Tính đến tháng 3 năm nay, đã có hơn 7.000 vệ tinh của Starlink được đưa vào quỹ đạo, nhưng SpaceX vẫn tham vọng phóng lên không gian 42.000 vệ tinh để phủ sóng Internet trên toàn cầu.
Phủ sóng vùng khó
Mới đây, Việt Nam đã cấp phép cho SpaceX triển khai thử nghiệm dịch vụ Starlink. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc phát triển hạ tầng Internet quốc gia, mở ra cơ hội kết nối cho hàng triệu người dân ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi việc triển khai mạng Internet truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến trong vòng 5 năm thí điểm, dịch vụ này sẽ cung cấp Internet vệ tinh cho 600 nghìn thuê bao tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet viễn thông.
Starlink là dự án của SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập năm 2002. Hệ thống sử dụng mạng lưới hàng nghìn vệ tinh quay quanh Trái đất ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) để truyền tín hiệu. Dù có chi phí đắt đỏ và tốc độ chưa cao bằng cáp quang, nhưng theo Cnet, Starlink tạo ra cuộc cách mạng truy cập Internet tại nông thôn Mỹ.
SpaceX giới thiệu Starlink từ năm 2015. Ăng-ten Starlink chỉ có kích thước bằng một hộp bánh pizza, có thể kết nối Internet bất kỳ đâu với điều kiện trời quang. Starlink cũng ra mắt ăng-ten mini mùa Hè 2024 để hỗ trợ kết nối mạng khi di chuyển.
Starlink hiện có khoảng 1,4 triệu thuê bao tại Mỹ và 4,6 triệu thuê bao toàn cầu. Dù chỉ chiếm 1% toàn bộ kết nối Internet ở Mỹ, song họ phải phục vụ những khách hàng khó tiếp cận nhất.
Internet vệ tinh xuất hiện từ lâu nhưng không cải thiện về chất lượng, cho đến khi Starlink ra đời. Đột phá của dịch vụ là đưa vệ tinh đến gần Trái đất hơn: Khoảng 342 dặm (550 km) so với mặt đất, so với khoảng 22.000 dặm (~35.405 km) của các vệ tinh địa tĩnh của những hãng như Hughesnet và Viasat.
Với người dùng, Starlink cung cấp tốc độ nhanh hơn nhờ mạng lưới vệ tinh rộng lớn, nhưng nâng cấp đáng giá nhất nằm ở độ trễ - hay thời gian để dữ liệu di chuyển từ ăng-ten đến vệ tinh. Theo các bài kiểm tra tốc độ của Ookla, độ trễ trung bình của Starlink tại Mỹ là 62 mili giây năm 2023, so với 681 mili giây của Viasat và 886 mili giây của Hughesnet.

Tác động của vệ tinh
Các vệ tinh Starlink quay quanh quỹ đạo cách Trái đất khoảng 342 dặm và tạo nên một màn trình diễn ngoạn mục cho những người quan sát khi chúng di chuyển trên bầu trời. Song, thực tế, không phải tất cả mọi người đều hoan nghênh điều đó. Bởi, chúng có thể cản trở đáng kể cả quan sát thiên văn quang học và vô tuyến.
Theo nhà thiên văn học người Mỹ Jonathan McDowell, tính đến ngày 28/3, có 7.135 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo, trong đó 7.105 vệ tinh đang hoạt động. Quy mô và kích thước của dự án Starlink khiến các nhà thiên văn học lo ngại rằng, các vật thể sáng trên quỹ đạo sẽ gây nhiễu quan sát về vũ trụ.
Trong khi đó, các chuyên gia an toàn du hành vũ trụ hiện coi Starlink là nguồn nguy cơ va chạm số một trên quỹ đạo Trái đất. Ngoài ra, một số nhà khoa học lo ngại rằng, lượng kim loại sẽ cháy trong bầu khí quyển của Trái đất khi các vệ tinh cũ bị loại khỏi quỹ đạo có thể gây ra những thay đổi khó lường đối với khí hậu của hành tinh.
Đề xuất về Internet vệ tinh của SpaceX được công bố vào tháng 1/2015. “Chúng tôi thực sự đang nói về một điều gì đó, về lâu dài, giống như việc xây dựng lại Internet trong không gian”, tỷ phú Musk phát biểu tại Seattle khi tiết lộ về dự án.
Ước tính ban đầu của Musk về số lượng vệ tinh sớm tăng lên. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cấp phép cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh Starlink. Sau đó, công ty đã nộp hồ sơ lên một cơ quan quản lý quốc tế để đưa thêm tối đa 30.000 vệ tinh.
SpaceX đã phóng hai tàu thử nghiệm Starlink đầu tiên của mình, có tên là TinTinA và TinTinB, vào tháng 2/2018. Dựa trên dữ liệu ban đầu, công ty đã yêu cầu các cơ quan quản lý cho phép đội tàu của mình hoạt động ở độ cao thấp hơn so với kế hoạch ban đầu và FCC đã đồng ý. 60 vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng vào ngày 23/5/2019, trên tên lửa SpaceX Falcon 9. Các vệ tinh đã đạt được độ cao hoạt động thành công là 340 dặm.
Vài ngày sau lần phóng 60 vệ tinh Starlink đầu tiên, những người quan sát bầu trời đã phát hiện ra một chuỗi ánh sáng khi tàu vũ trụ bay qua đầu vào sáng sớm. “Đây là một cảnh tượng khá tuyệt vời, và tôi đã hét lên khi ‘đoàn tàu’ vật thể sáng chói xuất hiện trong tầm nhìn”, Marco Langbroek, người theo dõi vệ tinh có trụ sở tại Hà Lan, đã nói vào năm 2019.
Độ sáng đó khiến hầu như mọi người đều bất ngờ, bao gồm cả SpaceX và cộng đồng thiên văn học. Các nhà nghiên cứu bắt đầu hoảng sợ và chia sẻ ảnh vệ tinh trong dữ liệu của họ, như hình ảnh vệt sáng này từ Đài quan sát Lowell ở Arizona.
Họ bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về những hình ảnh trong tương lai từ các kính viễn vọng có độ nhạy cao như Đài quan sát Vera Rubin - nơi sẽ nghiên cứu toàn bộ vũ trụ một cách chi tiết.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 10/2022, Hiệp hội Thiên văn học Mỹ (ASS) đã ví tác động của các vệ tinh lớn đối với thiên văn học như ô nhiễm ánh sáng. Báo cáo cho biết, bầu trời có thể sáng hơn gấp hai đến ba lần do sự phản xạ khuếch tán của ánh sáng mặt trời từ tàu vũ trụ.
Theo thống kê của trang worldpopulationreview.com, hiện tại Starlink đã có mặt ở 87 quốc gia và có kế hoạch mở rộng thêm. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên không nằm trong khu vực cung cấp dịch vụ. Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đã bày tỏ mối quan ngại trong một tuyên bố được công bố vào tháng 6/2019.
“Các chòm sao vệ tinh có thể gây ra mối đe dọa đáng kể hoặc làm suy yếu đối với các cơ sở hạ tầng thiên văn quan trọng hiện có và trong tương lai. Chúng tôi kêu gọi các nhà thiết kế và triển khai cũng như các nhà hoạch định chính sách hợp tác với cộng đồng thiên văn trong một nỗ lực chung để phân tích và hiểu tác động của vệ tinh”, tuyên bố cho biết.
Mục tiêu cuối cùng của SpaceX là triển khai 42.000 vệ tinh, phủ sóng toàn cầu và khắc phục tình trạng mất kết nối ở những khu vực mà hạ tầng truyền thống không thể vươn tới. Tính đến đầu năm 2025, con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh mỗi tháng với hàng chục lần phóng.