­Hành trình về "địa chỉ đỏ" ở Bắc Trà My: Tạo niềm tự hào dân tộc cho học sinh

GD&TĐ - Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã và đang có nhiều đổi mới trong dạy và học lịch sử.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ.

Bồi đắp tình yêu quê hương

Xác định giáo dục truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để thế hệ trẻ hiểu, nắm chắc kiến thức lịch sử, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng biết ơn, tri ân các anh hùng, liệt sĩ…, hàng năm, ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My tổ chức nhiều hoạt động thăm viếng, hành trình về nguồn trong và ngoài tỉnh.

Các hoạt động được gắn với những ngày lễ, sự kiện chính trị như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày thống nhất đất nước, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…

Vào đầu tháng 4 này, Hội đồng Đội huyện Bắc Trà My phối hợp cùng với Liên đội Trường Tiểu học, THCS Trà Ka, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS Chu Huy Mân và Trường Tiểu học Trần Cao Vân đã tổ chức hành trình về “Địa chỉ đỏ”, sinh hoạt chuyên đề “Hôm nay là đội viên, ngày mai là đoàn viên”.

Thầy Vũ Thái Bình - Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho hay, đối với nhà trường, việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động về nguồn giúp các em nắm rõ hơn truyền thống cách mạng của địa phương.

Chính vì thế, trường thường xuyên đưa các em đến để trải nghiệm thực tế trong các bài học lịch sử. Khi tìm hiểu về địa phương mình các em sẽ được mắt thấy, tai nghe và từ đó bài học sẽ đi vào tâm trí một cách tự nhiên và sâu đậm hơn.

“Việc tổ chức cho học sinh tham gia hành trình về nguồn là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương, để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn”, thầy Bình chia sẻ.

Thầy Vũ Thái Bình - Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng học sinh thắp hương tại Di tích lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Trà My.
Thầy Vũ Thái Bình -  Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng học sinh thắp hương tại Di tích lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Trà My.

Sau khi thắp hương và nghe thuyết trình tại Khu di tích Nước Oa (Khu ủy khu V) nằm ở địa bàn xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Nguyễn Đức Trung - học sinh lớp 8 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - chia sẻ: “Tuy đã được nghe, được học và được trải nghiệm thực tế tại nhiều di tích trong xã, nhưng mỗi lần trong tiết học Lịch sử được cô giáo giảng về các di tích của địa phương, em vẫn thấy rất hào hứng và thêm tự hào về quê hương mình, về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông.

Chúng em sẽ cố gắng học tập để trở thành một công dân có ích cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”.

Tổ chức cho các em học sinh tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” năm 2022, tham quan quần thể di tích Quân khu V, sinh hoạt tại khu An ninh Quân khu V, nhà sinh hoạt thanh, thiếu niên Nước Oa, viếng hương nhà tưởng niệm Bác Hồ, cô Hứa Thị Nguyệt Quế - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ - cho rằng, hoạt động này nhằm khẳng định vai trò và trách nhiệm của các thế hệ đội viên, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Hành trình cũng tạo cơ hội cho các em được tham quan di tích lịch sử của địa phương, được giao lưu cùng các bạn đội viên trên địa bàn huyện. Đây cũng là hoạt động thường niên được Liên đội tổ chức những năm học gần đây”, cô Quế thông tin.

Học sinh hào hứng tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” tại Nhà trưng bày khu An ninh khu V.
 Học sinh hào hứng tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” tại Nhà trưng bày khu An ninh khu V.

Đẩy mạnh hình thức giáo dục hiệu quả

Trường vừa tổ chức cho 30 học sinh tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” tại khu An ninh Quân khu V. Tại đây, các em dâng hương và lắng nghe những câu chuyện về quá trình bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta. Từ đó, giúp cho các em học sinh biết trân trọng, tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đây được xem là những hoạt động nhiều ý nghĩa, nhân văn. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Cô Võ Thị Hồng Đào (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi)

Không chỉ riêng các trường THCS, khối các trường tiểu học, THPT trên địa bàn huyện Bắc Trà My cũng đã có nhiều hình thức sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng.

Thầy Vũ Hoàng Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho rằng, những hoạt động giáo dục trên giúp các em hào hứng ôn lại bề dày truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống, hơn nữa còn có thêm nhiều hiểu biết về di sản của quê hương nói chung.

“Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh, các em học sinh đã ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản dân tộc”, thầy Tâm nói.

Cô Võ Thị Hồng Đào - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi - cho biết, công tác giáo dục tư tưởng về đạo đức lối sống, giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng.

Di tích lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Trà My, một trong những “địa chỉ đỏ” mà các trường đưa học sinh về đây để tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương.
 Di tích lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Trà My, một trong những “địa chỉ đỏ” mà các trường đưa học sinh về đây để tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương.
Cô Hứa Thị Nguyệt Quế (áo sẫm) Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ cùng học sinh tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” tại Nhà trưng bày khu An ninh khu V.
Cô Hứa Thị Nguyệt Quế (áo sẫm)  Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ cùng học sinh tham gia hành trình về “Địa chỉ đỏ” tại Nhà trưng bày khu An ninh khu V.

Cụ thể, hằng năm trường thường xuyên tổ chức chuyến hành trình về nguồn, đến các di tích trên địa bàn huyện và Quảng Nam cho các em học sinh trong trường.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My - cho hay, bên cạnh các tiết học trên lớp, việc tổ chức các tiết học thực tế, những hành trình về nguồn, hành trình về “Địa chỉ đỏ” gắn với di tích lịch sử của địa phương mà nhiều nhà trường trên địa bàn huyện đang thực hiện là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, giá trị truyền thống ở quê hương mình.

“Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện sẽ tiếp tục tăng cường các lớp tập huấn cho các giáo viên để đẩy mạnh việc đưa giáo dục truyền thống vào các bài giảng trong lớp học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh các nhà trường. Để từ đó cho học sinh phát huy tinh thần học tập để xây dựng quê hương, đất nước”, ông Tú nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.