Bài thuốc Đông y điều trị Covid-19 của các nhà khoa học ĐH Y Dược

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang giúp điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Sản phẩm thuốc y học cổ truyền Sâm Thảo Can khương thang của nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM.
Sản phẩm thuốc y học cổ truyền Sâm Thảo Can khương thang của nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM.

Điều trị cho bệnh nhân thể nhẹ và trung bình

Sâm Thảo Can khương thang được nhóm tác giả phát triển từ bài thuốc cổ phương Cam Thảo Can khương thang gia Nhân sâm. Ban đầu, bài thuốc được bào chế ở quy mô nhỏ, và sau đó cũng đã được Hội đồng đạo đức của Đại học Y Dược TPHCM chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, trung bình.

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường, Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình bằng thử dược lý in silico và thử nghiệm lâm sàng”, cho biết, nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng “Phế, Tỳ” (hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là “thấp độc” (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: Nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố “dịch lệ”, thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh.

“Những bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng kháng virus và tăng cường miễn dịch có nhiều triển vọng để trở thành biện pháp hỗ trợ điều trị Covid-19 nhưng chưa được khám phá và chứng minh tác dụng”, PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường nhấn mạnh. Vì thế, việc nghiên cứu các bài thuốc này về tác dụng dược lý ở mức độ phân tử, đánh giá tính an toàn và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng là cấp thiết.

Về cơ bản, các hoạt chất chính của các vị thuốc Chích cam thảo, Can khương, Nhân sâm của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang qua các nghiên cứu dược lý trước đây gồm: 6-gingerol, 8-gingerol, 6-shogaol, liquiritin, liquiritigenin, isoliquiritin, isoliquiritigenin, glycyrrhizic acid, saponin (các ginsenosid), flavonoid…

Cơ chế tác động khả dĩ của bài thuốc trên bệnh Covid-19 qua 2 cơ chế chính: Hoạt tính dược lý: Tăng sức đề kháng, kháng viêm, làm giảm bớt các chemokine và cytokine gây viêm. Hai là khả năng ức chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 trên một số thụ thể qua nghiên cứu.

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý in silico kháng Covid-19 của các hợp chất tự nhiên trong dịch thuốc sắc của bài thuốc trên các mục tiêu tác động khác nhau của virus SARS-CoV-2, nghiên cứu độc tính của dịch thuốc sắc bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang.

Sau đó, thử nghiệm can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên nhãn mở, có nhóm chứng dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Giảm triệu chứng, nhanh khỏi bệnh

Với bài thuốc này, ngành Y tế Việt Nam đã có thêm một phương thức mới trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, đặc biệt thích hợp cho nhóm bệnh nhân đang không thể sử dụng các phác đồ kết hợp thuốc Tây y.

Kết quả cho thấy, bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang có công dụng giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và tăng cường hiệu quả điều trị ở bệnh nhân mắc Covid-19. Nhóm thực hiện không ghi nhận bất kỳ biến cố bất lợi xảy ra trên nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình có sử dụng bài thuốc này trong thời gian nghiên cứu.

Khi kết hợp bài thuốc với điều trị chuẩn thì có hiệu quả điều trị trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình cao hơn so với điều trị chuẩn, cụ thể ở các chỉ tiêu: Giảm thời gian tồn tại, độ nặng của đa số từng triệu chứng thường gặp và cải thiện tổng điểm độ nặng; Không có sự khác biệt về tỷ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể nhẹ nhưng có tác dụng làm giảm tỉ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể trung bình; Rút ngắn thời gian nằm viện thông qua việc rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện; Rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2; Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong (Không ghi nhận bệnh nhân tử vong ở cả 2 nhóm nghiên cứu nhẹ và trung bình); và giảm tổng lượng paracetamol sử dụng.

“Nhóm sử dụng bài thuốc kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện so với nhóm điều trị chuẩn ở cả 2 nhóm nhẹ và trung bình” - đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ nhấn mạnh - “Ngoài ra, nhóm sử dụng bài thuốc kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 (ngày) so với nhóm chứng ở cả hai nhóm nhẹ và trung bình”.

Đối với độ nặng của triệu chứng, bài thuốc có tác dụng làm giảm độ nặng của đa số các triệu chứng thường gặp trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Một số triệu chứng chưa phát hiện được có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê có thể do tỷ lệ người bệnh có các triệu chứng này thấp nhưng đều có điểm độ nặng thấp hơn ở nhóm can thiệp, bao gồm: Đau đầu, khạc đàm, giảm khứu giác, tiêu chảy, khó thở, hoa mắt, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, lo lắng, thở khò khè, đàm có máu.

Xét trên tổng thể toàn bộ triệu chứng mà người bệnh trải qua, bài thuốc có tác dụng cải thiện tốt tổng độ nặng các triệu chứng.

Từ quy trình bào chế đã được xác lập và tối ưu hóa ở quy mô phòng thí nghiệm (10 gói/mẻ), PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cùng nhóm cộng sự tại Đại học Y Dược TPHCM cũng đã xây dựng và tiến hành tối ưu hóa quy trình bào chế quy mô thương mại 330 gói (chứa 90 ml dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang) mỗi lô với chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm vốn dĩ cũng đã được nhóm nghiên cứu hoàn thiện trước đó trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên.

“Quy trình định lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic đạt các chỉ tiêu tính phù hợp hệ thống, độ đặc hiệu, khoảng tuyến tính, độ chính xác, độ đúng và khoảng xác định. Có thể ứng dụng các quy trình để xác định hàm lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic trong chế phẩm Sâm Thảo Can khương thang”, PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.