Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 22 (tháng 3), sáng nay (13/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo báo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này.

Sau phần thảo luận của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hội trường, Chủ tọa phiên họp sẽ kết luận những vấn đề liên quan đến dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật giáo dục đại học (GDĐH) ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực GDĐH, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Do vậy, việc xây dựng và ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nổi cộm của GDĐH hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ