Hậu Covid-19 ở trẻ không đáng lo bằng căn bệnh này

GD&TĐ - Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, phụ huynh không nên áp đặt mọi dấu hiệu đều là hậu Covid-19 mà bỏ qua các căn bệnh khác trẻ có thể mắc như: Lao phổi, sốt xuất huyết, sốt siêu vi...

Cha mẹ không cần thiết đưa trẻ đi khám nếu con chưa có triệu chứng gì.
Cha mẹ không cần thiết đưa trẻ đi khám nếu con chưa có triệu chứng gì.

Chưa rõ số lượng trẻ bị hậu Covid-19

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…). Trẻ gặp phải những triệu chứng này sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.

Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, các lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau.

Hơn nữa, các triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các triệu chứng cũng khác nhau. Do đó, PGS Điển cho biết, hiện nay con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em chưa rõ.

“Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá nguyên nhân của hậu Covid-19 gồm nhiều yếu tố kết hợp như: Đặc điểm của virus, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực. Tới nay, chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19”, chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ… Đây là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức.

Ngoài ra, PGS Điển dẫn chứng, một số nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn nhóm trẻ khác.

Không nên bỏ qua các bệnh khác

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, cố vấn khối Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đa số trẻ em mắc Covid-19 nhẹ. Một số trẻ sau khi khỏi bệnh có những triệu chứng như ho, sốt, khó ngủ, khó thở... Đây là những triệu chứng thường gặp. Do đó, chuyên gia này cho rằng, phụ huynh không cần quá lo lắng, gây ảnh hưởng tiêu cực ngược lại đến thể chất, tinh thần của trẻ.

“Không riêng Covid-19, bệnh gì cũng vậy. Sau khi bị bệnh, việc trẻ còn mệt mỏi hay có những triệu chứng như trên là bình thường. Trẻ cần có thời gian để hồi phục. Do đó, phụ huynh chỉ theo dõi sức khỏe của trẻ như thông thường, không nên áp đặt mọi dấu hiệu đều là hậu Covid-19 mà bỏ qua các căn bệnh khác trẻ có thể mắc như lao phổi, sốt xuất huyết, sốt siêu vi...”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia này, quá nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ hậu Covid-19 ở trẻ. Tuy nhiên, việc lo lắng như vậy là không cần thiết. Phụ huynh cũng không nên cho trẻ đi khám nếu con không có triệu chứng gì. Với MIS-C, bác sĩ Khanh nhận định, hội chứng này rất hiếm xảy ra khi trẻ nhiễm biến chủng Omicron.

Theo bác sĩ Khanh, hậu Covid-19 ở trẻ rất ít xảy ra so với người lớn cũng như trẻ vị thành niên. “Nỗi sợ nhất lúc này là sốt xuất huyết, chứ không phải Covid-19. Tiên đoán đợt này sốt xuất huyết sẽ rất nặng. Hiện, thời tiết chưa mưa nhiều nhưng đã ghi nhận không ít trường hợp sốt xuất huyết. Đừng quá lo lắng những điều vặt vãnh, mà bỏ quên sốt xuất huyết”, chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, thực tế, mắc cái gì cũng để lại hậu quả. Ví dụ, ngã để lại sẹo, trứng cá để lại vết thâm, hay đột quỵ não để lại di chứng liệt... Bác sĩ Cường cho biết, chế độ ăn uống là điều quyết định để trẻ có sức khoẻ tốt sau khi mắc Covid-19.

Với trẻ dưới 18 tháng đang bú mẹ, điều quan trọng nhất là cho con bú. Đồng thời, chăm mẹ thật tốt để có sữa cho con. Với bé lớn tuổi, cha mẹ cần cho trẻ bổ sung vitamin D, B3, B6, B9, B12, canxi, kẽm và các Omega 3-6-9.

Ngoài ra, vitamin A giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc. Vitamin A thường có trong gan, lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, xoài, bông cải xanh, rau cải bó xôi... Trong khi đó, vitamin C tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Vitamin C có trong hoa quả, trái cây và rau tươi như: Bưởi, chanh, kiwi, ổi, dâu tây...

Theo bác sĩ Cường, vitamin D giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Vitamin E thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, có trong các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm…

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho trẻ bổ sung selen, flavonoid, lợi khuẩn.

Trong đó, selen là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Flavonoid có chức năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể.  

Chất này có trong các loại rau gia vị như húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh. Trẻ cũng có thể được bổ sung lợi khuẩn (Probiotic), nhằm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Phô mai là thực phẩm có tác dụng bổ sung lợi khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.