Một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng. Từ đó, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ.
Giảm tối đa thương tổn
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế hiện chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Việc thực hiện chính sách xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập còn nhiều tồn tại, nhiều thiết bị trong bệnh viện đang dừng hoạt động do các vướng mắc về pháp lý.
Trước đó, sáng 21/8, phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế, BSCK II Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - chia sẻ, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng. Trong khi đó, máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch.
Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
“Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”, BSCK II Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi trăn trở của các bác sĩ tại bệnh viện này.
Chia sẻ về tình trạng này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu City of Hope (Mỹ) - cho biết, một số người có thể nghĩ đơn giản là “nếu rạch 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần”. Bác sĩ có thể chỉ cần tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu “rẻ nhất”.
“Thực sự thì điều này không đơn giản như vậy. Dao mổ (scalpel) là một dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để người bác sĩ phẫu thuật. Chỉ cần sử dụng lực vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô thật “ngọt”. Những đường rạch “ngọt” như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở những tế bào vùng bị cắt. Điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm, sưng sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa, thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ”, TS Vũ giải thích.
Trái lại, theo ông Nguyễn Hồng Vũ, việc sử dụng dao mổ “cùn” sẽ buộc người bác sĩ phẫu thuật sử dụng lực nhiều hơn. Một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng. Từ đó, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ. Ngoài ra, thời gian vết thương cũng sẽ lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó.
“Do vậy, việc có con dao mổ đúng ‘chất lượng để phẫu thuật’ là điều cơ bản và rất cần thiết. Nó không những giúp giảm bớt stress cho bác sĩ phẫu thuật, mà còn giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Y tế”, TS Vũ chia sẻ.
Dụng cụ cần đạt tiêu chuẩn tối thiểu
Không chỉ dao mổ, TS Vũ cho rằng, nhiều công cụ khác trong lĩnh vực y tế cũng không thể bỏ qua như: Kim chỉ, thuốc, dụng cụ hỗ trợ… TS Nguyễn Hồng Vũ cũng bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị rằng: “Giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”. Thay vào đó, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất”, dựa trên nhu cầu điều trị thực tế.
“Do ngành Y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị trên người, nên những dụng cụ sử dụng cho nhân dân cần phải đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu. Ví dụ, con dao mổ cần điều kiện tối thiểu là “phải sắc bén”.
Người chấm thầu vật tư y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như sau: An toàn, chất lượng, giá cả. Không thể để giá cả là thứ tự ưu tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định.
Tại hội nghị ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá…
Liên quan vấn đề khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đầu tiên phải sửa Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; Thông tư số 14/2020/TT-BYT về quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập... Nếu Bộ Y tế không chỉnh sửa thì chắc chắn sẽ dẫn tới việc các cơ sở y tế không bao giờ có đủ trang thiết bị vật tư y tế tối thiểu phục vụ người dân.