(GD&TĐ) - Một trong những mục tiêu cụ thể của Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) là nâng cao tỉ lệ học sinh nhập học và tỉ lệ hoàn thành cấp tiểu học; cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo...) ở Việt Nam . Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Dự án PEDC đã thực hiện hoạt động chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Nhân viên hỗ trợ GV ở điểm lẻ Bản Lài (Trường TH Chu Hương, huyện Ba Bể, Bắc Cạn) |
Hoạt động chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt gắn với Chương trình thí điểm Nhân viên hỗ trợ giáo viên (NVHTGV) của Dự án PEDC. Bên cạnh đó, trong nội dung hoạt động tăng cường tiếng Việt còn có chương trình tập huấn giáo viên về tăng cường tiếng Việt. Đây là chương trình phát triển chuyên môn cho giáo viên về dạy học ngôn ngữ thứ hai nhằm hỗ trợ việc lồng ghép học ngôn ngữ vào nội dung môn học dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở trường tiểu học. Các chủ đề và hoạt động trong chương trình tập huấn tăng cường tiếng Việt được thiết kế nhằm hình thành các kĩ năng cơ bản về dạy học ngôn ngữ thứ hai và phát triển kiến thức cũng như kĩ năng chung cho giáo viên để họ có thể hỗ trợ cho nhu cầu học ngôn ngữ của học sinh dân tộc thiểu số.
Chương trình chuẩn bị tiếng Việt nhằm trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số chưa học mẫu giáo (hoặc học chưa đầy đủ chương trình mẫu giáo) vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt ở dạng ngôn ngữ nói (nghe – hiểu, nói) trong môi trường lớp học; tăng cường tiếng Việt thông qua các môn học (lớp 1, 2, 3) giúp học sinh dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt để học tập có hiệu quả chương trình tiểu học mới. Chương trình cũng tạo cho học sinh dân tộc thiểu số có tâm thế sẵn sàng đi học (trước khi vào lớp 1) và chủ động, tích cực tham gia các hoạt động học tập ở các lớp đầu cấp (1, 2, 3); có một số nền nếp sinh hoạt và kĩ năng học tập để làm quen với bạn bè, thầy cô giáo và tự tin trong học tập theo chương trình tiểu học mới. Từ đó, nâng tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đạt chuẩn của chương trình lớp 1, 2, 3 vào cuối năm học ở các trường, điểm trường vùng dân tộc có nhiều khó khăn.
Hoạt động Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) trước khi vào lớp 1 (trước tuổi đến trường) được PEDC bắt đầu thực hiện từ tháng 3 năm 2006
Để thực hiện tốt hoạt động chuẩn bị tiếng Việt, PEDC đã tổ chức biên soạn và cung cấp đầy đủ cho người dạy (NVHTGV, GV lớp 1 hoặc GV mẫu giáo), người học (trẻ em DTTS chưa biết hoặc biết ít về tiếng Việt) các tài liệu, thiết bị dạy học cần thiết; tổ chức tập huấn, triển khai dạy học chuẩn bị tiếng Việt và thu được những kết quả thiết thực.
PEDC cũng tiến hành các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ở các lớp 1, 2, 3
Tăng cường tiếng Việt là hoạt động của Dự án nhằm giúp HS chưa biết nói hoặc biết nói ít tiếng Việt có thể học tập các môn học ở tiểu học sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức. Tăng cường tiếng Việt được thực hiện đồng thời, xuyên suốt với chương trình tiểu học thông qua các hỗ trợ cho GV và HS, đặc biệt quan tâm đến các lớp 1, 2, 3 và chú trọng các môn sử dụng nhiều tiếng Việt như Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội.
HS tham gia các lớp học tăng cường tiếng Việt được quan tâm hơn trong việc sử dụng tiếng Việt, được học với các phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai sinh động và hiệu quả (phương pháp trực quan hành động, phương pháp dạy học ngôn ngữ giao tiếp, phương pháp sử dụng tiếng mẹ đẻ...); đồng thời, với nhiều thiết bị dạy học bổ sung (do PEDC cung cấp), HS đã trở nên tự tin và năng động hơn, ham học hơn, học có hiệu quả hơn. ở một số địa phương như Quảng Trị, Hà Giang, tỉ lệ HS đạt khá, giỏi hai môn Toán và Tiếng Việt đã tăng dần, tỉ lệ HS yếu giảm đi rõ rệt.
Tính khả thi của hoạt động tăng cường tiếng Việt khá cao: Các địa phương tham gia Dự án đều khẳng định sự cần thiết phải duy trì hoạt động tăng cường tiếng Việt và cũng khẳng định cơ sở để duy trì hoạt động này.
Các chương trình chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt trong khuôn khổ hoạt động của Dự án PEDC cùng với các giải pháp khác như hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ MN 5 tuổi, dạy tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ GD, dạy song ngữ...đã góp phần phá bỏ rào cản ngôn ngữ cho HS dân tộc trong quá trình tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số.
Tường Minh