GS. TSKH Lê Thành Vinh:

Hành trình phát triển thuốc đông y thế hệ 2

GD&TĐ - Được phong hàm GS tại Pháp ở tuổi 42, GS.TSKH Lê Thành Vinh mang tri thức khoa học tiên tiến về hỗ trợ gia đình phát triển thuốc đông y thế hệ 2.

GS Lê Thành Vinh (hàng trên, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng con trai và mẹ là Lương y Phạm Thị Giang. Ảnh: NVCC.
GS Lê Thành Vinh (hàng trên, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng con trai và mẹ là Lương y Phạm Thị Giang. Ảnh: NVCC.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hóa, GS. TSKH Lê Thành Vinh là một trong những người trẻ nhất được phong hàm Giáo sư (GS) tại Đại học Marseille, Pháp, ở tuổi 42. Giờ đây, khi đã ngoài 60 tuổi, ông trở về Việt Nam với mong muốn hỗ trợ gia đình duy trì và phát triển thuốc đông y thế hệ 2.

Một trong những GS trẻ nhất Đại học Marseille

Tốt nghiệp khoa Toán – Lý tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), GS Lê Thành Vinh về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Sau 5 năm công tác, ông sang Pháp theo chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Hoàn thành luận án tiến sĩ, ông quyết định làm thực tập sau tiến sĩ (post-doc) cho phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Tổng hợp Pierre và Marie Curie, Paris, Pháp. Thời điểm đó, phòng thí nghiệm, dưới sự lãnh đạo của GS M.Balkanski, đang triển khai đề tài nghiên cứu cấp Châu Âu về chế tạo vật liệu đa lớp ứng dụng sản xuất pin ô tô điện bằng phương pháp mới nhưng rơi vào bế tắc. Sau khi tìm hiểu, GS Lê Thành Vinh đã kiến nghị một hướng đi mới dù trước đấy các chuyên gia khác ở Nhật Bản đã phủ nhận tính khả thi.

Năm 1994, GS Lê Thành Vinh viết bài báo đầu tiên chứng minh hướng chế tạo vật liệu đa lớp bằng phương pháp mới Epitaxi hoàn toàn có thể thực hiện được. Bài báo đã tạo nên tiếng vang trong giới khoa học vật liệu. Phòng thí nghiệm cũng đề nghị Lê Thành Vinh kéo dài thời hạn thực tập thêm một năm.

Sau hai năm làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Pierre và Marie Curie, GS Vinh dự định trở lại Việt Nam và ứng dụng những kiến thức khoa học cho công cuộc phát triển đất nước. Ông đem những tâm sự của mình chia sẻ với GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhưng được GS Hiệu khuyên tiếp tục ở lại Pháp.

GS Hiệu gợi mở nếu say mê nghiên cứu, Vinh có thể thi làm cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia CNRS Pháp dù đây là kỳ thi vô cùng khó khăn. Ấy vậy, cuối năm 1994, GS Lê Thành Vinh đã xuất sắc đứng đầu cuộc thi vào Viện Điện tử (IEF), Trường Đại học Paris.

Sau 8 năm nghiên cứu, đến đầu năm 2002, GS Lê Thành Vinh thu thập những kết quả nghiên cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Tại Pháp, thông thường, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ thì trung bình phải 10 năm sau mới bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Ông là trường hợp đặc biệt khi không có thầy giáo hướng dẫn và tự mày mò, thu thập nghiên cứu.

Sau đó, GS Vinh nộp hồ sơ cho Hội đồng quốc gia xét duyệt phong giáo sư. Đến tháng 10/2002, ông xuất sắc vượt qua kỳ thi ở Đại học Marseille và trở thành GS trẻ nhất đại học. Năm 2015, ông được Hội đồng nhà nước Pháp phong là GS ngoại hạng của nhà nước Pháp.

Trong thời gian làm việc và nghiên cứu tại Pháp, GS Lê Thành Vinh từng giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên nhiều uỷ ban khoa học của các hội nghị quốc tế. Cách đây 5-6 năm, GS Lê Thành Vinh trở về Việt Nam thường xuyên hơn theo chương trình nhà nước Pháp hỗ trợ đào tạo thạc sĩ cho Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay Trường Đại học Việt Pháp – UTSH).

Ông trở thành cầu nối cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận nền khoa học thế giới và duy trì mạng lưới kết nối giữa nhà khoa học Việt Nam – Pháp. Ông đã hướng dẫn hơn 10 tiến sĩ trong đó có 5 tiến sĩ Việt Nam.

GS Lê Thành Vinh (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) thảo luận cùng các chuyên gia về lựa chọn sản phẩm. Ảnh: NVCC.

GS Lê Thành Vinh (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) thảo luận cùng các chuyên gia về lựa chọn sản phẩm. Ảnh: NVCC.

Phát triển thuốc đông y thế hệ 2

Giờ đây, khi đã ngoài 60 tuổi, GS Lê Thành Vinh trở về Việt Nam mang theo các tri thức khoa học tiên tiến để hỗ trợ gia đình phát triển thuốc đông y thế hệ 2. Ít ai biết rằng GS Vinh là con trai cả của Lương y Phạm Thị Giang, chủ Doanh nghiệp Bà Giằng với hai bài thuốc gia truyền nổi tiếng là “Phong tê thấp Bà Giằng” và “Đại tràng hoàn Bà Giằng”.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống sản xuất thuốc đông y nhưng GS Vinh đam mê nghiên cứu về vật liệu và công nghệ nano. Khi bắt tay vào hỗ trợ gia đình, ông gặp không ít khó khăn. Dù vậy, GS vẫn say mê tìm hiểu kiến thức về dược lý và đông y; tham khảo các chuyên gia dược Việt Nam để tìm cách ứng dụng kiến thức khoa học tân tiến vào việc sản xuất thuốc đông y.

GS Lê Thành Vinh chia sẻ: Đối với các bệnh về xương khớp, thông thường, thuốc tây y không thể chữa dứt điểm, thường nghiêng về hướng hỗ trợ giảm đau và chứa nhiều tác dụng phụ. Còn thuốc đông y ít có tác dụng phụ, khả năng phục hồi cao. Sử dụng thuốc đông y còn hỗ trợ kéo dài thời gian tái phát bệnh về xương khớp như viêm sưng...

Tuy nhiên, phương Tây quan niệm muốn chữa bệnh hiệu quả thì thuốc tốt thôi là chưa đủ mà cần sự tư vấn, điều chỉnh thuốc phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của bệnh nhân. Điều này trở thành nguồn cảm hứng để GS Vinh thành lập phòng tư vấn sử dụng thuốc Bà Giằng cho bệnh nhân tại Hà Nội. Nhiều người sử dụng thuốc Bà Giằng theo tư vấn, điều chỉnh của dược sĩ dần hồi phục và kéo dài thời gian tái phát bệnh.

Là người làm khoa học, khi thấy những nghiên cứu của mình có thể ứng dụng trong đời sống xã hội, GS Vinh thấy vui và tự hào. Hạnh phúc nhỏ này đã thôi thúc GS tìm hướng đi mới. Bước ngoặt đến với GS Lê Thành Vinh khi nhà máy sản xuất thuốc của doanh nghiệp Bà Giằng trong Thanh Hóa phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng đủ điều kiện về quy định thực hành tốt sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO của Bộ Y tế.

Quy trình sản xuất thuốc dạng viên nén tại nhà máy sản xuất thuốc YHCT Bà Giằng. Ảnh: NVCC.
Quy trình sản xuất thuốc dạng viên nén tại nhà máy sản xuất thuốc YHCT Bà Giằng. Ảnh: NVCC.

Thời điểm này, khi nhà máy đã đảm bảo điều kiện và dây chuyền sản xuất được nâng cấp, GS Lê Thành Vinh tiếp tục ứng dụng và phát triển bào chế thuốc dưới dạng viên nang, viên nén… thay vì chủ yếu được bào chế dưới dạng viên hoàn như trước đây. Chuyển sang dạng bào chế mới, số lượng viên thuốc bệnh nhân uống/lần sẽ giảm, đồng thời, khả năng hấp thụ cũng được nâng cao.

Ngoài ra, trong thời gian tới, GS Vinh ấp ủ đưa nghiên cứu về vật liệu và công nghệ nano vào quá trình sản xuất thuốc. Sở dĩ ông muốn thực hiện nghiên cứu này vì một trong những bản sắc riêng của thuốc Bà Giằng là “lấy độc trị độc”. Đó là việc bào chế Mã tiền, hay còn gọi là “Mã tiền chế”. Khi đưa công nghệ nano vào quá trình sơ bào chế có thể góp phần tăng hiệu quả chữa bệnh của hạt Mã tiền và hạn chế tối đa độc tính cùng các tác dụng phụ.

Chứng kiến bài thuốc gia truyền của gia đình có nguy cơ bị mai một, GS Vinh đã quyết tâm tìm cách để không chỉ khôi phục hoạt động mà còn phát triển thành thuốc đông y thế hệ 2. Theo đó, thuốc đông y thế hệ 2 là dược liệu được sản xuất tại nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO với dạng bào chế hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ