Cô giáo 'ươm mầm' tri thức trên non cao

GD&TĐ - Bằng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết, Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT vùng biên huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.

Cống hiến hết mình

Ngay từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã có tình cảm đặc biệt với nghề giáo. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm tại trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), cô Chuyên đã nộp hồ sơ xin việc lên mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Sau đó cô Chuyên được bố trí công tác tại huyện Mường Nhé. Đây là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 200km. Tại đây cô nhận nhiệm vụ tại trường Tiểu học Mường Toong số 1 (nay là trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1).

Nói về động lực để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, cô Chuyên cho biết: "Trong những năm gần đây có nhiều trường được xây dựng, với các trang thiết bị dạy học hiện đại. Có những ngôi trường mới như thế là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là đối với sự nghiệp giáo dục ở những vùng khó khăn như Huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đó là động lực để những người làm nghề như chúng tôi cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng biên cương".

uom-mam-tri-thuc-1.jpg
Cô Nguyễn Thị Chuyên phát biểu tại buổi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hơn 16 năm gắn bó với mảnh đất này là ngần ấy năm cô Chuyên hết mình vì sự nghiệp trồng người vùng cao. Bản thân cô luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của một người giáo viên Tiểu học nên ngoài kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, cô Chuyên luôn dành thời gian để tìm hiểu về từng hoàn cảnh của học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số để có thể hiểu hơn về các em, tạo sự gắn kết giữa cô và trò.

Với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, cô Chuyên luôn trăn trở, tìm tòi các phương pháp mới để có những bài giảng hay, lôi cuốn học sinh. Cô chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp, nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học của học sinh. Nhờ đó cô luôn được các em học sinh tin tưởng, yêu mến, coi cô như người mẹ hiền thứ hai của mình.

Theo cô Chuyên, các em ở lứa tuổi tiểu học rất hiếu động và ham chơi, nên nhiệm vụ của giáo viên chính là tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp các em tập trung, hứng thú trong mọi tiết học, bài giảng. Ngoài ra, muốn có được tiết học sinh động, lôi cuốn, thì giáo viên vừa phải vững vàng về kiến thức, cần cả kỹ năng để truyền tải những điều đó tới học sinh.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Cô Nguyễn Thị Chuyên trăn trở, vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất được đầu tư, nhưng trên địa bàn huyện Mường Nhé vẫn còn không ít những vùng khó với học sinh và giáo viên.

Đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao còn khó khăn, nhiều phụ huynh cho rằng con chỉ cần biết chữ là đủ. Vì vậy mà nhiều lần sau giờ dạy học, giáo viên phải đến từng nhà khuyên giải phụ huynh để học sinh không bỏ học giữa chừng.

Ở đây, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi buổi đến lớp của con trẻ gian nan hơn miền xuôi rất nhiều. Nhiều em phải đi bộ vài cây số từ trong bản ra lớp học. Có em đạp xe hoặc đi nhờ các bạn, nên không phải hôm nào cũng đến lớp đúng giờ. Những hôm mưa gió, rét mướt, nhiều em không thể đến trường.

uom-mam-tri-thuc-4.jpg
Cô Nguyễn Thị Chuyên được học sinh tặng hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngoài ra, cũng bởi gia đình khó khăn nên việc trẻ có những chiếc áo rét mặc trong mùa Đông là điều khá “xa xỉ”. Bởi lẽ ấy, để mỗi học sinh vùng cao được vui bước đến trường, giáo viên yên tâm cắm bản rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng…

Nhắn gửi tới các nhà giáo vùng cao trẻ tương lai, cô Chuyên kỳ vọng: "Mỗi giáo viên phải xác định rằng, nghề giáo được xã hội tôn vinh, được biết bao thế hệ yêu mến gọi danh xưng là “thầy”, là “cô”. Đó là bởi mỗi nhà giáo có một trách nhiệm rất lớn, tác động đến cả nhân cách, năng lực của cả một đời con trẻ. Vì thế bản thân mỗi nhà giáo cần phải kiên định với con đường đã chọn, không ngừng lao động, cống hiến".

Bằng sự nỗ lực của bản thân, suốt những năm học qua, lớp học do cô Chuyên chủ nhiệm luôn có tỉ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt 100%. Trong quá trình công tác cô đã 4 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 2 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Đặc biệt, năm học 2022 - 2023 cô vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ