Hậu quả tiêu cực của bắt nạt học đường: Đi tìm giải pháp

GD&TĐ - Bắt nạt học đường vẫn còn khá phổ biến ở các trường phổ thông. Theo nghiên cứu của ThS Lê Thanh Hà - Trường ĐHSP Hà Nội 2 - hầu hết học sinh từng trải qua ít nhất một hình thức bắt nạt trong suốt quá trình đi học của mình. Khẳng định hậu quả tiêu cực của bắt nạt học đường với trẻ, ThS Lê Thanh Hà đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng đang khiến phụ huynh, giáo viên đau đầu hiện nay.

Học sinh trao đổi kiến thức phóng chống bạo lực học đường qua triển lãm tranh ảnh. Ảnh minh họa/ Internet
Học sinh trao đổi kiến thức phóng chống bạo lực học đường qua triển lãm tranh ảnh. Ảnh minh họa/ Internet

Khá phổ biến

Ở Việt Nam, theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu y học - xã hội học phối hợp với tổ chức Plan thực hiện, trong số 3.000 học sinh tại Hà Nội được hỏi, có tới hơn 2.000 em cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: Mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt.

Còn theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% trẻ chia sẻ với bố mẹ, người thân về những rắc rối mà mình gặp phải ở trường học. Chính việc không nói ra được những khó khăn của mình đã khiến các em rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, sợ đến trường.

Qua quá trình nghiên cứu hành vi bắt nạt ở 583 học sinh THCS, ThS Lê Thanh Hà và cộng sự nhận thấy, học sinh nhận thức rất rõ về các đối tượng để bắt nạt và lựa chọn những đối tượng yếu thế hơn để dễ dàng thực hiện hành vi của mình. Trong các hình thức bắt nạt, xu hướng học sinh bị bắt nạt bằng cách mắng, chửi, trêu chọc, chế nhạo nhiều hơn so với các hình thức còn lại, 18,5% học sinh thường xuyên bị bắt nạt bằng các hình thức này.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy, 26,4% học sinh được khảo sát không bao giờ hoặc hiếm khi muốn giúp đỡ các bạn đang bị trêu chọc. Tỉ lệ học sinh bị bắt nạt cao hơn so với số học sinh đi bắt nạt bạn khác. Tỉ lệ học sinh đi bắt nạt và là nạn nhân của hành vi bắt nạt ở học sinh nam cao hơn học sinh nữ.

“Có thể thấy, bắt nạt học đường cũng là một dạng bạo lực nhưng nguy hiểm hơn ở tính chủ ý và dai dẳng, vì vậy hậu quả của nó có thể kéo dài và nặng nề hơn. Phong cách giáo dục và sự kiểm soát của cha mẹ có ảnh hưởng nhất định tới hành vi bắt nạt học đường, cụ thể mức độ kiểm soát tâm lý của cha mẹ đối với con cái có mối quan hệ có ý nghĩa đối với tỉ lệ học sinh là nạn nhân của hành vi bắt nạt” - ThS Lê Thanh Hà cho hay.

ThS Lê Thanh Hà (nam) tại Hội thảo Vai trò của gia đình và nhà trường trong vấn đề bạo lực học đường
 ThS Lê Thanh Hà (nam) tại Hội thảo Vai trò của gia đình và nhà trường trong vấn đề bạo lực học đường

Hậu quả của bắt nạt, theo ThS Lê Thanh Hà, có thể xảy ra ở cả ba nhóm: Học sinh bắt nạt, nạn nhân và học sinh chứng kiến. Với học sinh bắt nạt, hậu quả thường là những hành vi bạo lực, nguy cơ phạm tội, học hành sa sút… Với nạn nhân của bắt nạt thì hậu quả được nhắc tới rất nhiều và rất đa dạng, từ những biểu hiện sợ sệt, lo hãi, sợ đến trường/không muốn đi học, trầm cảm, ý định tự tử… Việc chứng kiến hành vi bắt nạt cũng có thể dẫn tới những hậu quả nhất định ở học sinh chứng kiến tùy thuộc vào vị trí và thái độ của các em đối với hành vi bắt nạt. Học sinh chứng kiến có thể cổ vũ kẻ bắt nạt hay trợ giúp nạn nhân, dẫn tới có thể có những hệ lụy nhất định như: Bắt chước hành vi bắt nạt, gia tăng nguy cơ có những hành vi bạo lực, hay có sự lo lắng sẽ bị trả thù hoặc cũng sẽ bị bắt nạt như nạn nhân…

Phòng hơn chống

Nói về giải pháp hạn chế nạn bắt nạt học đường, ThS Lê Thanh Hà nhấn mạnh: Ngăn ngừa vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất thay vì khắc phục hậu quả bởi có những hậu quả quá muộn để khắc phục như những chấn thương tâm lý, những vụ tự tử...

Về căn bản, bắt nạt xuất phát từ những mối quan hệ xã hội của trẻ: Mối quan hệ giữa trẻ bắt nạt và nạn nhân, với cha mẹ, thầy cô, các nhóm bạn khác... Từ những nghiên cứu của những tác giả trong và ngoài nước, cũng như từ thực tiễn nghiên cứu, ThS Lê Thanh Hà đưa ra 6 đề xuất:

Một là, nâng cao nhận thức về giáo dục trẻ cho các gia đình. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên, cha mẹ phải làm cho con cái nhận thức được việc những trẻ có điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường; dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác, tránh soi mói, chế giễu những điểm khác biệt của người khác; đồng thời càng phải thương yêu, giúp đỡ khi họ yếu thế hơn và thiệt thòi hơn mình.

Hai là, phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ tích cực và thường xuyên hơn nữa với giáo viên và nhà trường, phải là người nêu gương cho con cái về tính thân thiện và tôn trọng trong ứng xử hàng ngày, cũng như cần quan tâm, dành thời gian cho con cái nhiều hơn.

Ba là, các bậc phụ huynh mạnh mẽ lên tiếng và kết hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ quan chức năng khi con có dấu hiệu bị bắt nạt trong trường học.

Bốn là, nhà trường cần có những biện pháp phòng ngừa, cần có những quy định hay luật cụ thể về bắt nạt trong trường học. Sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta có luật chống bắt nạt ở trường học (School anti-bullying law) cũng như có một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật này.

Năm là, cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cha mẹ, thầy cô, nhân viên trường học nhận ra những dấu hiệu trẻ bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác, hậu quả của vấn đề và cách giải quyết.

Sáu là, cần có những lớp học về giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh, qua đó giúp trẻ hiểu được những hậu quả của hành vi bắt nạt, những dấu hiệu nhận biết, cách xử lý khi bị bắt nạt; hiểu về giá trị của bản thân, hình thành và phát triển các kỹ năng sống quan trọng cho bản thân các em.

“Bắt nạt học đường xảy ra rất đa dạng và thường kéo dài dai dẳng gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, nặng nề nhất chính là dẫn đến các vụ tự sát ở học sinh. Bắt nạt học đường có 3 hình thức: Bắt nạt về thể chất, bắt nạt về mặt xã hội và bắt nạt trực tuyến trên mạng. Các bên tham gia vào hành vi bắt nạt bao gồm: Học sinh bắt nạt, nạn nhân, học sinh bắt nạt/nạn nhân và học sinh chứng kiến. Hậu quả của bắt nạt có thể xảy ra ở cả ba nhóm này”.  ThS Lê Thanh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.