Hành xử bạo lực ?

GD&TĐ - Thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nghiêm trọng với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, nó diễn ra ở tất cả các mối quan hệ: thầy - trò, trò - thầy, phụ huynh - thầy cô giáo... 

Hành xử bạo lực ?

Điều đó khiến cho xã hội phẫn nộ, khiến cho những người giáo viên có nhiệt tâm, có trách nhiệm không khỏi xót xa. Thực trạng đó, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là do chính những người liên quan ( phụ huynh, giáo viên) đang sử dụng hoặc đang âm thầm chấp nhận cách hành xử bạo lực từ gia đình cho tới trường học.

Từ các bậc phụ huynh

Có người từng nói: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động”. Thông thường, quan niệm, tư duy như thế nào thì sẽ hành động như ấy. Hiện nay có nhiều cha mẹ thường giáo dục, dạy dỗ con bằng bạo lực. Đại đa số các bậc phụ huynh thường cho rằng: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Vì thế họ thường sử dụng bạo lực với con cái của mình khi chúng mắc lỗi.

Cả bạo lực thân thể và bạo lực tâm lí. Việc đánh đập con thường xuyên xảy ra ở một số gia đình. Nếu không đánh đập thì là quát mắng.

Việc mắng con là điều bình thường của những người làm cha làm mẹ, điều đang nói là họ dùng nhiều lời lẽ làm tổn thương con. “Mày là đồ vô tích sự”, “không học thì sau này lấy... mà ăn”, “có mỗi việc cỏn con thế mà không làm được, sinh mày ra để làm gì không biết”, “mày học dốt quá, tao thật xấu hổ khi có đứa con như mày... đó là những lời nói mà không ít trẻ phải nghe.

Hoặc có lúc là so sánh con mình và con nhà khác. Khi bị cha mẹ hành xử như thế các em thường im lặng chấp nhận và phải cố gắng hơn. Những là sự cố gắng trong nỗi buồn, trong sự tổn thương. Dần dần các bậc cha mẹ nghĩ rằng bạo lực là cách giáo dục nhanh nhất, triệt để nhất nên đã thường xuyên sử dụng. Họ sử dụng với con cái và cả những người xung quanh. Và tất nhiên họ mặc nhiên chấp nhận cho điều đó tồn tại như một điều tất yếu của cuộc sống.

Trở lại với câu chuyện 231 cái tát đầy ám ảnh, đầy đau xót kia. Tôi nghĩ câu chuyện 231 cái tát ở lớp học của em N. không phải cái kim mà giấu kĩ được. Có thể một trong số đó đã về kể cho bố mẹ, nhưng sao không một phụ huynh nào lên tiếng. Phải chăng họ nghĩ đó là điều bình thường. Hay họ sợ một điều gì khác?

Bên cạnh đó là chuyện phụ huynh xông vào trường học đánh thầy giáo, bắt cô giáo phải quỳ. Họ hành xử với người đang dạy dỗ con mình như thế ngoài việc không biết đến đạo lý “tôn sư trọng đạo” thì còn là việc họ nghĩ: dùng bạo lực đáp trả sẽ giải quyết được nhiều việc.

Có thể thấy, chính điều này đã làm rạn vỡ đi những giá trị thiêng liêng mà đang lí ra những bậc làm cha làm mẹ nên lưu tâm. Và không ai khác, chính phụ huynh đã làm “ gương” cho con trong việc hành xử bằng bạo lực trong cuộc sống.

Đến những người làm công tác giáo dục

Người giáo viên khi đứng lớp họ đều cố gắng để yêu thương học trò và làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng: do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một bộ phận nhỏ giáo viên đã sử dụng hình thức kỉ luật không phù hợp, làm tổn thương thể xác và tinh thần của các em.

Ngoài việc sử dụng “những cái tát”, “những cái véo tai”, “những lần đứng phơi ngoài nắng” thì một hiện thực đáng buồn hiện nay là do sự bức xúc, nóng giận mà nhiều giáo viên đã dùng nhiều lời lẽ xúc phạm đến nhân phẩm học sinh.

Những câu nói “ý thức của anh không bằng con bò”, “cái đầu của chị chứa toàn đất sét à”, “sao em ngu thế? ngu hơn con cún nhà tôi”... không phải là hiếm.

Có bao giờ chúng ta thử hỏi cảm giác của học trò khi mình “chửi” học trò như thế chưa? Nhưng tôi dám chắc một điều những câu nói đó sẽ ám ảnh các em mãi đến sau này. Việc học sinh phạm lỗi, giáo viên khuyên nhủ, nhắc nhở, khiển trách thậm chí là phải họp hội đồng kỉ luật là chuyện bình thường vì nó thể hiện chức năng giáo dục của trường học.

Tuy nhiên, khi dùng bạo lực với học sinh thì lại là một vấn đề khác. Khi chúng ta phải dùng quá nhiều hình thức trừng phạt học sinh, nó chứng minh một phần nào đó người giáo viên đã thất bại trong việc dạy dỗ, cảm hóa học trò.

Thiển nghĩ, một trong những nguyên nhân khiến họ hành xử như vậy là do quan niệm sai lầm về giáo dục học sinh thông qua các hình thức kỉ luật. Họ cho rằng: khi trừng phạt học sinh sẽ giúp học sinh nhận ra lỗi lầm ngay, đó là biện pháp hiệu quả nhất, nhất là đối với học sinh mà theo họ là “cá biệt”.

Với họ, những hình thức trừng phạt đó không ảnh hưởng gì tới trẻ bởi họ quan niệm rằng “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Hơn nữa, khi họ dùng nhiều các biện pháp đó, lãnh đạo, đồng nghiệp, thậm chí cả phụ huynh đều đồng tình.

Dần dần, hình thành một tâm lí chung là cứ trò có lỗi thì ta trừng phạt mà đôi khi không cần tìm hiểu nguyên nhân, không cần đứng ở vị trí của học sinh để có thể lỹ giải kỹ hơn vì sao các em hành xử như thế. Đành rằng do tác động của xã hội và việc thiếu quan tâm từ gia đình khiến nhiều học sinh bây giờ trở nên lì lợm, coi thường thầy cô và bè bạn.

Những nếu cứ thường xuyên dùng các hình thức tác động như thế mà không hiệu quả thì sẽ mang đến hậu quả khó kiểm soát: trước mắt là những học sinh đó ngày càng ngổ ngáo, luôn nảy sinh tâm lí chống đối thầy cô và luôn muốn dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Và về lâu dài, đó có thể là mầm mống của những tội phạm sau này?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm về cách giáo dục trẻ, đặc biệt là trong cách hành xử. Đừng nghĩ mình là người lớn, mình có “đặc quyền”, muốn làm gì con trẻ cũng được.

Kỉ luật luôn là cần thiết từ trong gia đình đến nhà trường nhưng áp dụng kỉ luật như thế nào để mang lại hiệu ứng tích cực, không làm tổn thương học sinh, không biến con mình, trò mình thành những người “bị bỏ rơi”, thành những quả táo dù lành lặn bên ngoài nhưng bị bầm phía trong khi bị ném xuống đất; đặc biệt không đẩy những bậc làm cha làm mẹ, những người làm giáo dục vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật.

Vì thế tôi muốn kết lại bài viết này bằng thông điệp của nhà văn Dorothy Law Note gửi gắm trong bài thơ “Trẻ học được gì từ cuộc sống”:

“Nếu sống với chỉ trích

Em biết cách chê bai

Nếu sống với thù hận

Em biết cách gây gổ.

Nếu sống với bao dung

Em học lòng kiên nhẫn

Nếu sống trong khích lệ

Em có lòng tự tin.

Nếu sống trong ca ngợi

Em biết cách tặng khen.

Nếu sống trong công bằng

Em có lòng độ lượng.

Nếu sống trong bình an

Em học lòng tin cậy

Nếu sống trong tình thương

Em biết yêu chính mình”

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ