Hơn 4 tháng gọi điện dò hỏi để tìm ra nhân vật
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp ghé nhà riêng của ông Trần Khánh Khư - nguyên là Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (1998 – 2007) ở tại một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Lý, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đã nghe ông kể về hành trình tìm cựu binh Lê Xuân Chinh (trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) – nhân vật chính trong bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” hiện đang được treo trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Rót tách nước mời khách, ông Khư vừa trò chuyện vừa cẩn trọng giở các tập giấy tờ dày cộm, để tìm lại bức thư, bài viết cùng những tấm ảnh kỷ niệm ghi lại quá trình tìm được ông Chinh cho chúng tôi xem.
Ông Khư kể, vào đầu năm 2002, một đoàn khách từ Ngân hàng Công Thương Việt Nam vào tham quan Di tích Thành cổ Quảng Trị. Sau khi thăm Tượng đài Thành cổ và các điểm chứng tích, đoàn khách đến thăm Nhà Bảo tàng - nơi trưng bày tranh ảnh, hiện vật của Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, khi ông Khư đang giới thiệu bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính thì một vị khách chăm chú nhìn rất kĩ bức ảnh rồi nói: “Hình như đây là anh Chinh, quê Thái Bình”.
Sau khi hoàn thành phần thuyết minh, ông Khư bèn vội tìm mời vị khách này vào phòng làm việc để hỏi rõ thêm thông tin. Tuy nhiên, vị khách cho biết rời quê lên Hà Nội sống đã lâu. Chỉ biết rằng ông Chinh đã đi kinh tế mới, nhưng ở đâu thì không biết.
“Thông tin nhận về tuy mỏng manh nhưng lại khiến tôi cứ thôi thúc bản thân phải tìm cho được người trong bức ảnh này. Bởi vì “Nụ cười thách thức bom đạn” là một bức ảnh đặc biệt có giá trị đối với Di tích Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm đánh địch tái chiếm năm 1972. Biết là rất khó, nhưng tôi vẫn quyết định tìm cho ra nhân vật”, ông Khư nhớ lại.
Ông Khư đọc lại bức thư cảm ơn từ cựu chiến binh Lê Xuân Chinh gửi được viết vào tháng 7/2002. |
Ngày đó, sử dụng điện thoại bàn thường được bưu điện cấp phát cuốn sổ danh bạ. Ông Khư dành tiền lương của mình rồi cứ tranh thủ lúc rảnh rỗi là đến bưu điện và bắt đầu gọi hỏi từ các cơ quan, đơn vị hành chính ở tỉnh Thái Bình như: Văn phòng UBND tỉnh, Tỉnh đội, Hội Cựu chiến binh, Sở LĐ-TB&XH, các phòng, ban… Hỏi đơn vị này không có kết quả, ông lại chuyển tìm số điện thoại đơn vị khác để hỏi.
Mặc dù, cước gọi một lần điện thoại đường dài nói cho đủ ý coi như mất mấy ngày lương, thế nhưng ông Khư vẫn quyết tâm tìm kiếm. Sau gần nửa tháng, ông Khư mới nhận được kết quả ban đầu rằng có cựu chiến binh tên Chinh quê ở xã Tân Việt, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có đi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, nhưng hiện đã đi kinh tế mới ở tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).
Tiếp tục gọi điện lên Lai Châu nhờ xác minh và qua rất nhiều lần liên lạc, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, ông Khư được biết phần lớn người dân Thái Bình đi kinh tế mới đến Lai Châu đều ở huyện Điện Biên. Liên lạc với huyện Điện Biên được biết hầu hết bà con Thái Bình tập trung ở xã Thanh Yên và cuối cùng khoanh vùng được cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (SN 1954, trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) hiện ở tại Đội 4 của xã.
Hôm gọi điện đến, người cần gặp không có điện thoại, lại đi làm rẫy nên ông Khư để lại số máy và đến ngày hôm sau thì nhận được cuộc gọi từ Lai Châu. Biết người này kinh tế khó khăn, ông Khư đề nghị tắt máy và gọi lại xác minh các thông tin thì đúng là nhân vật trong bức ảnh.
Tính từ lúc phát hiện manh mối thông tin từ du khách, rồi gọi điện tìm kiếm và chắp nối các nguồn tin cung cấp, phải hơn 4 tháng ông Khư mới tìm ra cựu binh Lê Xuân Chinh – chủ nhân của nụ cười.
“Tôi quá vui mừng. Tuy hành trình tìm được ông Chinh khá gian nan nhưng đã thu về kết quả tích cực. Cũng từ đó, tôi có thêm thông tin về nhân vật để giới thiệu với du khách. Trong chú thích về bức ảnh và bài thuyết minh của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng từ đó được thay bằng dòng chữ “người chiến sỹ tươi cười trong bức ảnh nổi tiếng này hiện vẫn còn sống”, ông Khư nói.
Ông Khư cùng ông Chinh chụp hình kỷ niệm trong lần ông Chinh vào thăm Thành cổ Quảng Trị. |
Giúp người cựu chiến binh đổi thay cuộc sống
Qua lần gọi điện chuyện trò ấy, ông Khư biết thêm thông tin cựu chiến binh Lê Xuân Chinh mồ côi cha từ nhỏ, là con trai duy nhất trong gia đình. Năm 1971, ông Chinh xung phong nhập ngũ. Tháng 6/1972, ông Chinh thuộc biên chế của Đại đội 18 Thông tin liên lạc, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị.
Đêm 24/8/1972, ông Chinh được lệnh vượt sông Thạch Hãn để đưa phóng viên Đoàn Công Tính của Báo Quân đội nhân dân vào Thành cổ Quảng Trị tác nghiệp. Khi đến gần chốt của ta giáp bờ sông Thạch Hãn, gặp một số chiến sỹ đang sửa lại hào chiến đấu sau những loạt pháo trước đó vài phút, mùi khói và thuốc pháo cháy còn khét lẹt, phóng viên Đoàn Công Tính đề nghị các chiến sĩ dừng tay để chụp một tấm ảnh. Lúc đó, ông Chinh cứ nghĩ biết đâu nhờ bức ảnh được đăng báo mà mẹ già ở quê biết con mình còn sống nên đã cười thật tươi.
Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, ông Chinh tạm biệt nhà báo Đoàn Công Tính và trở về với nhiệm vụ của một chiến sỹ thông tin. Đến ngày 5/9, ông Chinh bị thương, được đơn vị đưa về tuyến sau điều trị. Đến tháng 6/1974, do sức khỏe yếu nên về phục viên. Chế độ được hưởng 6 tháng gạo, tiền máu và 6 tháng lương cấp bậc hạ sĩ. Sau này, ông Chinh bị mất giấy tờ, hồ sơ lưu thất lạc nên không làm được các chế độ quân nhân. Năm 1980, ông Chinh rời quê, cùng gia đình lên tỉnh Điện Biên xây dựng quê mới tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên nhưng cuộc sống rất chật vật.
Cảm thông, trăn trở với số phận của người cựu chiến binh năm xưa, ông Khư đã tìm liên lạc với tác giả của bức ảnh - phóng viên Đoàn Công Tính. Ngay trong năm 2002, phóng viên Đoàn Công Tính đã ra Điện Biên tìm gặp ông Chinh và làm một bộ phim tài liệu về ông Chinh. Đồng thời, khâu nối được với các đơn vị cũ của ông Chinh, xác minh thời điểm đi bộ đội để làm hồ sơ, giúp ông Chinh hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Không những thế, ông Khư còn liên hệ với bạn bè, người thân, kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ ông Chinh và kiếm công ăn việc làm cho các con của ông ấy, giúp gia đình người cựu chiến binh ấy ổn định kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Cũng từ đó, ông Khư và ông Chinh nhiều lần gặp nhau tại Thành Cổ Quảng Trị, rồi ôn lại những chuyện cũ, những ký ức hào hùng ở nơi được mệnh danh là “chảo lửa” của Quảng Trị.
“Với tôi, tất cả những việc làm trên của bản thân đều như là sự tri ân với người lính đã vào sinh ra tử trên mảnh đất Quảng Trị. Việc giúp ông Chinh chỉ đơn giản như nghĩa tình của những người lính”, ông Khư chia sẻ.
Năm 1998, bức ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” của tác giả Đoàn Công Tính được phóng lớn, treo trang trọng ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc những chiến sĩ trẻ đều ở độ tuổi 20 ngồi trước đống đổ nát với cảnh tượng hoang tàn trong Thành Cổ Quảng Trị sau những trận pháo kích ác liệt của kẻ thù. Bức ảnh trở nên nổi tiếng bởi đã thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu ngoan cường của các chiến sỹ nơi Thành cổ. Vào năm 2020, bức ảnh này được tỉnh Quảng Trị lựa chọn để đúc trên trống đồng do Hội Di sản cổ vật tỉnh Thanh Hóa đúc tặng và đặt tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.