Theo Liên Hiệp Quốc, trên thế giới hiện có 2,1 tỉ người không tiếp cận được nguồn nước uống an toàn. Phần lớn trong số họ sống tại các quốc gia đang phát triển. Nước ngọt chỉ chiếm 2,5% trữ lượng nước của hành tinh, trong đó chỉ 1% là nước uống được. 40% trong số các khu vực trên Trái đất khó tiếp cận với nước sạch.
Hai Giáo sư Mellon Bob Tilton và Todd Przybycien ở Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đang hoàn thiện một phương pháp lọc nước, có khả năng cung cấp nước sạch cho nhiều người tại những khu vực khô hạn. Phương pháp này sử dụng cát và nguyên liệu thực vật dễ kiếm tại nhiều quốc gia đang phát triển để chế tạo vật liệu lọc nước rẻ tiền và hiệu quả, gọi là “Cát dạng F”.
Cát dạng F sử dụng protein từ cây chùm ngây (moringa oleifera) – một loại cây mọc nhiều ở Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ. Tại Ấn Độ, cây chùm ngây được trồng nhiều để sản xuất dầu; hạt của nó cũng đã được sử dụng để lọc nước. Phương pháp lọc nước truyền thống này có nhược điểm là để lại nhiều chất hữu cơ hòa tan. Do đó vi khuẩn lại phát triển trong nước chỉ sau 24 giờ. Vì vậy, thời gian để sử dụng nước sạch là không nhiều.
Nhóm nghiên cứu của 2 giáo sư nói trên đã thử nghiệm kết hợp nguyên liệu hữu cơ với các phương pháp lọc nước bằng cát. Họ rút protein từ hạt cây và cho kết hợp với các phân tử silic oxide – thành phần chính của cát.
Bằng cách này, họ tạo ra “Cát dạng F” có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời lọc được các hạt hữu cơ cũng như các hạt tạp chất khác. Màng lọc sau khi sử dụng có thể giặt sạch để dùng cho lần lọc sau. Các thử nghiệm cho thấy, “Cát dạng F” có thể lọc tốt đối với nước cứng và mềm.
Quá trình lọc cũng không đòi hỏi sử dụng nhiều tầng lọc. Các nhà khoa học khẳng định, phương pháp lọc nước này rất đơn giản và an toàn.