(GD&TĐ)-Được học sinh của mình cố chen qua đám đông chỉ để chào cô một tiếng; được nhận bông hoa rừng tươi thắm và tình cảm thân thương của học trò hay những tấm thiệp xinh xắn từ lớp học trò cũ..., hạnh phúc của các nhà giáo trong ngày lễ của mình chỉ cần giản dị như thế!
22 năm trong nghề, cô Sùng Thị Lan – giáo viên trường tiểu học Cốc Pài – Sí Mần (Hà Giang) cho biết, dạy các em học sinh dân tộc, vất vả lắm nhưng niềm vui cũng nhiều. Mặc dù ở trên đó rất hạn chế thông tin nhưng các em đều biết ngày 20-11 là ngày vui của các thầy cô giáo. Ở vùng cao, học trò nghèo, dù đến thăm cô không hoa, không quà nhưng các em mang theo một tình cảm chân thành, mến yêu cô giáo thực sự. Đôi khi cũng có phụ huynh nhớ đến ngày này đến thăm cô, hoặc nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành gọi điện về chúc mừng cô giáo, đối với chúng tôi, thế đã là rất vui, rất vinh dự rồi.
Cô giáo Sùng Thị Lan và cô Nguyễn Thanh Thêm. Ảnh: gdtd.vn |
Còn với cô Nguyễn Thanh Thêm – Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau), hạnh phúc của các cô giáo nơi đây không chỉ trong ngày 20-11 mà là hàng ngày đem đến cơ hội được học tập, vui chơi cho các cháu nhỏ vùng sâu đất mũi. Mong ước của các cô cũng là tiếp tục xây dựng trường lớp khang trang hơn, đáp ứng đủ chỗ học cho các cháu vì hiện nay cả xã có 15 ấp nhưng mới chỉ có một trường mẫu giáo. Chia sẻ cảm xúc trong ngày 20-11, cô Nguyễn Thanh Thêm cho biết: Vui nhất là ở xã Đất Mũi, ngày 20-11 không chỉ được các thầy cô trông đợi mà cả phụ huynh và học sinh đều nô nức chờ đón, trong khi đó, những năm trước, thậm chí phụ huynh còn không biết đến ngày nhà giáo Việt Nam là ngày gì.
Cô giáo Lê Thị Thanh – giáo viên trường tiểu học TT Mèo Vạc (Hà Giang) tâm sự: Ngày 20-11 ở vùng cao chúng tôi hay gọi là ngày Tết của các thầy cô. Những ngày này, chúng tôi được chính quyền, đoàn thể tại địa phương rất quan tâm, nhà trường cũng tổ chức bữa tiệc nhỏ để các thầy cô gặp mặt giao lưu, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề. Những năm trước, phụ huynh và học sinh chưa ai biết đến ngày tết của thầy cô nên không ai đến chia sẻ, nhưng mấy năm gần đây có khác. Các em cứ ngày này rủ nhau kéo đến nhà cô ngồi chật chỗ, không cần hoa, cần quà gì nhưng rất vui. Tình cảm cô trò gần gũi hơn nhiều.
Cô giáo Lê Thị Thanh và cô giáo Hoàng Thị Tuyền. Ảnh: gdtd.vn |
Đối với cô Hoàng Thị Tuyền – giáo viên Trường THCS Pắc Bó huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là những ngày bắt đầu về trường. Cô tâm sự: Tôi ra trường năm 1986, đó là có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của nước ta, giáo viên chúng tôi cũng vậy, nhiều khi phải dựa vào dân để sống mà dân vùng cao lại rất quý các thầy cô giáo. Ngày đầu về trường công tác tại Thông Nông – Cao Bằng, đúng vào dịp đầu năm, tem phiếu chưa có. Thầy hiệu trưởng tập trung học sinh trong trường lại, vận động mỗi em bơ gạo ủng hộ cô. Với tôi, đó là kỷ niệm đầu tiên không bao giờ quên được. Cũng chính vì tình cảm chân thành của học sinh, sự yêu mến của phụ huynh nên bản thân tôi bao năm nay đã cố gắng làm việc, giảng dạy, vượt qua khó khăn để không phụ những chân tình ấy.
Vùng cao, ngày 20-11, các em thường mang đến tặng cô những bông hoa rừng. Nếu các em có mang quà chúng tôi cũng không nỡ nhận vì hơn ai hết chúng tôi hiểu hoàn cảnh của các em còn khó khăn vô cùng. Lớp tôi dạy hiện nay có tất cả 16 học sinh thì đến 13 em thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, tình cảm của các rất chân thành. Tôi có một học sinh cũ, chỉ một nghĩa cử nhỏ của em là cố gắng len lỏi trong đám người rất đông để đến trước mặt cô, cúi chào làm tôi nhớ mãi. Đó là hạnh phúc, cũng là niềm tự hào của người thầy như chúng tôi. Còn niềm vui lớn nhất của tôi là dù ở vùng sâu, vùng xa, nghèo khó nhưng vẫn có em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; rồi nhìn thấy các em lần lượt trưởng thành, sống tốt, sống có ích.
Chuyện vui về ngày 20-11 được cô Đặng Thị Xuân Dung – giáo viên Trường tiểu học thị trấn Văn Điển (Hà Nội) hồi tưởng lại: “Ngày xưa, trò đến thăm tôi hay mang theo những bông hoa dâm bụt hay bó hoa bèo tây hái trên đường đi. Các em cũng góp mỗi người một ít để mua nào bỏng ngô, kẹo, bánh đa... đến nhà cô ngồi liên hoan với nhau. Nhiều khi ra đường còn cãi nhau vì bạn này ăn nhiều, bạn kia ăn ít, cô lại phải động viên bạn nào ăn ít mai cô sẽ mua đền. Có em ra đường không cẩn thận giẫm phải ổ trứng của bà bán hàng, cô lại phải ra đền tiền cho bà bán trứng, những chuyện nhỏ nhỏ như thế khiến cô nhớ mãi học trò và học trò cũng nhớ tới cô lâu hơn.
Hiếu Nguyễn (ghi)