Hàng triệu trẻ em châu Phi dựa vào truyền hình để học tập

GD&TĐ - Cậu HS 5 tuổi người Kenya Miguel Munene, ngồi giữa bố mẹ và xem các nhân vật hoạt hình đang dạy cậu cách phát âm từ “cá”. Truyền hình đã thay thế GV và bạn học của Munene sau khi các trường học đóng cửa vô thời hạn vào tháng 3 để chống Covid-19.

 Miguel Munene, ngồi giữa bố mẹ và học qua TV.
Miguel Munene, ngồi giữa bố mẹ và học qua TV.

Nhiều trẻ em không có lựa chọn học trực tuyến – UNICEF cho biết ít nhất một nửa số HS châu Phi cận Sahara không có quyền truy cập Internet.

Một số HS như Miguel Munene xem phim hoạt hình do tổ chức phi lợi nhuận Ubongo của Tanzania cung cấp nội dung truyền hình và radio miễn phí cho các đài truyền hình châu Phi.

“Các chương trình khác chỉ để giải trí, nhưng Ubongo đang giúp đỡ trẻ em” - Mẹ của Miguel, bà Celestine Wanjiru cho biết – “Giờ đây bé có thể phân biệt rất nhiều hình dạng và màu sắc, bằng cả tiếng Anh và tiếng Swahili”.

Hồi tháng 3, các chương trình của Ubongo được phát sóng đến một khu vực bao gồm khoảng 12 triệu hộ gia đình ở 9 quốc gia - Iman Lipumba, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Ubongo cho biết. Con số này đã tăng lên 17 triệu ở 20 quốc gia vào tháng 8.

“Dịch Covid-19 thực sự buộc chúng tôi phải phát triển nhanh chóng” – Lipumba nói.

Một nhóm các nghệ sĩ, nhà GD, kỹ thuật viên đã thành lập Ubongo TV ở Tanzania vào năm 2014. họ đã nhận được 4 triệu USD tài trợ kể từ đó và kiếm được 700.000 USD từ Youtube, bán sản phẩm, cấp phép nhân vật và đồng sản xuất các chương trình.

Đối với Miguel Munene và HS khác, chương trình như của Ubongo là lựa chọn duy nhất để học lúc này. Bộ GD Kenya nói rằng các trường học chỉ có thể mở cửa trở lại khi số ca mắc Covid-19 giảm đáng kể. Kenya có hơn 36.000 ca mắc và hơn 620 ca tử vong - Bộ Y tế cho biết.

Tuy nhiên, truyền hình không thể thay thế hoàn toàn cho việc dạy học được. Cha của Miguel cho biết “cách bọn trẻ học qua các chương trình khác với cách chúng tương tác với GV và bạn bè. Chúng tôi hy vọng trường học sẽ mở cửa lại sớm”.

Theo Standard media

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ