Ngân hàng ồ ạt thanh lý ô tô
Từ cuối tháng 6, hàng loạt ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô. Ngân hàng Thương mại Ngoại thương Việt Nam thông báo thanh lý 10 xe ô tô con cùng một lúc. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Long Biên (Hà Nội) có thông báo về việc đấu giá tài sản là 8 xe giường nằm. Ngân hàng Thương mại Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục thông báo đấu giá 17 ô tô.
Tài xế xe taxi công nghệ Vũ Văn Đạt (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, đợt dịch Covid-19 vừa qua, đồng nghiệp của anh nhiều người đã phải bán xe hoặc dùng gán nợ cho ngân hàng. Khi vay tiền ngân hàng với lãi suất ưu đãi để mua xe, khả thi hay không còn tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng. Trường hợp mua xe để làm ăn, phục vụ trực tiếp vận chuyển khách hàng thì rất ổn. Nhưng nếu làm ăn không ổn sẽ phải bán xe hoặc bị ngân hàng siết nợ vì khó chịu nổi lãi suất và tiền vận hành.
Để "ôm" trọn được chiếc xe từ việc vay ưu đãi, đòi hỏi người mua phải năng động, để xe sinh tiền. Những trường hợp phải gá lại xe cho ngân hàng phần lớn do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó làm ăn.
"Những trường hợp mua xe để khoe mẽ, thể hiện sang chảnh đều phải trả giá đắt sau một thời gian. Ưu đãi cho vay mua ô tô chỉ hợp và có lợi cho những người có thu nhập thường xuyên ổn định, không chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình dịch bệnh", anh Đạt nhận định.
Theo TS Lê Minh Thoa, Giảng viên tài chính, Trường Đại học Thuỷ lợi, hoạt động thanh lý ô tô cũng như các tài sản khác được nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến ngành kinh doanh vận tải, xe công nghệ, vay đầu tư mua ô tô cho thuê mất dần khả năng trả nợ và bị ngân hàng đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi khoản cho vay. Đa số khách đã được ngân hàng gửi thông báo từ 2 - 3 lần. Theo quy định, trên 90 ngày khách hàng mất khả năng thanh toán, ngân hàng thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ.
Ế ẩm bởi nhiều rủi ro
Theo khảo sát thị trường, các loại xe "gán nợ" được các ngân hàng thương mại rao giá từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Các xe nhãn hiệu Hyundai, Cheverolet, Ford, BMW, ô tô tải Trường Giang có giá khởi điểm từ 276 triệu đồng đến 3,14 tỉ đồng tuỳ loại. Trong khi đó, giá khởi điểm Toyota Vios E từ 381 triệu đồng. Ô tô dạng này thường được rao bán rẻ hơn thị trường từ 8-20% và được đánh giá là thanh khoản tốt, khả năng giao dịch trên thị trường cao.
Tuy nhiên, theo anh Ngô Kim Lâm – chuyên kinh doanh xe ô tô cũ, thanh lý của nhiều ngân hàng có giá không rẻ, thậm chí còn cao hơn thị trường. Bởi ô tô được ngân hàng thanh lý theo hình thức đấu giá tài sản nên giá khởi điểm thường cao nhất để khách hàng thương lượng. Hơn nữa, mua xe thanh lý ngân hàng khách hàng phải chịu phí sang tên, bị truy thu phí bảo trì đường bộ và các phí khác. Tất cả các phí này sẽ khiến giá xe bị đội lên đáng kể.
Ngoài ra, người mua không biết rõ hiện trạng của xe. Nếu không có đủ kinh nghiệm đánh giá tình trạng xe, thủ tục pháp lý, các bước làm giấy tờ thì dễ trả giá bị hớ. Nhiều người khi mua xe đấu giá từ ngân hàng về phải đại tu khá tốn kém. Chưa kể, xe đẹp chất lượng tốt đều được nhân viên ngân hàng hay những mối quan hệ mua trước. Tâm lý của người mua tài sản đảm bảo xe hơi từ ngân hàng thường lo ngại về các giấy tờ đi kèm nên không mấy người mặn mà.
Đối với những người kinh doanh xe cũ, tuy cũng được hưởng lợi ít nhiều về nguồn xe này nhưng hiện nay đầu ra gặp nhiều khó khăn do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với dòng xe mới sản xuất trong nước. Điều này khiến không mấy người kinh doanh dám mạo hiểm.
Ngân hàng có gây khó khăn với người vay?
Anh Nguyễn Văn Khánh là tài xế chạy xe công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) vay tiền ngân hàng mua xe đúng đợt dịch Covid-19. Anh Khánh cũng như nhiều tài xế chạy xe công nghệ khác đều lao đao với tình huống này. Theo anh Khánh, ngân hàng nên đưa ra những chính sách hỗ trợ cho những người đi vay như anh.
Ông Dương Văn Thái - salon ô tô Bảo Châu (Long Biên) từng có nhiều năm làm trong ngành ngân hàng. Ông cho biết, người đi vay cũng có lý lẽ riêng. Họ bám vào thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà Nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo ông Thái, ngân hàng đang vận dụng Nghị Quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 2017 đến nay. Sau 90 ngày thông báo, ngân hàng được quyền thu giữ tài sản thoả thuận qua hợp đồng vay khi khách hàng không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ. Trước đó, thủ tục thông thường phải qua thi hành án ngân hàng mới được quyền thu giữ tài sản thế chấp. Điều này đang gây nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề khoản vay trên hợp đồng có ghi rõ thời điểm vận dụng nghị quyết này hay không.