Bác sĩ phẫu thuật và những lần ám ảnh cầm dao mổ

"Chúng tôi không cần, nhất là cắt chân cháu tôi cho vào tủ lạnh" - câu nói của người nhà bệnh nhân khiến bác sĩ Vinh đau đớn và suy sụp một thời gian dài.

Tiến sĩ Vinh (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) và GS Hyakusoku khi đang tu học tại Nhật. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tiến sĩ Vinh (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) và GS Hyakusoku khi đang tu học tại Nhật. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trò chuyện với PGS.TS Vũ Quang Vinh (Phó khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia) mới hiểu hết được những áp lực từ nghề nghiệp mang lại. Vị bác sĩ cho biết, trong cuộc đời cầm dao mổ, có những bệnh nhân khiến anh cả đời không bao giờ quên.

Sốc nặng chỉ vì một bữa trưa của người nhà bệnh nhân

Đó là lần duy nhất bác sĩ Vinh nhận “quà biếu” từ người nhà bệnh nhân. Vào năm 2008, khi vừa trở về nước được 2 năm sau 5 năm tu nghiệp ở Nhật, học hỏi công nghệ hiện đại cứu bệnh nhân bỏng axít, bác sĩ Vinh nhận mổ cấp cứu cho một bệnh nhân nam bị tai nạn trong trạng thái lột toàn bộ da bàn chân. Anh nhận định đây là một ca khó và cần tiến hành ngay bởi nếu không thành công, bệnh nhân vĩnh viễn không thể đi lại.

Bác sĩ Vinh cùng ê-kíp 20 người thực hiện ca mổ ròng rã suốt 9 tiếng thông trưa. Lúc này, người nhà bệnh nhân ngỏ ý muốn giúp đỡ ê-kíp mổ. Với tư cách là trưởng ca mổ, bác sĩ Vinh đã nhờ họ lo giúp bữa trưa.

Với tâm huyết và những kiến thức có được sau quá trình tu học, bác sĩ Vinh thực hiện thành công ca mổ cho bệnh nhân. Anh này đi lại bình thường, nhưng sau đó người nhà bệnh nhân đã khởi đơn kiện kíp mổ của bác sĩ Vinh do phải đãi bữa trưa hôm đó.

Tiến sĩ Vinh chia sẻ, công lao của bác sĩ mổ ngày đó không nhiều (khoảng 80 nghìn đồng/ca mổ) nhưng rất nhiều áp lực và có những ca mổ khó cần tiến hành ròng rã gần một ngày, như ca mổ của bệnh nhân trên là một điển hình.

“Tôi nhớ như in câu nói của một người nhà bệnh nhân đó: “Chúng tôi không cần, nhất là cắt chân cháu tôi cho vào tủ lạnh”. Đó là câu nói khiến tôi thực sự đau đớn và suy sụp mất một thời gian. Những nỗ lực của chúng tôi đã bị người nhà phủi sạch trơn. Những nhiệt huyết của tôi như bị dội một gáo nước lạnh”.

Vụ việc sau đó lắng xuống, dù được đồng nghiệp và các thầy cảm thông nhưng đã gây cho anh sự xáo trộn tâm lý lớn.

Tái sinh cho nữ thẩm phán

Bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Loan vốn là nữ thẩm phán bị người thua kiện tạt axít trả thù đến cháy đen gương mặt, hai mắt bị kéo ngược lên cao không thể nhắm. Một bên mặt bị axít ăn lệch hẳn, vùng da mặt bỏng sâu, mỗi lần mấp máy môi để nói, máu lại tứa ra.

Nhiều năm trong nghề y, chứng kiến nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần của biết bao bệnh nhân bị bỏng hóa chất khiến không ít người chỉ muốn tìm đến cái chết, bác sĩ Vinh quyết tâm phải thực hiện được điều gì đó để thay đổi cuộc đời bất hạnh của những bệnh nhân như chị Loan.

Vị bác sĩ thực tâm chia sẻ với chị Loan: “Tôi từng mổ vi phẫu nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên mổ vi phẫu mặt. Đây là một kỹ thuật rất khó mà ngay cả thầy giáo của tôi ở Nhật cũng chưa thử nghiệm nên tôi thực sự lo lắng. Chị có thể suy nghĩ và cho tôi quyết định”.

Sau 1 ngày suy nghĩ, chị Loan đồng ý thực hiện ca mổ. Chị nói: “Chú cứ mổ. Nếu thành công, tôi sẽ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, còn nếu thất bại, xem như tôi cống hiến cho y học bởi chấp nhận làm người thử nghiệm cho một kỹ thuật mới mẻ”.

Sự tin tưởng của bệnh nhân không làm giảm áp lực tâm lý đè nặng lên ê-kíp mổ bởi tính chất đặc biệt của ca phẫu thuật. Hơn 14 tiếng liên tục, ca mổ kết thúc tốt đẹp ngoài sự trông đợi của mọi người và trở thành ca tái tạo da mặt đầu tiên trên thế giới. Bác sĩ Vinh cũng từ đó được mệnh danh là "bác sĩ siêu nhân".

Run tay khi mổ cho mẹ đồng nghiệp

Bác sĩ Vinh tâm sự đó là lần phẫu thuật cho mẹ một đồng nghiệp đang công tác Bệnh viện Bạch Mai cách đây không lâu. Bệnh nhân bị ung thư và đang xạ trị nhưng tia xạ trị đã làm lộ van tim nên khả năng sống rất mong manh. Để cứu sống bà, bác sĩ phải phẫu thuật cắt những phần hoại tử trên màng tim. Giới chuyên môn đánh giá, đây là ca mổ rất khó, tỉ lệ tử vong cao. Chính bác sĩ Vinh cũng không tự tin thành công 100% khi tiến hành phẫu thuật, song vì mang đến cơ hội sống của bệnh nhân thôi thúc anh phải cầm dao mổ.

Bác sĩ Vinh gọi người đồng nghiệp và nói: “Nếu tiến hành ca mổ, tỉ lệ thành công chỉ 50%, phần còn lại là khả năng mẹ anh có thể chết ngay trên bàn mổ. Vì anh là đồng nghiệp của em nên em hi vọng anh có thể hiểu rủi ro trong những phút nguy kịch thế này, nếu anh đồng ý em sẽ cố hết sức để cứu bác”.

Không bỏ lỡ cơ hội, anh được người đồng nghiệp giao trọng trách cứu sống mẹ. Bác sĩ Vinh tâm sự, đó là lần đầu tiên anh run tay khi cầm dao mổ, phải mất 5 phút sau mới lấy lại bình tĩnh và thực hiện thành công ca mổ.

Anh cho biết, mình có thể từ chối ca mổ theo khuyến cáo của giới chuyên môn nhưng vẫn liều lĩnh nhận lời bởi chỉ tâm niệm không bao giờ từ bỏ bất kỳ cơ hội sống sót nào dành cho bệnh nhân.

Anh cho biết làm bác sĩ nhiều lúc phải đánh cược rất nhiều, một ca mổ thành công, một lần cứu sống bệnh nhân có chăng chỉ là vài lời khen nhưng nếu thất bại, bản thân họ phải đánh đổi rất nhiều. Do đó để có được sự tin tưởng từ đồng nghiệp, bệnh nhân, anh luôn nỗ lực rất nhiều.

“Thách thức luôn là niềm đam mê để tôi đi tới. Nhiều người nói tôi giống Đông ki sốt, nhưng tôi không ngại, quan trọng là những đam mê phải dựa trên kiến thức để giúp cho bệnh nhân, còn bác sĩ phải biết vượt qua những thách thức để trưởng thành”, anh chia sẻ.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ