Nhận thức được những nguy cơ, hệ quả từ thực trạng biến đổi khí hậu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, giới trẻ ngày nay đã có sự quan tâm, hành động thiết thực để đóng góp, xây dựng một tương lai xanh, sạch, đẹp.
Biến đổi khí hậu - hiểm họa toàn cầu
Tính từ 4/2023 đến 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1890. Các nhà khoa học quốc tế đã đối chiếu dữ liệu từ năm 1940 với các nguồn dữ liệu khác và đưa ra kết luận rằng, tháng 3/2024 đạt kỷ lục nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2023 là năm nóng nhất trong kỷ lục toàn cầu kể từ năm 1850.
Cũng theo số liệu thống kê, năm 2024 đã là năm thứ 9 liên tiếp có nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu cũng có thể đẩy nhiệt độ lên cao hơn nữa. Liên Hợp Quốc dự báo, năm 2024 có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nóng kỷ lục, đẩy Trái đất đến “bờ vực” của biến đổi khí hậu nguy hiểm.
Ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhiều trường học đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài. Tại Thái Lan, ít nhất 30 người đã tử vong do sốc nhiệt tính từ đầu năm đến ngày 17/4/2024. Tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, có ít nhất 2 người tử vong do nghi bị say nắng.
Theo số liệu năm 2021 từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới từ biến đổi khí hậu. Những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể kể đến như: Lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao…
Dưới góc độ kinh tế, biến đổi khí hậu gây ra tổn thất lớn do thiên tai, thất bát mùa màng, làm giảm năng suất sản xuất nông nghiệp. Điều này cũng có thể dẫn đến sự mất mát về việc làm và tăng sự bất ổn kinh tế.
Về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, các nhà khoa học phân tích dưới 2 góc độ: Tự nhiên và do các hoạt động của con người. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.
Thực chất, việc phát thải khí nhà kính tự nhiên rất quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ giúp chúng ta sống được trên Trái đất. Nếu hoàn toàn không có khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất sẽ vào khoảng -18°C.
Tuy nhiên, các hoạt động của con người đang thải ra khí nhà kính đã đạt mức quá giới hạn, và biến đổi khí hậu gây ra bởi con người đang là những hiểm họa đe dọa chính con người và hành tinh xanh - Trái đất.
Từ những hành động thực tế…
Thay vì sử dụng các phương tiện như xe máy, ô tô, bạn Trần Thị Thanh Trúc (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi làm hàng ngày. Thanh Trúc cho biết, quãng đường di chuyển từ nhà đến cơ quan của cô dài khoảng 3 cây số.
“3 cây số không quá xa, vì vậy mình quyết định đạp xe đi làm mỗi ngày. Thói quen này mình đã duy trì được gần 1 năm nay. Việc sử dụng xe đạp thay vì xe ô tô hoặc xe máy trong các thành phố lớn có thể giúp giảm lượng carbon dioxide lên tới 10% trong năm. Điều này giúp cải thiện chất lượng không khí, đồng thời, đây cũng là một hoạt động thể dục tốt, nâng cao sức khỏe, tiết kiệm chi phí cho việc di chuyển”, Thanh Trúc chia sẻ.
Kể từ khi còn là sinh viên, bạn Nguyễn Như Quỳnh (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã có thói quen mang bình nước cá nhân để sử dụng mỗi khi ra quán cà phê để hạn chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Quỳnh cũng thường sử dụng túi vải thay vì túi ni lông mỗi lần đi chợ.
“Ban đầu mình thấy hơi bất tiện song duy trì lâu dần việc này đã trở thành thói quen tốt. Mình nghĩ đây chỉ là hành động nhỏ song lại có giá trị thực tế. Hiện, các thương hiệu lớn cũng vô cùng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, khuyến khích khách hàng mang bình nước cá nhân nhằm góp phần giảm lượng rác thải để giữ cho không gian sống của chúng ta trong lành, sạch đẹp hơn”, Như Quỳnh cho biết.
… Đến nỗ lực tuyên truyền của giới trẻ
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, thanh niên Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cùng các tổ chức liên quan. Với sự sáng tạo và năng động, giới trẻ trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước đã chủ động tham gia vào các dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Lương Nguyễn Ngọc Mai (25 tuổi, Hà Nội) - Trưởng nhóm nghiên cứu Chính sách Giáo dục Biến đổi khí hậu tại Youth4Climate Policy Working Group - cho biết: “Hơn ai hết, giới trẻ chúng mình chính là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đều tỏ ra quan tâm, thậm chí là tâm huyết nghiên cứu các vấn đề về môi trường.
Bằng chứng là có rất nhiều dự án, mạng lưới về môi trường biến đổi khí hậu trong những năm qua do các bạn thanh, thiếu niên tổ chức: Mạng lưới Youth4Climate (dưới sự hỗ trợ của UNDP), Mạng lưới thanh niên vì khí hậu (YNet), Mạng lưới Green Uni, Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP-Mekong)”, Ngọc Mai đưa ra dẫn chứng.
Hành trình hành động vì môi trường và khí hậu của Ngọc Mai tính tới nay đã được hơn 4 năm. Từ những bước chập chững bắt đầu bằng các việc rất đơn giản như: Quan tâm hơn đến môi trường sống xung quanh thông qua các hoạt động làm sạch môi trường; tham gia các cuộc thi sáng kiến vì môi trường và biến đổi khí hậu…
Trong quá trình tham gia hành động đó, Ngọc Mai đã tìm được những người có cùng quan điểm, cùng mối quan tâm về vấn đề xanh, sạch, đẹp của môi trường ở những dự án, tổ chức thanh niên về môi trường biến đổi khí hậu. Từ đó, những bạn trẻ này đã tự sáng lập những dự án riêng của bản thân.
Một trong những dự án phi lợi nhuận mà Ngọc Mai tâm huyết nhất có thể kể đến là “Nhóm công tác thanh niên về chính sách khí hậu” (YPWG) với sự hỗ trợ từ UNDP Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bên liên quan khác. Tất cả các hoạt động đều hướng đến sứ mệnh tăng cường các hành động bảo vệ khí hậu và sự tham gia của thanh niên vào việc đóng góp chính sách ở Việt Nam.
“Mình là nhóm trưởng của Nhóm Giáo dục biến đổi khí hậu. Ngoài các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, chúng mình còn tiến hành nghiên cứu về chương trình giáo dục biến đổi khí hậu cấp trung học phổ thông, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng xanh dành cho thanh, thiếu niên hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang tích cực thúc đẩy các hành động vì khí hậu và vai trò của người trẻ trong các chương trình và chính sách khí hậu.
Chúng mình đã tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện ý nghĩa trong năm 2023. Có thể kể đến như: Chuỗi hội nghị bàn tròn về Giao thông xanh, Kỹ năng xanh, Việc làm xanh; Tập huấn nâng cao về chuyển dịch năng lượng; Các sự kiện tham vấn, đối thoại về báo cáo nghiên cứu của nhóm; Climate Fresk…
Qua các sự kiện đó, mình cũng rất vinh dự khi được đại diện nhóm phát biểu, đối thoại, trình bày các quan điểm, các kết quả nghiên cứu trước các nhà lãnh đạo khí hậu của các bên như Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP Việt Nam, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Anh, Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế IRENA...
Nhóm mình với sự hỗ trợ của UNDP cũng đem báo cáo nghiên cứu tới trình bày tại Hội nghị các bên liên quan về biến đổi khí hậu COP 28 diễn ra tại Dubai (UAE)”, Ngọc Mai tự hào chia sẻ.
Cùng với “Nhóm công tác thanh niên về chính sách khí hậu” (YPWG), ENVO - Nhật ký Năng lượng cũng là một dự án mà Ngọc Mai vô cùng tâm huyết. Đây là dự án liên quan đến việc tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả với học sinh cấp THPT.
Năng lượng là ngành phát thải nhiều khí nhà kính ra môi trường nhất, trong đó, trường học tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể. Theo số liệu từ tổ chức UNICEF, trung bình một trường công lập ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 25.000 KWh điện mỗi năm. Mức tiêu thụ điện ước tính của các trường công lập của Việt Nam tương đương với lượng khí thải CO2 ước tính là hơn 800.000 tấn.
Ngoài ra, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam thông qua đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì vậy, thông qua phương pháp “kể chuyện bằng hình ảnh”, dự án ENVO mong muốn nâng cao nhận thức về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời khuyến khích sự tham gia và ý kiến đóng góp từ học sinh THPT để tạo ra một không gian học tập tích cực hơn. Hiện, dự án được thực hiện điểm tại 3 trường THPT thuộc 3 huyện ngoại thành Hà Nội: THPT Thạch Thất, THPT Đan Phượng và THPT Vạn Xuân - Hoài Đức.
Có thể thấy, các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong những năm qua. Với nguồn nhiệt huyết và khả năng dồi dào, họ có cơ hội đưa ra những quyết định và hành động nhằm định hình một tương lai bền vững và kiên cường hơn.
Những hoạt động của các bạn trẻ là minh chứng của sự đoàn kết. Từng hành động nhỏ mỗi ngày từ mỗi người có thể tạo ra sự thay đổi lớn để giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và quan trọng hơn nữa là để bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người.