Cần có tính toàn diện
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật này và các ý kiến thảo luận tại hội trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Ban soạn thảo nên hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội theo hướng đã trình, tuy nhiên cần hoàn thiện lại Tờ trình, làm rõ các mục tiêu sửa đổi và cập nhật thêm Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và các luật mới có liên quan đến giáo dục để tạo sự thuyết phục cao trước Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, có thể nghiên cứu đề xuất của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ về việc có nên để là Luật sửa đổi Luật Giáo dục để có tính toàn diện hơn. Trong báo cáo Tờ trình cũng cần, quy định những nội dung trong Luật, chẳng hạn, quy định chương trình sách giáo khoa là thống nhất. Có các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, lựa chọn sử dụng SGK, tránh các trường hợp tùy tiện.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần giải thích một số khái niệm trong Luật để người dân đọc là hiểu. Làm rõ đặc trưng, phạm vi tiêu chí của giáo dục mở và bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người học để đạt được mục tiêu phổ cập GD và Nghị quyết 29.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Những điều nào chỉ là câu chữ, không phải bản chất thì Ban soạn thảo sẽ bớt đi. Sau đó, nếu thấy số điều, khoản ít đi thì đề xuất là sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục; còn nếu nhiều điều, khoản thì phải tính đến đánh giá tác động và có nghiên cứu để là Luật sửa đổi. Đồng thời phải ra công lại mục tiêu của Dự án Luật cho phù hợp với thực tế.
Dẫn lại câu chuyện nóng gần đây, cô giáo bắt học sinh quỳ, rồi phụ huynh bắt cô giáo quỳ lại. Phó Thủ tướng cho rằng, cần nhấn mạnh thêm về một số vấn đề quan trọng xung quanh gia đình, cộng đồng xã hội và nhà trường trong Luật để tăng cường vai trò của nhà trường, gia đình trong GD.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng tình với các ý kiến cần phân biệt làm rõ các khái niệm như: Thế nào là GD bắt buộc, hay GD thường xuyên (GD người lớn). Cùng với đó là cần đảm bảo chất lượng GD dân tộc thiểu số chứ không chỉ đơn thuần là xóa mù chữ.
Ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình quan điểm đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến chất lượng GD.
“Về cơ bản chúng ta chủ động được số lượng giáo viên theo từng ngành, từng cấp. Dựa vào đó, chúng ta bố trí theo yêu cầu và nếu có hệ thống lương xứng đáng theo từng nơi thì chất lượng GD sẽ nâng lên” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Sẽ rà soát lại Dự án Luật, nếu cần thiết phải thẩm định lại để sau này đồng bộ với các luật khác, trong đó có Luật GD Đại học.
Giáo dục có nhiều thành công lớn
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao nhưng ý kiến xác đáng góp ý cho Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của các đại biểu. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ bản các ý kiến đều hoan nghênh Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chủ động nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban soạn thảo đã cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra đã dày công nghiên cứu và bước đầu đã có các văn bản chất lượng tốt để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu và có phối hợp nhịp nhàng với Chính phủ và các bên liên quan để hoàn thiện hơn nữa Dự án Luật này. “Kể cả tên Luật, nếu cần có thể báo cáo để sửa thành: Luật sửa đổi Luật Giáo dục hoặc Luật Giáo dục 2018. Vì vậy, chúng ta cần cân nhắc, thảo luận thêm và có ý kiến chính thức báo cáo đầy đủ nội dung này với Quốc hội” - Phó Chủ tịch Quốc Tòng Thị Phóng nêu đề xuất.
Đồng tình với các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung thêm vào Dự án Luật rằng, khẳng định nền giáo dục Việt Nam có bước phát triển. Để đạt các mục tiêu của Đảng về Giáo dục cần đổi mới về chất lượng, tạo hiệu quả cao về GD-ĐT, từng bước xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy được tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Xây dựng nền giáo dục Việt Nam mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt - học tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời đảm bảo điều kiện để thực hiện nền giáo dục Việt Nam hiện đại, dân chủ, và hội nhập nhưng vẫn phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bản sắc văn hóa dân tộc để đến năm 2030, chúng ta có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, các trường đại học nằm trong danh sách có thể tiếp cận thế giới. Đây là tư tưởng mới cần được nghiên cứu, bổ sung và quán triệt khi xây dựng Dự án Luật này.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, tới đây trong Tờ trình nên nêu rõ thêm và khẳng định rõ: Nền giáo dục Việt Nam đã xây dựng được hệ thống tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học.
Cơ sở vật chất, thiết bị GD đang từng bước được cải thiện, hướng tới hiện đại. Số lượng HSSV tăng nhanh do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực kể cả GD đại học, GD nghề nghiệp tăng nhanh; chất lượng giáo dục có tiến bộ; đội ngũ cán bộ, nhà giáo phát triển; Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, giáo dục ngoài công lập cũng phát triển góp phần vào kết quả, thành tựu chung của giáo dục và đào tạo của nước nhà.
“Một trong những thành công lớn của giáo dục là thời điểm này chúng ta đã xóa mù chữ, chúng ta đã phổ cập GD mầm non 5 tuổi. Đặc biệt đối với phổ cập GD mầm non 5 tuổi, đây là bước tư duy mới, quan trọng tạo tiền đề để các cháu bước vào lớp 1 - bậc học phổ thông. Vì thế trong Tờ trình cần viết thêm các nội dung này sao cho cân đối, đúng với thực tế và kết quả. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự cố gắng của Nhà nước và sự đồng lòng của toàn dân để chúng ta có được kết quả này. Theo đó, Tờ trình cần tăng thêm tính hiệu triệu” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một trong các lý do để chúng ta sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục là để triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, sửa Luật để chúng ta triển khai Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo sự thống nhất giữa Luật này với các hệ thống luật khác cũng như chủ trương mới của Đảng, Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Sửa Luật phải đảm bảo tính khả thi và có tính kế thừa để từ Luật này làm nền có cơ sở sửa luật khác toàn diện hơn, ví dụ: Luật Giáo dục Đại học, Luật Dạy nghề và tới đây có thể là Luật Nhà giáo. Ban soạn thảo cần nghiên cứu toàn diện nhưng thận trọng để đáp ứng nội dung yêu cầu, không gây tâm tư xáo trộn, phân vân trong xã hội.
Cái gì chưa rõ thì bình tĩnh nghiên cứu. Đồng thời đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tới đây sẽ thẩm tra chính thức và phối hợp với Ban soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ.
“Trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật này, cần từng bước lấy ý kiến chuyên gia, các tầng lớp nhân dân, các trí thức, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, kể cả những ý kiến trái chiều để xây dựng và hoàn thiện Luật mang tính rộng rãi, dân chủ, khách quan, đảm bảo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người”. Phó Chủ tịch Quốc hộiTòng Thị Phóng