Pá Mỳ một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Xã cách trung tâm huyện hơn 40 km, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn đặc biệt vào mùa mưa. Nơi đây có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn thấp. Nhận thức được những khó khăn đó đã thức dậy trong trái tim với biết bao con người cần phải đem tuổi trẻ sự nhiệt huyết của mình về với mảnh đất, với núi rừng và con người Pá Mỳ.
Trong những năm mới thành lập toàn bộ trường Mầm non Pá Mỳ được xây dựng bằng tranh tre nứa lá. Có những hôm trời mưa gió, lớp học bay đi hết trong chốc lát. Điểm bản cách xa trung tâm đường đi lại thì xấu. Nhiều điểm bản xa dân, không điện, không có sóng điện thoại... Rất rất nhiều những giọt nước mắt! Vâng, gọi là nhà trường nên 2 chữ “ yêu nghề” đã đi theo tất cả những con người đã và đang cống hiến trên mảnh đất Pá Mỳ.
Không khí khai giảng năm học mới. |
Có những công việc, có những hành động xuất phát từ trái tim mà có lẽ những hành động đó chính là tấm gương sáng cho những cán bộ giáo viên nơi đây học tập.
Câu chuyện ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ đó là hình ảnh về cô giáo Cà Thị Phượng. Rời mảnh đất Điện Biên, xa gia đình, bố mẹ và con thơ, cô Phượng vượt qua 200km để về với vùng núi cao Tây Bắc. Cô mang bao hoài bão, ước mơ với những niềm tin và sự cống hiến cho những bản làng vùng cao nơi đây. Cô đã cống hiến hết mình cho nghề giáo viên, chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ.
Đến với những bản làng không có sóng điện thoại, đối mặt với những con đường cheo leo và hiểm trở, đã có những lúc khó khăn cứ đè lên đôi vai cô. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc về mảnh quê nhà. Nhưng ý chí và tinh thần vượt khó đã thôi thúc cô không cho phép bản thân mình làm điều đó.
Cô Phượng phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới. |
Năm 2006 cô đã tình nguyện mang ý chí và những ước mơ của mình về xây dựng ngôi trường mầm non Pá Mỳ. Nói đến xã Pá Mỳ không thể không kể hết những khó khăn vất vả mà đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường phải trải qua.
Đến với Pá Mỳ cô Phượng được tín nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Chính cô đã là người “chèo đò”, đưa bao “chuyến đò” qua sông với muôn vàn khó khăn thử thách. Khó khăn lại nhân lên bội phần bởi Pá Mỳ là xã đặc biệt khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, cô lại càng thêm cố gắng vượt qua, thể hiện rõ vai trò của người “thủ lĩnh”.
Trước đồng nghiệp, cô luôn gương mẫu, truyền lửa cho đội ngũ giáo viên trong trường để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm cô được đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giấy khen của UBND huyện. Đặc biệt, năm học 2019 – 2020, cô vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao tặng Bằng khen vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Trường Mầm non Pá Mỳ ngày nay được chia tách từ trường Mầm non Nậm Kè vào tháng 8/2009. Với bao khó khăn vất vả, nhà trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để nhiều năm liên tiếp được UBND huyện Mường Nhé tặng Giấy khen. Đặc biệt, trong 2 năm liền (năm học 2020 – 2021 và 2022 – 2023) trường được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Tập thể được đánh giá lao động xuất sắc nhiều năm liên tiếp.
Cô giáo Cà Thị Phượng (ngoài cùng bên phải) nhận Giấy khen của UBND huyện Mường Nhé. |
Với sự yêu thương, quan tâm chia sẻ của lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn, cùng với sự phấn đấu của tập thể sư phạm ở đây, hiện nay nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng 261 học sinh thuộc 16 lớp nâng cao chất lượng dạy học.
Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường cũng được thực hiện hiệu quả. Hàng năm, nhà trường vẫn kêu gọi và đón nhận được nhiều phần quà ý nghĩa như: đồ dùng, đồ chơi, áo ấm từ các mạnh thường quân khắp mọi miền đất nước gửi về.