(GD&TĐ) - Bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, chế giễu ở trường đã khiến nhiều trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, tính cách. Khi trẻ rơi vào tình huống trên, việc ứng xử, dạy bảo, cách giải quyết của cha mẹ, thầy cô đòi hỏi sự chuẩn mực để giúp trẻ mau chóng vượt qua nỗi sợ hãi, sự tổn thương về tinh thần.
Tưởng nhỏ mà không nhỏ
Cần quan tâm đến tinh thần của trẻ trong độ tuổi đến trường Ảnh: Lê Văn |
Gia Hưng, con trai anh Quang (Phan Đình Giót – Hà Nội) đang học lớp 2 Trường Tiểu học Kim Liên. Mấy ngày gần đây, cu cậu tỏ ra buồn bã rồi nói với bố “Con không đi học nữa”. Gặng hỏi nguyên nhân vì sao lại quyết định như vậy, cháu cho biết ở lớp các bạn trêu đùa, chế giễu mình là “thằng béo” và cô lập, không chơi cùng cháu. Hưng cho biết, mình gần như không có bạn ở trên lớp chơi cùng nên hầu hết các giờ ra chơi đều “lẳng lặng” một mình tự chơi hoặc nhìn các bạn chơi đùa. Thế nên cháu cảm thấy buồn bã, chán nản, mất tự tin vào bản thân và không còn thích giờ ra chơi. Thậm chí, cháu chẳng muốn đến lớp, đến trường.
Nghe câu chuyện của con, gia đình anh Quang cũng cảm thấy đắng lòng và thương con vô cùng. Xử lý ra sao trước vấn đề của con trẻ cho thật khéo léo thật không dễ.
Không chỉ bị chế nhạo, cô lập bởi những khuyết tật của bản thân như: béo mập hay khuyết tật trên khuôn mặt, hình thể (mắt lác, chân đi chấm phẩy...), nhiều học sinh khi tới trường còn bị các bạn đùa ác ý bởi tính cách hiền lành nhút nhát.
Tiến Thành, học sinh lớp 6 một trường THCS không ít lần khốn khổ vì một nhóm bạn tới giờ ra chơi là dùng áo khoác, khăn, hoặc bịt mắt Thành để “úp sọt” đánh hội đồng. Thậm chí, nhiều khi quá khích, nhóm bạn còn bế cậu bé đặt lên bàn để lột áo, khăn đỏ và có khi tháo cả thắt lưng quần của em... Bị trêu đùa những trò thô bạo mãi thành quen, Thành cam chịu nên hầu như cô giáo không nhận được sự phản ảnh nào từ Thành và các bạn trong lớp. Thế nhưng, một ngày Thành có dấu hiệu của trầm cảm, chán học, cộc cằn. Khi gia đình đưa Thành tới bác sĩ thì nhận được kết luận Thành bị trầm cảm nhẹ.
Vấn đề trêu đùa của những học trò với nhau là việc khá bình thường và sẽ qua nhanh như một cơn gió thoảng nếu những trò đùa ấy không tai hại. Tuy nhiên, chúng sẽ trở thành vấn đề nguy hiểm, mang tới hậu quả xấu cho trẻ nếu những trêu chọc ấy mang tính bạo lực, giễu cợt, xúc phạm và diễn ra thường xuyên.
Những trò đùa, việc làm tưởng nhỏ nhiều khi tác hại lại vô cùng lớn. Nếu không sớm được cô giáo, nhà trường, gia đình... ngăn cản chúng sẽ gây ra những tiêu cực không nhỏ cho trẻ. Những em có “bản lĩnh” tốt, tự tin vào bản thân sẽ nhanh chóng vượt qua trêu chọc đó. Nhưng ngược lại, nhiều trẻ sẽ khó khăn để vượt qua và dẫn tới mất tự tin, ức chế về tinh thần, lúng túng khi gặp bạn bè, chán nản khi đến trường hoặc sống trong phấp phỏng, đề phòng.
Im lặng không phải là vàng
Vui để học Ảnh: Lê Văn |
Các chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, cha mẹ cần hiểu và cùng con vượt qua những vấn đề tương tự như trên.
Một số dấu hiệu nhận biết cơ bản khi trẻ bị bắt nạt như: Áo quần, sách vở, đồ dùng bị rách, mất hay huỷ hoại; Có vết cắt, cào, bầm không giải thích được; Có ít bạn bè chơi đùa; Sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà; Đi đường vòng để đến trường hay về nhà; Không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút hẳn; Lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc hay trầm cảm khi từ trường về; Thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do; Khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; Ăn không ngon; Lộ vẻ lo lắng và giảm tự tin. Trẻ luôn thường trực sống trong tâm trạng sợ hãi, buồn phiền, cáu gắt, khép mình, ngại giao tiếp, học hành giảm sút, không dám đi học (viện nhiều lý do để không đi học)...
Khi để ý thấy những biểu hiện bất thường này, gia đình cần quan tâm, giúp đỡ tinh thần con trẻ một cách kịp thời. Tránh tình trạng để lâu, trẻ sẽ hình thành nên tính cách tự ti, sợ hãi khi đến trường lớp, thu mình với những mối quan hệ mới, ảnh hưởng tới kết quả học tập và tương lai của trẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ ngay tới phương án chuyển trường, chuyển lớp cho con. Song xét cho cùng thì đây chưa phải là cách làm hoàn hảo, mà tốt nhất nên dạy con đối mặt với vấn đề này, cho trẻ lên tiếng, khuyến khích con nói về điều này và dũng cảm đối diện với nó.
Việc bổ sung cho con các kỹ năng sống như: tự tin, ứng phó với bắt nạt, cách bày tỏ với người lớn, học cách giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, thương lượng... là vô cùng cần thiết.
Với những trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn. Hãy lắng nghe để hiểu con và cho con thấy bố mẹ, gia đình là điểm tựa vững chắc để con tin tưởng, tâm sự. Các bậc phụ huynh hãy trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô chủ nhiệm để họ để ý kịp thời tới con mình. Hoặc có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt để hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp.
Sẽ là sai làm và không mang lại hiệu quả tốt nếu phụ huynh dạy con đối phó theo kiểu “Im lặng là vàng”, “Một điều nhịn là chín điều lành”... bởi như vậy đứa trẻ ngày càng sợ hãi, thu mình, lầm lỳ, ít nói. Trong trường hợp phụ huynh dạy con kiểu “ăn miếng trả miếng” đánh trả lại cũng vô cùng phản giáo dục bởi như vậy chính là cách nhanh nhất bố mẹ dạy con giải quyết vấn đề bằng bạo lực, hình thành nên trong trẻ thói quen, tư duy bạo lực trước mọi vấn đề.
Có nhiều cách để dạy trẻ ứng phó và xử lý tình huống này. Ví như trẻ phải dám nhìn thẳng vào bạn bắt nạt mình và nói “không được trêu tớ nữa”, nếu không sẽ thưa lại với nhà trường, gia đình. Trong trường hợp “đối phương” vẫn tiếp tục tái diễn, trẻ nhất thiết phải chủ động thông báo cho thầy cô giáo, bố mẹ biết tình trạng của mình để giải quyết. Không nên quá sợ sự dọa dẫm mà phải im lặng chịu đựng.
Mặt khác, cha mẹ cần trang bị cho con những cách đối phó với vấn đề này: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, cho con học võ. Dạy con đi đâu cũng nên đi đông, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn và tuyệt đối không đáp trả bạn bằng vũ lực.
Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trả lại sự tự tin, công bằng cho trẻ. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp và hiệu quả nhất để ngăn chặn những trò đùa, chễ giễu của những học sinh thiếu ý thức.
Giáo viên chủ nhiệm cần chủ động liên hệ với gia đình cả bên bị hại và bên gây hại để phối hợp giáo dục cũng như tìm ra phương hướng giải quyết. Cả gia đình và nhà trường cần giúp trẻ hiểu giá trị của tình bạn, từ đó chủ động xây dựng tình bạn, hạn chế mâu thuẫn trong học đường.
Khi trẻ bị trêu chọc, chế giễu, kỳ thị, hoặc cô lập... nên dạy con đối mặt với vấn đề này. Cho trẻ lên tiếng, khuyến khích trẻ nói về điều này và dũng cảm đối diện với nó. Việc bổ sung cho con các kỹ năng sống như: tự tin, ứng phó với bắt nạt, cách bày tỏ với người lớn, học cách giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, thương lượng… là vô cùng cần thiết. |
Mai Hoàng