Hành trình 'đọc' thú vị trong Hội thi ‘Lớn lên cùng sách’

GD&TĐ - Ngày 9/2, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức vòng chung kết cấp TP Hội thi “Lớn lên cùng sách” dành cho 200 học sinh khối 6-7 và khối 8-9.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM tặng hoa các đơn vị đã đồng hành cùng hội thi.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM tặng hoa các đơn vị đã đồng hành cùng hội thi.

Điểm mới của hội thi năm nay là học sinh dự thi sẽ tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Qua quá trình nhìn ngắm và lắng nghe thuyết minh, các em sẽ hiểu thêm về lịch sử.

Phát biểu khai mạc hội thi, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hội thi năm nay nhằm lan tỏa và tăng cường văn hóa đọc trong nhà trường. Thông qua việc đọc sách, học sinh sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa rộng hơn tình yêu sách cũng như nội dung hay của những quyển sách đến bạn bè, cộng đồng xung quanh.

Thí sinh tham quan bảo tàng lịch sử TPHCM.

Thí sinh tham quan bảo tàng lịch sử TPHCM.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, Hội thi “Lớn lên cùng sách” đã bước qua giai đoạn mới. Tham dự cuộc thi, các em đến với Bảo tàng như một trang sách lớn, trang sách rất hiện thực. Với sự trải nghiệm của mình, các em sẽ thiết kế nên cuốn sách của riêng mình.

Ông Tân nhấn mạnh: “Hội thi là cơ hội để các em thể hiện kỹ năng đọc nhanh, hiểu nhanh, viết ngắn. Nó cũng là môi trường để phát triển văn hoá đọc, lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng. Qua quá trình đọc sách, các em sẽ có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống và đặc biệt là năng lực làm chủ các phương tiện, công nghệ để truy tìm kiến thức, nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo; biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc”.

Học sinh hào hứng trước khi bước vào vòng thi.

Học sinh hào hứng trước khi bước vào vòng thi.

Theo ông Trần Tiến Thành, Chuyên viên môn Ngữ văn, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), hành trình trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM được xem là hành trình “đọc” với ý nghĩa đọc lịch sử qua cổ vật, triển lãm tranh, mô hình, số liệu... Như vậy, khái niệm đọc đã được mở rộng hơn các năm trước, không chỉ đọc văn bản, đọc câu chữ trên sách vở mà còn “đọc” giá trị, ý nghĩa lịch sử thông qua hiện vật, từ đó, khơi gợi cảm xúc, tư duy sáng tạo của học sinh.

Sau khi trải nghiệm hành trình “đọc” tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, học sinh được yêu cầu thiết kế một quyển sách với Chủ đề “Quyển sách lịch sử của tôi”, gồm 3 phần nội dung chính: Những dấu ấn lịch sử, Suy nghĩ và cảm xúc đọng lại và Lời nhắn gửi của tiền nhân.

Em Dương Minh Thư, học sinh Trường Vinschool Golden River (quận 1) chia sẻ: “Em thích đọc sách từ nhỏ. Ở nhà em thường dành 1 đến 2 tiếng để đọc sách. Lên trường em thường tranh thủ giờ ra chơi để vào thư viện. Hiện nay nhiều bạn trẻ có thái độ thờ ơ với việc đọc sách. Nhiều bạn chỉ chú trọng văn hoá nghe nhìn mà quên đi việc đọc. Em tham gia hội thi cũng một phần nào đó muốn lan toả tình yêu sách đến mọi người”.

Học sinh ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ qua sản phẩm "Quyển sách lịch sử của tôi" sau trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
Học sinh ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ qua sản phẩm "Quyển sách lịch sử của tôi" sau trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Còn theo chia sẻ của cô Dương Mỹ Lến, Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), tất cả khối lớp của trường đều dành một tiết/tuần trong thời khóa biểu cho việc đọc sách ở thư viện. Ngoài ra, trong các giờ ra chơi, học sinh được khuyến khích tìm đọc các đầu sách hay ở thư viện.

“Để giúp học sinh có thêm tình yêu với sách, tôi thường gợi mở nội dung những đầu sách hay nhưng không kể hết nội dung nhằm khơi gợi sự tò mò để học sinh xuống thư viện tìm đọc. Khi cảm nhận được việc đọc sách thú vị, học sinh sẽ chủ động tìm đọc thêm nhiều sách khác. Thực sự văn hóa đọc giúp học sinh có thêm kỹ năng đọc hiểu văn bản, trau dồi thêm vốn từ, đa dạng hóa dẫn chứng cho bài văn nghị luận, giúp học sinh có kỹ năng giao tiếp và vốn từ tốt hơn”, cô Lến chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.