Hành trình tìm mộ nhà khoa học vinh quang sau khi... qua đời

GD&TĐ - Trong khi những người vào thời đó đều cho rằng Trái đất của chúng ta đứng im và là trung tâm của vũ trụ thì Nicolaus Copernicus đã phát biểu điều ngược lại.

Tranh vẽ Copernicus đang làm việc
Tranh vẽ Copernicus đang làm việc

Thuyết nhật tâm ra đời đã khiến ông bị người đương thời cho là kẻ dị giáo. Thế nhưng cuối cùng chân lý đã thuộc về ông… Tuy nhiên, phải sau hơn 400 năm ngày ông qua đời, trải qua bao biến cố, hài cốt của ông mới được tìm thấy.

Lý thuyết về vũ trụ mang tính cách mạng

Cho tới ngày qua đời vào năm 1543, Nicolaus Copernicus (SN 1473) chưa phải là một người nổi tiếng như ngày nay. Nhà học giả người Ba Lan này được học hành tốt, sống và làm việc với tư cách là nhà toán học, thiên văn học, kinh tế học, thầy thuốc và giáo sĩ ở nhà thờ lớn Frauenburg (ngày nay là Frombork), cách Warsaw 320km về phía Bắc. Sau khi qua đời, ông được chôn cất trong một ngôi mộ không được đánh dấu, nằm dưới nền của ngôi nhà thờ này.

Theo thời gian, vị trí chính xác nơi an nghỉ của ông không còn ai nhớ đến. Sau này, nhiều người, trong đó có Napoleon và những nhà lãnh đạo của Đức quốc xã, đã nỗ lực tìm kiếm phần mộ của ông nhưng không thành công. Mãi cho đến năm 2004, một nhóm các nhà khoa học Ba Lan đã tiến hành một cuộc khảo sát rộng lớn để mong giải mã được bí ẩn mộ phần của Copernicus.

Copernicus đã đạt đến vinh quang của nhà khoa học chỉ sau khi ông chết. Trên thực tế, nhiều người đương thời đã cho rằng ông là một kẻ dị giáo. Tuyên bố cuối cùng của ông đã tạo nên tiếng vang trong sự nghiệp nghiên cứu của mình là ý tưởng Trái đất và những hành tinh khác xoay chung quanh Mặt trời, tức Lý thuyết nhật tâm. Trong khi đó, vào lúc này, niềm tin rộng rãi trong công chúng và cũng theo quan điểm của nhà thờ Cơ đốc giáo La Mã là tất cả các thiên thể đều quay chung quanh Trái đất, vốn đứng im một chỗ ở trung tâm của vũ trụ, tức Lý thuyết địa tâm

Đi tìm ngôi mộ của thiên tài

Sau khi Copernicus qua đời, ngôi mộ của ông được cho là nằm ở đâu đó dưới ngôi nhà thờ Frombork, lẫn trong số hơn một trăm ngôi mộ khác. Vào thế kỷ 17, quân đội Thụy Điển tiến hành một cuộc xâm lăng Ba Lan, đã cướp phá các hầm mộ bên dưới nhà thờ, cộng thêm sự tàn phá trong Thế chiến thứ Hai đã biến khu vực chôn cất ở nơi thiêng liêng này trở thành hoang tàn, hỗn độn. Do đó, những gì còn lại bên dưới nhà thờ vào thời điểm các nhà khoa học Ba Lan bắt đầu khai quật vào năm 2004 chỉ là một mớ lộn xộn xương cốt nằm rải rác. Những nhà điều tra suy luận rằng, do Copernicus chịu trách nhiệm chăm sóc bệ thờ thánh Cross trong suốt cuộc đời của ông tại nhà thờ nên có thể ông được chôn ở khu vực gần đó.

Vào năm 2005, các nhà khoa học khám phá một cái sọ người ở gần bệ thờ trên. Mặc dù sọ bị mất hàm dưới, nhưng cũng cho thấy một cái mũi bị vỡ và thuộc về một người đàn ông tuổi từ 60 đến 70. Điều này lóe lên niềm hy vọng, vì Copernicus chết khi ông 70 tuổi. Các chuyên gia tại phòng thí nghiệm pháp y trung ương của cảnh sát Warsaw, từ sọ này, đã tái tạo khuôn mặt từ vi tính và so sánh các kết quả với các bản sao chân dung Copernicus. Khuôn mặt tái tạo tiết lộ một người đàn ông trông giống như Copernicus, với đặc điểm có một vết sẹo trên trán.

Bia mộ Copernicus ở nhà thờ Frombork

Phân tích DNA răng hàm của sọ phù hợp với 2 xương đùi tìm thấy cạnh bên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể xác định thi thể những thân nhân của Copernicus. Điều này có nghĩa là họ không có gì để đối chiếu nhằm xác định bộ xương kia liệu có phải là của nhà khoa học tài ba hay không.

Cuối cùng, một sự may mắn cũng đến, các nhà điều tra đã tìm thấy những gì mà họ cần, trong khi đi tìm các di vật liên quan đến nhà khoa học. Trong cuộc chiến tranh phương Bắc lần thứ nhì vào giữa những năm 1600, đội quân xâm lược Thụy Điển đã tràn ngập và tàn phá Ba Lan để lại lâu đài, cung điện và toàn bộ thành phố, nhà thờ trong tình trạng hoang tàn đổ nát. Mọi thứ có giá trị đều bị những kẻ xâm lược lấy mang về Thụy Điển.

Nhà thờ Frauenburg, nơi Copernicus đã học tập và thực hiện những quan sát bầu trời, cũng bị cướp phá. Trong số các tài liệu ở những thư viện mà quân Thụy Điển lục soát và cướp bóc có một bản viết tay quan trọng mà Copernicus đã sử dụng rất nhiều trong khi làm việc. Đó là Calendarium Romanum Magnum, tập bản đồ được tạo bởi Johannes Stoffler vào năm 1518. Đây là tập bản đồ bầu trời mới đã trở thành nền tảng cho lịch Gregory mà ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng. Copernicus đã dùng thường xuyên bản đồ như một tài liệu tham khảo về thiên văn học và các nhà khoa học cho rằng có khả năng nó có chứa một số DNA của ông.

Trải qua nhiều thế kỷ, The Calendarium nằm tại thư viện ĐH Uppsala ở Thụy Điển. Goran Henriksson, một nhà thiên văn học tại Uppsala, đã xem xét cẩn thận các trang của Calendarium mà trong đó Copernicus từng ghi những ghi chú của ông trên đó. Ông đã khám phá 9 mẩu lông tóc và đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.

Kết quả, 4 trong những mẩu tóc này đã cho ra các kết quả về DNA. Hai trong số đó chứa DNA phù hợp với DNA từ răng hàm của chiếc sọ được cho là của Copernicus. Các nhà khoa học rất phấn khởi vì có vẻ như việc tìm thấy ngôi mộ của Copernicus đã có kết quả chắc chắn. Vào năm 2008, họ công bố phát hiện này ra toàn thế giới.

Vào tháng 5-2010, tức 467 năm sau cái chết của ông, nhà thiên văn học lỗi lạc và anh hùng dân tộc của Ba Lan một lần nữa được yên nghỉ tại thánh đường Frombork.

Ngày nay, du khách đến Frombork xinh đẹp đều có thể đến thăm ngôi mộ của một nhân vật lỗi lạc thời kỳ Phục hưng, người đã thay đổi quan niệm của chúng ta về vũ trụ. Đã từng bị cho là kẻ dị giáo, bị thế giới lãng quên, Copernicus hiện được tôn vinh như anh hùng dân tộc.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ