Hành trình chông gai của HLV Ruben Amorim tại Man United

GD&TĐ - Chỉ vài ngày sau khi sa thải Erik ten Hag, Quỷ đỏ thành Manchester đã đạt được thỏa thuận với Ruben Amorim.

Huấn luyện viên Ruben Amorim sẽ gặp nhiều thách thức tại Man Utd. Ảnh: INT
Huấn luyện viên Ruben Amorim sẽ gặp nhiều thách thức tại Man Utd. Ảnh: INT

Dù có được bản hợp đồng đầy hứa hẹn với huấn luyện viên Ruben Amorim song Man United có thể chữa lành căn bệnh trầm kha đeo bám từ lâu không vẫn là ẩn số khó đoán.

Kỳ vọng Amorim

Chỉ vài ngày sau khi sa thải Erik ten Hag, Quỷ đỏ thành Manchester đã đạt được thỏa thuận với Ruben Amorim. Tất nhiên, đây là thương vụ rất đáng kỳ vọng, bởi chiến lược gia 39 tuổi này đang là một trong những cái tên nổi bật của bóng đá châu Âu, cùng với danh xưng “Pep Guardiola đệ nhị”. Man United phải “cắn răng” chi tới 11 triệu bảng để mua lại hợp đồng của Amorim từ Sporting

Lisbon (Bồ Đào Nha). Nên biết, 11 triệu bảng là mức giải phóng hợp đồng rất cao, chỉ thua mức giá kỷ lục 15 triệu bảng mà Chelsea từng bỏ ra để mang Andre Villas – Boas về Stamford Bridge vào năm 2011.

Mới trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp từ năm 2019, tiếp quản Sporting Lisbon từ năm 2020 nhưng Amorim đã kịp giúp đội bóng này giành 2 chức vô địch Primeira Liga vào các năm 2021 và 2024. Nên biết, danh hiệu vô địch quốc gia mùa 2020 - 2021 mới là lần đầu tiên sau 19 năm, Sporting Lisbon mới lại lên ngôi tại giải quốc nội sau chiến tích vượt qua 2 gã khổng lồ Porto và Benfica.

Được biết đến là người tôn sùng bóng đá tấn công với sơ đồ 3 trung vệ - hệ thống chiến thuật đòi hỏi kỷ luật và tư duy chiến thuật giỏi, Sporting Lisbon của Amorim là một đội bóng có khả năng pressing xuất sắc, tốc độ chóng mặt.

Ngoài tư duy chiến thuật, Amorim còn là chiến lược gia rất giỏi trong khả năng quản lý, phát hiện và gọt giũa sao trẻ. Những Joao Palhinha, Matheus Nunes, Pedro Porro và cả Manuel Ugarte từng là học trò của ông thầy trẻ tuổi này.

Man United với tiềm lực tài chính hùng mạnh, tham vọng của ông chủ đội bóng, cùng dàn cầu thủ chất lượng hơn hẳn Sporting Lisbon sẽ là điều kiện tốt để chiến lược gia sinh năm 1985 thi triển sở trường, có cơ hội đọ tài cùng những chiến lược gia hàng đầu thế giới như Pep Guardiola hay Mikel Arteta… trong môi trường bóng đá đầy cạnh tranh và hấp dẫn ở xứ sở sương mù.

huan-luyen-vien-ruben-amorim-hanh-trinh-chong-gai.jpg
Người hâm mộ Man Utd cảm ơn huấn luyện viên tạm quyền Van Nistelrooy. Ảnh: INT.

Thách thức phía trước

Với những thành tích có được khi còn dẫn dắt Sporting Lisbon, Ruben Amorim tất nhiên là cái tên rất đáng để người hâm mộ Man Utd kỳ vọng. Nhất là bầu không khí ở Old Trafford đang ảm đạm trong những ngày cuối của kỷ nguyên Erik ten Hag. Tuy vậy, liệu Amorim có phải là “thuốc đặc trị” cho căn bệnh trầm kha của Man United thời hậu Sir Alex Ferguson hay không lại là chuyện khác.

Nên biết, trước khi Amorim xuất hiện, nửa đỏ thành Manchester đã mời về những chiến lược gia hàng đầu. Trong đó, có Jose Mourinho và Louis van Gaal nhưng rồi tất cả đều phải bất lực trước “căn bệnh” nan y của đội bóng này. “Quỷ đỏ” hiện tại đang ẩn chứa quá nhiều bất ổn chờ đón ông Amorim giải quyết.

Không chỉ là thành tích bết bát trên sân cỏ, mà còn nhiều vấn đề nội tại như chất lượng cầu thủ, cấu trúc đội bóng, hiệu quả chuyển nhượng, thậm chí là cơ sở vật chất, kỹ thuật xuống cấp…

Dù đã chi tiêu vài trăm triệu bảng mua sắm dưới thời Erik ten Hag, Man United vẫn chưa có được đội hình đủ sức chinh phục danh hiệu. Trong khi những trụ cột như Eriksen, Casemiro hay Harry Maguire vừa luống tuổi vừa suy giảm phong độ thì Mason Mount, Rashford, Hojlund, Martinez, Dalot, Garnacho... người còn non, người trận hay trận dở.

Đội hình của Man Utd hiện không có cầu thủ nào ở đẳng cấp hàng đầu thế giới. Trên hàng công thiếu vắng tiền đạo “sát thủ”. Còn hàng thủ cũng không có “đá tảng” vững chắc để che chắn cho khung thành đội nhà.

Bất ổn nơi hậu trường, biến động trên băng ghế chỉ đạo, chính sách chuyển nhượng kém hiệu quả… đã liên tiếp khiến Man United hứng chịu những kết quả tồi tệ trên sân cỏ. Mùa giải năm ngoái họ kết thúc ở vị trí thứ 8 Premier League, thấp nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh.

Còn mùa giải năm nay, sau giai đoạn bết bát, Quỷ đỏ có dấu hiệu khởi sắc dưới tay huấn luyện viên tạm quyền Van Nistelrooy. Nhưng đó chỉ là sự thăng hoa mang tính thời điểm, chứ chưa phản ánh đúng thực lực đội bóng này. Sau vòng 11 Premier League, Man Utd còn kém đội đầu bảng tới 14 điểm.

Hiệu ứng mà ông Amorim mang lại cho cổ động viên Man United trong những ngày đầu là rất tuyệt vời nhưng đừng quên những Mourinho, Van Gaal, Solskjær hay ten Hag cũng từng tạo nên những điều lạc quan tương tự trước khi nhận lấy thất bại đau đớn. So với những người tiền nhiệm, kinh nghiệm và thành tích Amorim còn thua xa. Đó là chưa kể, cầm quân ở một đội bóng lớn như Man United sẽ không bao giờ dễ thở như Sporting Lisbon.

Chẳng phải trước khi cập bến nước Anh, Erik ten Hag từng lập nên hàng loạt chiến công cùng Ajax bằng thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, liên tiếp nhiều năm liền vô địch giải quốc nội, gây tiếng vang tại Champions League, mát tay trong phát triển cầu thủ trẻ đó sao? Nhưng rồi, tất cả những gì chiến lược gia người Hà Lan nhận lại chỉ là thất bại và bị sa thải để rồi phải ra đi trong cảnh “không kèn không trống” đó sao?!

Amorim được dự đoán sẽ gặp khó khăn khi nắm quyền tại sân Old Trafford. Nhiệm vụ đầu tiên của Amorim sẽ là giải quyết tương lai của Ruud van Nistelrooy. Cựu tiền đạo người Hà Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạm quyền, cùng Man Utd thắng 3 và hòa 1 qua 4 trận, nhưng tương lai không được đảm bảo do Amorim sẽ mang theo 5 cộng sự tới sân Old Trafford.

Các cầu thủ Man Utd được cho muốn Van Nistelrooy ở lại. Vì thế, để tránh mất lòng các cầu thủ, Amorim có thể phải tìm một vai trò phù hợp cho “Van Gol”, còn nếu không chưa chắc ông đã được nhóm cầu thủ trụ cột Man Utd ủng hộ.

Ngoài tiền phá vỡ hợp đồng, Man United cũng biến Amorim thành huấn luyện viên có mức thu nhập cao thứ 4 giải Ngoại hạng với mức lương lên tới 6,5 triệu bảng mỗi mùa. Bên cạnh đó, đặt chân đến Old Trafford, Amorim cũng trở thành huấn luyện viên trẻ nhất của Man United suốt 55 năm qua, tính từ khi Wilf McGuinness (31 tuổi) được chọn kế nhiệm Matt Busby vào năm 1969.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.

Thi công lưới an toàn Việt Anh