Hậu trường vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Giải phóng Sài Gòn

"Giải phóng Sài Gòn" đã gây tiếng vang rất lớn khi tái hiện chân thực về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hậu trường vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Giải phóng Sài Gòn
Hau truong vai Dai tuong Vo Nguyen Giap trong Giai phong Sai Gon - Anh 1

Một cảnh trong phim “Giải phóng Sài Gòn”

Đã 12 năm trôi qua, phim điện ảnh Giải phóng Sài Gòn của đạo diễn Long Vân vẫn là một trong những bộ phim được lựa chọn phát sóng trên cả nước vào mỗi dịp 30/4.

Phim do Nhà nước đặt hàng với kinh phí đầu tư 2,4 triệu USD và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục 13 năm. Đây cũng là bộ phim mà cho đến giờ, NSƯT Khương Đức Thuận vẫn nhớ như in từng chi tiết, khi ông lần đầu được vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tư vấn cho vai diễn

Cách đây 12 năm, phim điện ảnh Giải phóng Sài Gòn lần đầu được ra mắt đã gây tiếng vang rất lớn khi tái hiện chân thực về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kéo dài trong 55 ngày đêm của dân tộc Việt Nam.

Hiện lên trong đó là nhiều nhân vật lịch sử như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Phạm Hùng.

Phía địch có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh… Trong đó, vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp do NSƯT Khương Đức Thuận thủ vai mang đến nhiều bất ngờ bởi lối diễn sáng tạo.

Với NSƯT Khương Đức Thuận, được vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cả một niềm tự hào to lớn. Hồi ấy, đoàn phim đang tìm diễn viên, còn nghệ sĩ Đức Thuận đang là nhân viên trong ê-kíp sáng tạo của đoàn làm phim.

Ngay lần đầu gặp mặt, Tôn Hồng Khôi - nghệ nhân hóa trang của Trung Quốc đã chỉ vào Đức Thuận và nói: “Anh này chính là ông Võ Nguyên Giáp chứ ai” khiến đạo diễn Long Vân ngây người vì quá đúng.

“Trong một lần đoàn phim quay cảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn thắp hương trên bàn thờ, bát hương bất ngờ cháy bùng. Lúc sau, anh Hà Văn Trọng (vai Tổng Bí thư Lê Duẩn) nói nhỏ với tôi: “Thuận ơi, lúc bấy giờ không hiểu sao người tao lâng lâng như bị hạ đường huyết. Hình như bác Duẩn nhập vào tao hay sao ấy, nên tao diễn nhập tâm quá!”- NSƯT Khương Đức Thuận

Ban đầu, nhóm sáng tạo dự định xây dựng nhân vật Đại tướng theo đúng nguyên mẫu. Tổ hóa trang định cạo lông mày của Đức Thuận để vẽ cao lên cho giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, trong một dịp ê-kíp đến thăm nhà Đại tướng, Đại tướng chia sẻ: “Tôi đã xem nhiều nghệ sĩ trên thế giới đóng các vai lãnh tụ như Lê Nin, Mao Trạch Đông...

Nhưng tôi thấy họ đều lặp lại là quá tập trung vào ngoại hình. Lần này, bác khuyên anh đi hẳn theo con đường khác, phải thể hiện được cái thần, cái hồn của bác.

Vì bác đang nói chuyện với anh đây, sau này bác mất đi, anh đóng vai bác rồi anh cũng mất đi, thì chúng ta sẽ để lại điều gì?”. Lập tức trở về, ê-kíp sáng tạo đã thay đổi toàn bộ quan niệm trong việc xây dựng hình tượng nhân vật.

Để vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ sĩ Đức Thuận đã phải dành nhiều ngày xem rất nhiều tư liệu liên quan đến Đại tướng, học từ tư thế chủ đạo đến thần thái… để có thể diễn tả chính xác nhất hình ảnh vị anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Khi đã có cảm xúc và xây dựng thế giới nội tâm, tôi phân chia kịch bản ra từng câu nói, phân đoạn để tập trung đi vào chi tiết. Tôi nghĩ khi thế giới nội tâm đã đủ thì phải để ý hình thức bên ngoài (các động tác chủ đạo).

Tôi phát hiện bác có động tác là tay luôn trong tư thế “chém” khi nhắc tới kẻ thù. Lúc tâm sự, bác bảo bản thân cũng không để ý, vì điều đó xuất phát từ nội tâm khi nghĩ tới kẻ thù”.

Không chỉ vậy, Đức Thuận cũng phải vất vả tập luyện để ép cân dưới trời nắng chang chang. Số là khi bắt đầu quay phim, ông nặng 84kg. Sau khi lên hình và ê-kíp mang thước phim cho phu nhân Đại tướng xem, bà lắc đầu: “Thần thái tốt đấy, nhưng mỗi tội “bác Giáp... béo quá!”.

Thế là trở về, ông lại hì hục giảm cân. Sau khi giảm cân và quay phim lại, ê-kíp lần nữa mang bản phim mới đến nhà Đại tướng báo cáo. Lúc này, phu nhân Đại tướng gật đầu: “Đây mới là ông Giáp nhà tôi” khiến cả đoàn phim òa lên sung sướng. Tức tốc, cả đoàn cuống cuồng trở về tập trung các bộ phận, các nhóm để quay ngay “bác Giáp mới”.

Với một người có ngoại hình cao lớn như Khương Đức Thuận, nếu không phải trong phim thì hiếm ai có thể nghĩ ông có thể vào vai vị Đại tướng của dân tộc. Ông nhớ lại trong cảnh quay Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại căn phòng trên đường Nguyễn Tri Phương.

Ở đó, có nhiều sĩ quan cao cấp như thiếu tướng, trung tướng… rất tôn sùng và yêu mến Đại tướng. Vì thế, họ vô cùng trông chờ vào diễn viên đảm nhận vai này.

Tuy nhiên, khi Đức Thuận xuất hiện trên một chiếc xe máy, mặc áo ba lỗ, quần đen, đeo kính đen, đeo găng tay đến, mọi người đều im lặng. “Chuyên diễn xuất và là đạo diễn, tôi vừa nhìn vẻ mặt họ đã hiểu ngay cái nhìn đầy nghi ngờ, ý là “chẳng liên quan gì đến Đại tướng”. Tôi cười vui bảo họ “cứ bình tĩnh”.

Quả nhiên sau khi hóa trang, mặc quân phục và vào cảnh diễn xong, mọi người bên ngoài đều vỗ tay. Bấy giờ, tôi mới nghĩ: Ôi, sống rồi”, NSƯT Khương Đức Thuận nhớ lại.

Hau truong vai Dai tuong Vo Nguyen Giap trong Giai phong Sai Gon - Anh 2

NSƯT Khương Đức Thuận - Ảnh: Đặng Hà

Những chuyện lần đầu hé lộ

Đã 12 năm trôi qua nhưng cứ nhắc tới Giải phóng Sài Gòn, NSƯT Khương Đức Thuận vẫn nhớ rõ từng chi tiết, những kỷ niệm trong quá trình tham gia làm phim.

Ông kể, để hóa trang cho diễn viên vào vai các nhân vật lịch sử, đoàn phim Giải phóng Sài Gòn đã phải mời Tôn Hồng Khôi, chuyên gia hóa trang giỏi nhất Trung Quốc với giá 32 nghìn USD. Đây là số tiền không nhỏ thời kỳ ấy. Để tiết kiệm kinh phí, đoàn làm phim đành mời một chuyên gia hóa trang người Việt.

Trong quá trình làm phim, đoàn phim đã phải nhiều lần dừng lại để… chờ kinh phí. Riêng về đạo cụ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các ban, ngành tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn phim hoàn thành nhiệm vụ.

 Những bộ trang phục, đạo cụ được lấy từ tổng kho Long Bình đều mới nên ê-kíp phải tốn hàng trăm triệu đồng thuê người làm quần áo nhàu nát và cũ kỹ.

Do bộ phim tái hiện chiến công oanh liệt nhất của Việt Nam thời hiện đại nên đạo diễn cũng không tiếc chi phí để làm những thước phim chân thực nhất. Riêng cảnh quay xe tăng đâm vào cổng Dinh Độc Lập cũng ngốn mất 5 cổng sắt với giá hơn chục triệu đồng/cái.

Phim được quay trong thời bình nên những cảnh quay bất thường như sự kiện xe tăng tiến vào TPHCM, treo cờ ba sọc Ngụy trên nóc Dinh Độc Lập… đều rất nhạy cảm.

Vài tháng trước khi khởi quay, UBND TP HCM đã phải làm công tác tuyên truyền liên tục về vấn đề này cho người dân nắm rõ. Trong những ngày quay, cảnh sát cơ động phải làm việc liên tục với dàn bảo vệ được trải rộng để đảm bảo không ai được đến gần Dinh Độc Lập, giữ an ninh trật tự cho đoàn làm phim. Đồng thời, yêu cầu tất cả phóng viên trong nước và nước ngoài không được đến gần Dinh Độc Lập trong vòng bán kính 5km.

“Đứng im cũng ra... chất công an”

Sau vai diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công, NSƯT Khương Đức Thuận tập trung cho công việc làm đạo diễn, nhà sản xuất kiêm diễn viên trong nhiều phim truyền hình.

Ông bảo, đây là sở thích từ trước khi tham gia Giải phóng Sài Gòn. Đáng nói là, hầu hết những bộ phim mà Khương Đức Thuận đạo diễn đều liên quan tới công an hình sự. Chính ông cũng được nhiều người ưu ái gọi là “đứng im cũng ra... chất công an”.

Chia sẻ về điều này, đạo diễn Khương Đức Thuận tiết lộ, thời còn giàu có và sống một mình, ông từng gọi 5 anh em công an đến ở cùng vì quá buồn. Khi xem phim Cảnh sát hình sự, bất ngờ một trong số họ quay sang bảo: “Em chuyển sang kênh khác nhé”.

Tôi rất bất ngờ và hỏi họ tại sao thì họ khẳng định: “Đây không phải bọn em”. Tôi đã nghĩ, nếu có điều kiện làm phim về công an thì phải làm sao để mô tả chân thực và đúng nhất những hình ảnh về các chiến sĩ trên phim. Thế là, tôi bắt tay vào kịch bản của Những đứa con biệt động Sài Gòn, ông tâm sự.

Hiện tại, ở tuổi 64, NSƯT Khương Đức Thuận vẫn hàng ngày miệt mài trên phim trường với những bộ phim về cảnh sát, công an Việt Nam. Ông đang tất bật để chuẩn bị cho bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn 3. Ông bảo: Nghệ sĩ phải có tâm, có tầm, có trách nhiệm với công dân mới làm được phim về đề tài này.

Theo Giao Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ