Hành trình khám phá thế giới trẻ em “nhiệm màu” của nữ học giả Việt tại New Zealand

GD&TĐ - Là một người mẹ và cũng là một giáo viên, cùng với sự nhạy cảm bẩm sinh và tình yêu dành cho trẻ, chị Hoa luôn cho rằng thế giới của các em rất phong phú và đầy màu sắc.

Chị Hoa tin rằng, khi hiểu được những câu chuyện của trẻ, người lớn sẽ thấu hiểu và đồng hành cùng các em tốt hơn.
Chị Hoa tin rằng, khi hiểu được những câu chuyện của trẻ, người lớn sẽ thấu hiểu và đồng hành cùng các em tốt hơn.

Hành trình học Tiến sĩ tại một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới đã cho chị cơ hội để tìm hiểu và khám phá những bí ẩn trong tư duy và cảm nhận của trẻ, để hoàn thiện đề tài nghiên cứu xoay quanh từ khóa lớn: tính nhân văn trong giáo dục.

Từ chặng đường khám phá thế giới của trẻ qua những câu chuyện kể

Trước khi bắt đầu học Tiến sĩ, chị Hoa từng mở lớp học về kể chuyện sáng tạo. Trong lớp, chị được gặp gỡ rất nhiều bạn nhỏ với nhiều tính cách khác nhau. Có bạn bị chẩn đoán là tăng động, ngại giao tiếp bằng ánh mắt nhưng thực chất là một cậu bé rất tình cảm; có bạn hiếu động thì thích kể các câu chuyện hay vẽ tranh có màu đỏ.

Nhờ vào trải nghiệm này, chị Hoa nhận ra thế giới trẻ thơ có vô vàn màu sắc, nơi mỗi trẻ có năng lực tư duy và cảm nhận riêng của mình. Để hiểu hơn về thế giới “nhiệm màu” trong tâm trí của các em nhỏ, chị đã chọn học lên Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non tại New Zealand, với hướng nghiên cứu về ngôn ngữ kể chuyện (storytelling).

Vào năm 2 chương trình Tiến sĩ, chị được Giáo sư hướng dẫn gợi ý về khái niệm Ako. Lời gợi ý của Giáo sư đã mở ra hành trình kéo dài nhiều năm của chị để thực sự thấu hiểu Ako – khái niệm được phản ánh rất rõ trong tinh thần giáo dục của xứ sở kiwi.

Trong tiếng Māori (ngôn ngữ của người bản địa tại New Zealand), Ako có nghĩa người học và người dạy là một. Trẻ em là người học nhưng cũng đồng thời là người thầy dẫn dắt, giáo viên là người dạy nhưng đồng thời là người học từ trẻ. Ako còn thể hiện tính nhân văn, coi trọng tinh thần sáng tạo và sự chủ động của trẻ em.

Tuy nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng chị Hoa đã trải qua một quá trình nghiên cứu đi cùng với trải nghiệm thực tế để nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc đằng sau khái niệm này.

Trong một lần loay hoay thu thập các câu chuyện của trẻ em cho đề tài nghiên cứu, chị Hoa tình cờ gặp D, một bạn nhỏ ở New Zealand. Thời gian đầu, D không hề muốn giao tiếp và luôn im lặng với chị. Tuy nhiên, chị đã không bỏ cuộc, mà vẫn kiên nhẫn cho phép bạn nhỏ trở thành người dẫn lối như lời khuyên của Giáo sư.

Sau một thời gian quan sát, D đã tin tưởng và cho phép chị bước vào thế giới của mình. Trải nghiệm này giúp chị hiểu rằng những câu chuyện không cần được thể hiện qua lời nói, và phải có đầy đủ mở đầu - diễn biến - kết thúc. Câu chuyện của trẻ còn còn được biểu hiện bằng hành động và sự im lặng, miễn là người lớn đủ kiên nhẫn để thực sự “lắng nghe".

Trong một lần khác, chị Hoa có dịp đi thăm trường mầm non dành cho trẻ em tị nạn và khó khăn ở New Zealand. Nhờ đó, chị có cơ hội nhìn thấy được vai trò quan trọng của sự thấu hiểu mà người lớn nên dành cho trẻ nhỏ.

Ở một đất nước mà các em nhỏ đến từ rất nhiều quốc gia và có hoàn cảnh khác nhau, giáo viên tại New Zealand luôn tạo điều kiện để các em và phụ huynh có thể tạm gác lại rào cản về ngôn ngữ, và kể câu chuyện văn hóa của mình thông qua những hình thức khác nhau. Khi câu chuyện được kể ra, giáo viên với sự lắng nghe và thấu cảm của mình, sẽ trở thành cầu nối văn hóa và góp phần mang đến sự hạnh phúc cho trẻ ở trường.

Chị Hoa còn thấu hiểu thêm về khái niệm Ako thông qua trải nghiệm tham gia họp phụ huynh tại trường tiểu học của con. Trong thời gian đầu sinh sống, tiếng Anh của Hải, con trai chị, không được tốt, và chính cô giáo của Hải là người hỗ trợ em cố gắng cải thiện kỹ năng chưa hoàn thiện của mình.

Trong buổi họp phụ huynh, khi xem những câu chuyện được Hải và cô cùng nhau kể lại, chị Hoa nhận ra rằng Ako còn có nghĩa là tin tưởng và trao quyền, để trẻ có thể học cách chủ động ở mọi việc trong cuộc sống.

Ngoài nghiên cứu, chị Hoa còn được học về Ako qua hành trình giáo dục của chính con trai mình.

Ngoài nghiên cứu, chị Hoa còn được học về Ako qua hành trình giáo dục của chính con trai mình.

Đến ước mơ xây dựng một New Zealand thu nhỏ giữa lòng Hà Nội 

Sau một thời gian dài nghiên cứu cũng như trải nghiệm thực tế, chị Hoa đã đề xuất thành công một quan điểm mới về trẻ em trong luận án Tiến sĩ: “children as interbeings with adults” (trẻ em là một sự tồn tại độc lập và có tính liên kết với người lớn) - một quan điểm rất gần với khái niệm Ako của New Zealand.

Việc hoàn thành đề tài nghiên cứu giúp chị có cơ sở lý luận và phương pháp để hỗ trợ giáo viên lắng nghe và đồng hành cùng trẻ, từ đó đề xuất các hoạt động giáo dục phù hợp với năng lực và tính cách của các em.

Mới đây, niềm vui của chị Hoa lại thêm nhân đôi khi luận văn Tiến sĩ của chị vừa được đề cử cho giải thưởng luận văn xuất sắc của hiệp hội nghiên cứu giáo dục Hoa Kỳ AERA, và đã được chọn vào top 2 luận văn xuất sắc nhất của Khoa Giáo dục trường ĐH Auckland.

Nhìn lại hành trình khám phá thế giới trẻ em của mình, chị Hoa cho biết, thời gian học chương trình Tiến sĩ thực sự rất đáng quý khi đong đầy các giá trị tinh thần vô giá, bên cạnh những thành tựu học thuật. Đến thời điểm hiện tại, chị Hoa vẫn tin rằng khái niệm Ako sẽ là tài sản quý giá nhất chị mang theo sau thời gian làm nghiên cứu sinh.

Cũng trong quãng thời gian này, chị đã may mắn được gặp gỡ vị Giáo sư hướng dẫn “tâm đầu ý hợp”, cô Janet Gaffney. Chị Hoa chia sẻ, chị đã từng từ chối mức học bổng cao hơn ở nhiều trường khác để chọn Đại học Auckland khi tìm được vị Giáo sư biết lắng nghe và đồng cảm với tình yêu con trẻ của chị, dù chỉ là qua cuộc phỏng vấn trực tuyến vào lần đầu tiên. Giáo sư cũng là người luôn quan tâm đến cuộc sống cá nhân của chị, từ việc phải xa con nhỏ để đi học, cho đến khó khăn khi trải qua phong tỏa trong đại dịch.

Chị Hoa (bên phải) đã may mắn được gặp gỡ vị Giáo sư hướng dẫn “tâm đầu ý hợp”, cô Janet Gaffney (bên trái).

C
hị Hoa (bên phải) đã may mắn được gặp gỡ vị Giáo sư hướng dẫn “tâm đầu ý hợp”, cô Janet Gaffney (bên trái).

Không chỉ vậy, cũng chính Giáo sư là người truyền cảm hứng cho chị về tinh thần cống hiến của giáo dục: “Chúng ta đều sống trong giấc mơ của chính mình. Cống hiến của một nhà nghiên cứu giáo dục mầm non không phải chỉ nằm ở những công trình được xuất bản, mà còn nằm ở việc người đó có thể cống hiến được gì cho giáo dục, cho trẻ em”. Và chị đã luôn thực sự tin vào sứ mệnh của một nhà nghiên cứu.

Niềm tin này đã trở thành tiền đề nuôi dưỡng ước mơ lớn của chị: xây một ngôi trường mầm non với định hướng giáo dục mang tinh thần Ako. Hành trình khám phá thế giới trẻ em của chị tại New Zealand đã tạm thời khép lại, nhưng cũng lại vừa mở ra cho chị một hành trình mới: Trở thành người nuôi dưỡng và góp phần tạo nên thế giới màu nhiệm cho con trẻ thông qua một New Zealand thu nhỏ ở trong lòng Hà Nội – nơi giáo dục không phải chỉ là những triết lý khô khan, nơi chương trình và phương pháp của giáo viên được quyết định bởi trẻ con. 

Độc giả quan tâm đến nền giáo dục New Zealand có thể cập nhật những thông tin mới nhất về học bổng, chương trình học, hoạt động giáo dục bổ ích tại: https://www.facebook.com/thongtingiaoducnewzealand

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ