Những tiết học không còn “khô cứng”
Là ngôi trường mang tên người thanh niên đầu tiên của Đoàn TNCS HCM, trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà) hàng năm đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các địa chỉ đỏ.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Vỵ, giáo viên Lịch sử của nhà trường, đa số học sinh xem nhẹ môn học này vì cho rằng không ứng dụng gì trong cuộc sống, ít cơ hội nghề nghiệp sau này.
Thời gian qua, BGH nhà trường đã không ngừng phối hợp để thay đổi cách dạy học môn Lịch sử sao cho hết khô cứng và thực tiễn, Qua đó, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trường học. Khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ.
Để những tiết học thực nghiệm có hiệu quả và cuốn hút, cô Vỵ thường lên ý tưởng và học sinh là người tự lên kế hoạch về chương trình.
“Tại mỗi địa chỉ đỏ, chúng tôi thường có 3 hoạt động chính: tìm hiểu về khu di tích, học trò tham gia trải nghiệm thực hiện trò chơi tìm mật mã lịch sử và dọn dẹp vệ sinh khu di tích. Mỗi hoạt động đều liên hệ trực tiếp với kiến thức bài học khiến các em rất tích cực tham gia. Cũng nhờ đó những giờ học Lịch sử khiến các em cảm thấy bớt khô khan và thú vị hơn nhiều. Sau mỗi tiết học thực nghiệm như vậy các em sẽ có báo cáo về chuyến đi”, cô Vỵ cho biết.
Mới đây nhất, ngày 19/8, nhà trường đã tổ chức hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh tại nhà thờ 16 học sinh tử nạn do bom Mỹ tại xã Việt Tiến. Đây là khu di tích tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ khi cách đây 50 năm, vào dịp năm học mới, 16 học sinh lớp 9A trường Trường Cấp III Lý Tự Trọng (nay là THPT Lý Tự Trọng) Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã bị tử nạn do bom Mỹ dội trúng.
Sau khi thắp hương và vệ sinh khu lưu niệm, các em học sinh đã được nghe các giáo viên kể về lịch sử của khu di tích và tội ác của Đế Quốc Mỹ tại quê hương.
“Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên so với những năm trước các hoạt động về địa chỉ đỏ phần nào hạn chế về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa về địa chỉ đỏ của nhà trường luôn được lên kế hoạch từ đầu năm học”, thầy Lê Ngọc Hội, Bí thư Đoàn trường THPT Lý Tự Trọng chia sẻ.
Còn tại trường THCS Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, nhất là dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3, nhà trường phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đến tham quan, học tập truyền thống tại đây. Bên cạnh đó, hằng tuần, nhà trường còn cử xoay vòng các lớp giúp Ban Quản lý tổng vệ sinh khu di tích, làm đẹp cảnh quan môi trường nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ.
Theo ông Trần Đình Ước, Trưởng BQL khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, trung bình mỗi năm, khu di tích đón hàng vạn lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc về tham quan, học tập, giáo dục truyền thống, thắp hương tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...
Do ảnh hưởng do dịch bệnh nên năm nay những hoạt động này phần nào hạn chế về số lượng và quy mô. Đối với những hoạt động này BQL rất sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các nhà trường giúp các em biết trân trọng hơn những giá trị truyền thống, tự hào hơn về lịch sử dân tộc, góp phần nâng cao kỹ năng sống.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng được các liên đội trường học trên địa bàn tỉnh ưu tiên hàng đầu. Bằng những hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.
Một số địa danh được liên đội các trường học lựa chọn để các em học sinh tham quan, tìm hiểu tiêu biểu như: Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc), Khu di tích lưu niệm Lý Tự Trọng (Thạch Hà); Bến đò Thượng Trụ, huyện Can Lộc; Khu di tích Cố Tổng Bí thư Trần Phú, huyện Đức Thọ; Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân...
Em Nguyễn Ngọc Anh (trường THPT Lý Tự Trọng) chia sẻ: “Em thấy những chuyến hành trình đến các địa chị đỏ vô cùng ý nghĩa và bổ ích. Có những câu chuyện lịch sử khi đến đây chúng em mới được biết và hiểu thêm những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước. Qua mỗi chuyến đi, chúng em cũng tự thấy bản thân mình cần cố gắng, nỗ lực hơn để xây dựng quê hương”.
Bằng hình thức tổ chức những chuyến tham quan trải nghiệm thiết thực vừa học tập, vừa vui chơi, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường trở nên gần gũi và sinh động hơn với các em học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, được phát triển toàn diện.
Theo Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, hàng năm, 100% các liên đội đều triển khai các hoạt động giáo dục nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm lịch sử truyền thống của Đảng, của Đoàn, Đội, lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó, giúp các em mở mang kiến thức và tiếp cận gần hơn với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. Bên cạnh các hình thức như: Tổ chức các cuộc thi viết, thi rung chuông vàng... thì các buổi tham quan trải nghiệm thực tế được nhiều em học sinh ưa thích hơn cả.