Ba nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 nghiên cứu đề tài gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ba nhà khoa học nữ được vinh danh năm 2022 sở hữu các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khoẻ và lợi ích cộng đồng.

Chiều 25/11 tại Hà Nội, Chương trình Giải thưởng L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 cho 3 nhà khoa học nữ với các đề án nghiên cứu vì sức khoẻ và lợi ích cộng đồng.

Nghiên cứu vì sức khoẻ và lợi ích cộng đồng

Gương mặt Nhà khoa học nữ đầu tiên là PGS.TS Lê Minh Hà, Trưởng phòng Hóa dược Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PGS.TS Lê Minh Hà.
PGS.TS Lê Minh Hà.

Theo PGS.TS Lê Minh Hà, trong thời gian gần đây, hướng nghiên cứu khai thác các hoạt chất từ nguồn thảo dược tự nhiên trong hỗ trợ đau nhức xương khớp từ các bài thuốc của dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam rất phù hợp, có hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ, trong đó có bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Hiện tại, bài thuốc tắm nói trên đang được khẳng định qua trải nghiệm thực tế của dân địa phương và khách du lịch đến Sapa.

Nghiên cứu của PGS.TS Lê Minh Hà hướng đến việc bổ sung các bằng chứng khoa học hiện đại cho bài thuốc trên, để góp phần bảo tồn, lưu giữ các bài thuốc cổ của người dân tộc Dao đỏ. Đồng thời, giúp người dân bản địa biết lưu giữ, phát triển nhân rộng các cây thuốc quý, phục vụ cho sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

PGS.TS Phan Thị Phương Nhi. Ảnh: NVCC

PGS.TS Phan Thị Phương Nhi. Ảnh: NVCC

Người thứ hai được vinh danh là PGS.TS Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Huế.

TS Phan Thị Phương Nhi đã áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gen, thông qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi (loại chè Truồi đã từng là loại nước uống phổ biến trong cung đình Huế), góp phần khẳng định tên tuổi của chè Truồi là một đặc sản của cố đô Huế.

Đề án của TS Phan Thị Phương Nhi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền các loài chè, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó có thể bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của cố đô Huế.

Góp phần vào sự tiến bộ của khoa học Việt Nam

Cuối cùng là TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, được vinh danh qua đề án nghiên cứu về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua việc sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.

TS Hà Thị Thanh Hương. Ảnh: NVCC

TS Hà Thị Thanh Hương. Ảnh: NVCC

Đề án của TS Thanh Hương tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương đầy triển vọng được dùng cho chẩn đoán Alzheimer là protein tau được phosphoryl hoá (p-tau). P-tau là một thành phần quan trọng kích hoạt sự hình thành của đám rối tơ thần kinh nội bào, vốn là một cơ chế bệnh sinh quan trọng của bệnh Alzheimer.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào hướng tới việc phát triển một xét nghiệm kết hợp hóa chất miễn dịch và hạt nano để chẩn đoán sớm AD sử dụng mẫu huyết tương. Vì thế, nghiên cứu của TS Hà Thị Thanh Hương nhắm đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học AD có nồng độ thấp trong máu là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.

Nhóm nghiên cứu của TS Hương cũng đã kết nối với các bệnh viện hàng đầu về sa sút trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm nghiên cứu chẩn đoán phân tử từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, tạo điều kiện hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Việt Nam.

Chương trình L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam từ năm 2019. Trong 13 năm qua, chương trình đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L'Oreal Việt Nam.

Ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L'Oreal Việt Nam.

Theo ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L’Oreal Việt Nam, những khám phá của họ đã tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân trong nước, đưa ra những giải pháp mới để trả lời cho những câu hỏi quan trọng liên quan đến lợi ích và sống còn của cộng đồng. Một số phát minh đột phá đang thúc đẩy toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu và thậm chí mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới.

Công việc và nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đang góp phần chữa bệnh, tăng nguồn cung cấp thực phẩm và xây dựng hướng phát triển bền vững cho hành tinh chúng ta.

“Tôi tin rằng 35 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đang trở thành những tấm gương thực sự mạnh mẽ cho các thế hệ nhà khoa học nữ nối tiếp. Họ đã tạo nên tác động đáng kể cho sự tiến bộ của khoa học tại Việt Nam và tiếp tục truyền cảm hứng cho ngày càng nhiều nhà khoa học nữ trẻ, mạnh mẽ theo đuổi con đường sự nghiệp khoa học của mình”, ông Benjamin Rachow, Tổng giám đốc L’Oreal Việt Nam, bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ