Hành trình nhiệm màu của bé Nguyễn Quốc Huy

GD&TĐ -Sau 25 ngày trong vòng tay các bác sĩ, bé sơ sinh Nguyễn Quốc Huy đã thực sự chiến thắng tử thần

Hành trình nhiệm màu của bé Nguyễn Quốc Huy

Đi qua tang thương

Sáng 18-11, bé Nguyễn Quốc Huy, cháu bé sơ sinh bị văng khỏi bụng mẹ trong vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại An Giang vào sáng 25-10 vừa qua đã xuất viện. Cháu bé đã hoàn toàn hồi phục, tình trạng hô hấp, tiêu hóa tốt, lên cân đều và vết thương đoạn chi cũng đã khỏi. Cha và ông ngoại đã trực tiếp đến đón bé. Dù mất đi một phần chân phải, nhưng cháu luôn tươi cười và nghịch ngợm như chưa từng trải qua biến cố. 

Trong vòng tay người cha vẫn còn đau thương vì mất vợ, đứa bé tinh nghịch với nụ cười thường trực trên môi như một luồng ánh sáng mới, khiến anh có thể nở nụ cười đầu tiên sau gần 1 tháng chịu tang và nằm điều trị trong bệnh viện.

Bé Nguyễn Quốc Huy trong vòng tay cha, dì và các BS ở BV Nhi Đồng 1
Bé Nguyễn Quốc Huy trong vòng tay cha, dì và các BS ở BV Nhi Đồng 1 

Chiều 25-10, nhiều cơ quan thông tấn trên cả nước đồng loạt đưa tin về vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên Quốc lộ 91, đoạn qua TP Long Xuyên, An Giang. Chiếc xe tải đã tông vào một cặp vợ chồng đang trên đường đến BV sinh con bằng xe máy, khiến người chồng bị cán nát 1/3 chân phải, người sản phụ tên Nguyễn Thị Kim Ngọc mới 27 tuổi chết tại chỗ, còn đứa bé sơ sinh thì bị sanh rớt ngay tại hiện trường. 

Người cha – anh Nguyễn Văn Nam - chỉ còn kịp ú ớ nhờ người qua đường cứu con, cứu vợ. Đứa bé được một người đàn ông bồng vào BV Đa Khoa Hạnh Phúc gần đó để cấp cứu, với một phần chân phải đứt lìa…

“Hôm đó em đang đi làm thêm thì mẹ gọi, nói chị bị tai nạn rồi, bảo em mau vào BV với cháu…” – chị Nguyễn Thị Kim Quanh, em gái ruột của chị Nguyễn Thị Kim Ngọc – người mẹ đã khuất của Huy, kể lại. 

Quanh mới 25 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của một trường ĐH. Ngoài giờ học, Quanh còn đi phụ bán cà phê để kiếm tiền đóng học phí. Hôm đó, Quanh vội xin chủ quán cho về sớm rồi chạy vào bệnh viện nhưng vẫn không kịp gặp chị lần cuối. Cô gái trẻ cũng chỉ biết khóc khi thấy cháu mình đang trong cơn nguy kịch. 

Bác sĩ của BV Đa khoa Hạnh Phúc nói phải chuyển cháu lên TP để tiếp tục cứu và mong nối lại phần chân bị đứt lìa. “Lúc đó trong túi em không còn tiền, bác sĩ kêu thì cứ chuyển đi, để tạm giấy tờ gì đó lại cũng được, bây giờ quan trọng là tính mạng cháu. Thế là em leo luôn lên xe cấp cứu cùng một bác sĩ và một điều dưỡng. Suốt chuyến xe 4 tiếng, em chỉ biết nhìn cháu, trong lòng rối bời. Giữa đường chân cháu còn bị ra máu, thế là cả xe phải tấp vào BV Cái Bè cấp cứu lại rồi đi tiếp…” – chị Quanh kể.

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng hướng dẫn anh Nguyễn Văn Nam ký vào biên bản giao nhận khoản tiền các nhà hảo tâm ủng hộ.
 TS-BS Nguyễn Thanh Hùng hướng dẫn anh Nguyễn Văn Nam ký vào biên bản giao nhận khoản tiền các nhà hảo tâm ủng hộ.

“Lúc đưa Huy vào, em chỉ hy vọng có thể nối lại chân cho cháu, vì hai cha con mỗi người cùng mất một chân vậy thì tủi lắm… Nhưng bác sĩ nói không thể…” – Quanh không thể cầm nước mắt khi kể lại chuyện cũ. Vậy là suốt mấy tiếng đồng hồ Huy được hội chẩn và phẫu thuật ở BV Nhi Đồng 1, cô gái trẻ chỉ biết ôm chiếc thùng lạnh đựng chân cháu bé đứng ở hành lang và khóc. Mãi một lúc sau, đi như trong mơ, loanh quanh mãi rất lâu khắp bệnh viện, cô mới tìm ra nhà xác và nhờ người ta đem thiêu giùm chiếc chân của cháu.

Đó là những giờ thật dài đối với Quanh, trước khi người ta thông báo ca mổ cấp cứu đã thành công. Kể từ giây phút đó, người dì đã thay chị túc trực suốt bên cháu bé. Nhìn khuôn mặt trẻ trung, hồn nhiên của cô gái, ít ai nghĩ đó chính là người mẹ thứ hai đã kiên cường cùng cháu Huy vượt qua những ngày hiểm nghèo, trong khi cha cháu bé vẫn còn phải nằm lại BV Chợ Rẫy.

Những người dì khác của Huy cũng lần lượt đến thăm nom cháu bé cùng với chị Quanh. Chị Ngọc có đến 4 chị em gái. Quả đúng như câu “sẩy mẹ còn dì”, những người phụ nữ ấy, với cùng một khuôn mặt phúc hậu, tuy cũng nghèo khó và có vô vàn lo toan chuyện cửa nhà, con nhỏ, cũng đã lặng lẽ thay người chị, người em của mình chăm nom Huy bấy lâu.

25 ngày kỳ diệu

Để bé Quốc Huy được như ngày hôm nay, đó là một sự cố gắng và tận tâm lớn của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ nhân viên… của rất nhiều khoa phòng trong BV. Bây giờ tôi và các đồng nghiệp rất vui, vui không thể tả được. Chúng tôi đều rất mong giây phút được đưa Huy về với cha và gia đình. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Bộ Y tế, UBND TP HCM, các nhà hảo tâm, các cơ quan báo chí… đã quan tâm, động viên để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1

14h30 chiều 25-10 bé Huy nhập viện. Quy trình “Báo động đỏ” – dành cho những bệnh nhi đặc biệt, đang nguy hiểm đến tính mạng – lập tức được khởi động. Các đơn vị cấp cứu, hồi sức sơ sinh, ngân hàng máu, xét nghiệm, X-quang, gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh, chấn thương chỉnh hình… nhanh chóng tập hợp để hội chẩn và cứu cháu bé. Bé nhanh chóng được truyền máu, hồi sức trước mổ cũng như các bước kiểm tra cần thiết.

Một trong những bác sĩ trong ê kíp phẫu thuật cho Huy kể lại: “15h30, em bé được chuyển vào phòng mổ. Đây là lần đầu tiên tôi phẫu thuật cho một bệnh nhi nhỏ như thế. Vết thương quá nặng, bị đứt động mạch đùi. Ca mổ cũng có vô vàn nguy cơ có thể xảy ra. Nhưng thật may mắn là mọi thứ êm xuôi, vùng da ghép ở mỏm cụt cũng sống hoàn toàn. Mỗi ngày tôi đều đến thăm và kiểm tra vết thương cho cháu bé. Và thật hạnh phúc khi Huy đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm”. 

Bé Huy được một điều dưỡng của khoa Hồi sức sơ sinh thay quần áo mới để chuẩn bị về nhà.
 Bé Huy được một điều dưỡng của khoa Hồi sức sơ sinh thay quần áo mới để chuẩn bị về nhà.

“Chỉ có thể là phép màu”- một nữ mạnh thường quân đã thốt lên như vậy khi đến thăm gia đình cháu Huy tại BV Nhi Đồng 1. Trong giây phút cuối đời của người mẹ, Huy đã ra đời, có thể là trong một hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đã giúp cậu bé giữ được mạng sống. Hành trình của Huy tại BV Nhi Đồng 1 cũng nhiều lần khiến các y bác sĩ và những người yêu thương cháu nghẹt thở. 

Một tuần sau tai nạn, các BS cũng chưa dám khẳng định Huy đã qua khỏi hay chưa. Cậu bé bị suy hô hấp sau đó mấy ngày, rồi lại cai máy thở ngày hôm sau, rồi sức khỏe tốt dần lên, nhưng lại phải thở máy vào ngày 11-11, để rồi 12-11 lại bất ngờ tỉnh táo, tươi vui và thở được khí trời trở lại…

Khi thông tin bé sắp xuất viện được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến phòng Hỗ trợ xã hội của BV để kịp thăm Huy thêm một lần và gửi quà cho cháu. “Hôm qua mẹ xem ti – vi thấy vậy, sáng nay vừa gặp tôi mẹ đã kêu chở lên BV ngay vì mai cháu xuất viện rồi, sợ không gặp được” – một phụ nữ chia sẻ. Mẹ chị năm nay tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng vẫn quyết cầm những đồng tiền dành dụm được bấy lâu đến đưa trực tiếp cho người nhà cháu Huy để mong góp một tay giúp người cha góa và những người dì vượt qua khó khăn, nuôi cháu bé lớn lên mạnh khỏe…

Trò chuyện với chúng tôi vào chiều 17-11, anh Nguyễn Văn Nam, cha của Huy vẫn còn buồn nhiều: “Tôi chỉ ước vợ tôi còn sống, chúng tôi tuy nghèo nhưng hạnh phúc lắm. Ngọc mà còn sống, dù mất cả hai chân thì tôi vẫn có thể đi làm để nuôi vợ con được…”. Dù sức khỏe còn kém, nhưng vừa xuất viện vài ngày trước anh đã đòi đi thăm Huy ngay, rồi lại vội về quê để gặp con gái nhỏ. 

Bé Huy
 Bé Huy

Hai cha con cũng chỉ biết ôm nhau mà khóc trước di ảnh người vợ quá cố. Anh cũng cho biết anh sẽ cùng một người em lên BV trực tiếp đón Huy về nhà. Ai cũng mong, chính nụ cười hồn nhiên và sức sống mãnh liệt của cậu bé đặc biệt này sẽ giúp người cha dần nguôi ngoai, sẽ cho anh nghị lực để đứng lên. Cả nhà cũng quyết định cha con Huy sẽ về nhà ngoại, để các dì có thể chăm sóc Huy và anh Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Chúng tôi vẫn sẽ theo sát bệnh nhân. Khi lớn lên một chút, cháu Huy sẽ được làm chân giả, tập vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý… để có thể hòa nhập tốt với cộng đồng và được nuôi dạy thành người tốt, giúp ích cho xã hội như những gì tất cả mọi người chúng ta mong ước hôm nay” – BS Hùng chia sẻ. 

Cũng trong ngày 18-11, xe của BV đưa anh Nam đến BV để sang tên quyển sổ tiết kiệm được đơn vị hỗ trợ xã hội của BV lập để gửi những khoản tiền các nhà hảo tâm gửi cho bé Huy. Số tiền BV này quyên góp được đã lên đến con số 1,7 tỉ đồng. Sau khi xong việc, xe của BV Nhi Đồng 1 sẽ trực tiếp đưa cha con anh Nam và gia đình về đến tận nhà ở An Giang.

Những người cha, người mẹ âm thầm

Gần một tháng ròng bé Nguyễn Quốc Huy nằm trong bệnh viện, đã có rất nhiều những bàn tay đưa ra để nâng đỡ những bước đầu đời cho bé. Tối hôm đó, không phải ngày trực, nhưng ThS-BS Phạm Thị Thanh Tâm cũng lặn lội vào BV để xem tình hình cháu bé. Chị cho biết, khi nhìn thấy cháu bé, chị không khỏi cảm thấy xót xa vì chưa bao giờ chị gặp một em bé ra đời trong hoàn cảnh đáng thương như thế.

Đối với Huy, người mẹ ruột đã không còn, nhưng tâm trí non nớt của cậu chắc vẫn sẽ ghi đâu đó hình ảnh những người mẹ khác – những người dì, những điều dưỡng, những bác sĩ, và cả những người xa lạ yêu thương và tìm đến Huy. 

Khi chúng tôi vào thăm, Huy đang khóc, không phải vì đau, mà là kiểu khóc nũng nịu đòi bồng bế của con trẻ. Cháu bé lập tức mỉm cười láu lỉnh khi thấy một điều dưỡng tiến lại lần, và trở nên vui vẻ khi trong vòng tay “người mẹ” này. Thế nhưng cô điều dưỡng vừa đặt Huy xuống, cậu bé lại tiếp tục khóc đòi bế khiến mọi người xung quanh phải bật cười.

Hành trình của Huy được chúng tôi ghi nhận và đưa tin thông qua những tin nhắn đầy niềm vui và cả sự lo lắng mỗi khi tình trạng của Huy tốt lên hoặc xấu đi. 

Đó có thể là tin nhắn của một vị lãnh đạo, một ai đó đã tiếp xúc với cháu bé, hoặc một BS thuộc một khoa khác, không liên quan đến ca bệnh nhưng luôn dõi theo cháu bé. Để rồi cuối cùng, ba vị BS của BV Nhi Đồng 1 cùng đem lại niềm vui đầu tuần cho chúng tôi bằng các tin nhắn cùng nội dung vào sáng 17-11: “Mai 7h15 bé Huy được xuất viện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.