Chuyện học nơi rốn lũ Nậm Păm

GD&TĐ - Hai tháng sau khi trận lũ kinh hoàng lịch sử quét qua xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), trong bộn bề khó khăn để ổn định đời sống sinh hoạt của đồng bào nhân dân các dân tộc nơi đây, việc học của trẻ đều nhờ cậy vào chính quyền, các thầy cô giáo và các tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức vun đắp cho tương lai của các em. 

Chuyện học nơi rốn lũ Nậm Păm

Tuy các trường học của xã đã ổn định công tác dạy - học, nhưng còn thiếu thốn trăm bề để có được nền nếp học như xưa.

Những điều kiện học tập tối thiểu giữa bộn bề gian khó

Tôi đến Nậm Păm một sáng oi nồng, báo hiệu những trận mưa dông lại sắp kéo đến. Đường cũ vào Nậm Păm đã bị cơn lũ dữ cuốn trôi nên chính quyền nơi đây phải đắp một con đường công vụ khác gập ghềnh những tảng đá suối khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Thoáng bước vào đầu đường đi Nậm Păm chúng tôi đã hiểu được việc học của trẻ em của đồng bào các dân tộc nơi đây là mối quan tâm sau cùng trong muôn vàn bài toán mưu sinh đầy rẫy những khó khăn.

Dự cảm ấy hoàn toàn đúng khi bước vào vào cụm trường mầm non, tiểu học, THCS xã Nậm Păm. Trước đây là ba ngôi trường, nay còn hai, điểm trường chính của Trường Tiểu học Nậm Păm đã bị lũ quét sạch hoàn toàn nay học trò phải học nhờ trong khuôn viên của Trường THCS Nậm Păm.

Cô Lê Thị Thúy - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau lũ, để ngày khai giảng của các trường ở đây được đúng hẹn, những việc lớn được các bộ, ngành quan tâm chăm lo; Bộ GD&ĐT chu cấp toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập cho HS; Bộ Công an đã tài trợ xây dựng toàn bộ 11 phòng học lắp ghép cùng bàn ghế và 4 phòng ở bán trú cho HS tại điểm trường chính, công tác xây dựng được tiến hành khẩn trương để nhà trường kịp thời khai giảng năm học mới và đi vào giảng dạy.

Giữa bộn bề gian khó, việc vận động HS ra lớp là một công việc gian nan. Để huy động HS ra lớp được 100% như hiện nay, các giáo viên phải đem cặp sách mới với đầy đủ sách vở mới đến từng thôn bản, từng hộ dân vận động cha mẹ HS đưa con đến lớp.

Những năm gần đây, nhà trường đã đưa lớp 1 đầu cấp dạy học theo tài liệu Tiếng Việt – CNGD, và các lớp lớn học theo Mô hình Trường học mới VNEN. Tuy nhiên, đến năm học này, do các điều kiện của nhà trường chỉ còn những điều kiện học tập tối thiểu nhất nên cô Thúy cho biết, ngành Giáo dục Sơn La quyết định giảng dạy theo phương pháp truyền thống ở tất cả các khối lớp.

Đây là thiệt thòi lớn cho HS, bởi ở đây các em hầu hết đều là dân tộc ít người: Kháng, La Ha, Thái, Mông nên học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – CNGD giúp các em có vốn Tiếng Việt, đọc thông viết rất chắc để học lên lớp lớn; còn học theo Mô hình VNEN, giúp các em người dân tộc vốn rụt rè, ít giao tiếp trở nên nhanh nhẹn, tự tin và độc lập trong học tập, giao tiếp.

Vượt khó để ươm mầm xanh tri thức

Dẫn khách thăm một vòng quanh trường, cô Thúy cho biết, tuy rằng đã ổn định nền nếp, nhưng việc giảng dạy và học tập của nhà trường còn rất nhiều khó khăn. Thiết bị giảng dạy, đồ dùng dạy học của giáo viên hầu như trôi theo cơn lũ. Nay giáo viên nhà trường hoàn toàn phải dạy chay theo sách mà không có bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào. Để giờ dạy phát huy hiệu quả, trong lúc khó khăn này đòi hỏi giáo viên nhà trường phải thực sự đam mê với nghề và yêu trẻ.

Trường THCS Nậm Păm cũng gặp những khó khăn không kém trường tiểu học. Trong đợt lũ vừa qua các phòng học, bếp ăn, nhà ở bán trú của HS, nhà công vụ của giáo viên, công trình vệ sinh nước sạch cùng toàn bộ thiết bị của nhà trường, đồ dùng của giáo viên, của HS bán trú bị cuốn trôi hoàn toàn hoặc bị đất đá vùi lấp không thể sử dụng được. Tuy đã cuối buổi trưa, HS đã tan học ra về.

Trong trường chỉ còn lại thầy Trần Mạnh Hùng đang chỉ huy đội thợ tiếp tục lắp đặt, sửa thiết bị cho nhà trường để khắc phục hậu quả do cơn lũ gây ra. Thầy cho biết, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên, nhà trường nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm chung tay góp sức để nhà trường ổn định năm học mới.

Đến nay công tác giảng dạy đã đi vào ổn định, nền nếp. Công tác chăm lo đời sống bán trú cũng được chú trọng. Cả trường tiểu học và THCS đều có HS bán trú với tổng số gần 150 HS, các em được tổ chức nấu ăn chung tại một bếp ăn bán trú để thuận tiện chăm sóc các em.

Ông Phạm Văn Chính – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết về cơ bản, các điều kiện tối thiểu cho công tác dạy và học ở cụm trường xã Nậm Păm đã được đảm bảo. Nhưng về lâu dài các trường còn rất nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chính quyền địa phương phải tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tôn tạo lại cảnh quan trường lớp học, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học để các nhà trường có thêm các điều kiện giảng dạy và học tập.

Chia tay với các thầy cô giáo cụm trường Nậm Păm, tôi đi qua khu đất cao ráo mà theo cán bộ Phòng GD&ĐT thì đây chính là nơi quy hoạch địa điểm mới để xây dựng Trường Tiểu học Nậm Păm. Toàn bộ vốn xây trường được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ và sắp tổ chức khởi động xây dựng dự án với tiến độ đề ra là đến đầu năm học 2018 - 2019 trường mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là động lực để con chữ vùng rốn lũ Nậm Păm lại nảy mầm xanh, nuôi dưỡng những ước mơ con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ