôm đó, nước Pháp tuyên bố đầu hàng quân phát xít Đức.
Vì thế, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã cấm đưa tin về thảm kịch của tàu Lancasteri, vì nó có thể làm nhụt thêm tinh thần của người dân Anh, vốn đang ít nhiều suy sụp sau tin Pháp đầu hàng Đức. Thảm họa Lancasteria đã gây ra cái chết hàng loạt lớn nhất của người Anh trong suốt thời gian Thế chiến II, số nạn nhân đã vượt qua cả Titanic.
Tàu khách Lancastria được đóng vào năm 1920 và trong Thế chiến II được sử dụng như một tàu quân sự. Vào ngày 17/6/1940, tàu tham gia di tản quân đội Anh từ Na Uy. Máy bay ném bom Junkers 88 của Đức đã phát hiện con tàu bắt đầu ném bom. 10 quả bom đã rơi trúng tàu. Theo số liệu chính thức, trên tàu có 4.500 binh lính và 200 thành viên thủy thủ đoàn. Chỉ có khoảng 700 người được cứu…