Trong một tuyên bố đưa ra tại Nairobi, WHO cho biết việc mở cửa trường học trở lại ở khu vực châu Phi cận Sahara cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso cho biết: “Cũng như các quốc gia đang mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, chúng ta có thể mở lại các trường học”. Bà cho biết quyết định này phải được dẫn đường bởi một phân tích rủi ro nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, GV và phụ huynh, với các biện pháp chủ chốt như giãn cách xã hội phải được áp dụng.
Một nghiên cứu gần đây do WHO tiến hành tại 39 quốc gia châu Phi cận Sahara chỉ ra rằng các trường đã mở cửa hoàn toàn ở 6 quốc gia, đóng cửa tại 14 quốc gia và mở cửa một phần tại 19 quốc gia để HS làm các bài thi.
Hơn 10 quốc gia châu Phi đang lên kế hoạch khôi phục việc đến trường cho HS vào tháng 9 - thời điểm đánh dấu năm học mới.
Bà Moeti thừa nhận việc mở cửa lại trường học là chìa khóa nhằm tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc cho trẻ em. Bên cạnh đó cần đảm bảo các biện pháp bảo vệ an toàn được áp dụng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
“Trường học là nơi an toàn cho nhiều trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn để các em có thể phát triển. Chúng ta không nên làm ngơ việc này khi nỗ lực ngăn chặn Covid-19 để rồi khiến một thế hệ bị mất đi” – bà Moete nói.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) cho rằng việc kéo dài thời gian đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ trẻ em châu Phi bị đói, suy dinh dưỡng, trầm cảm và trở thành nạn nhân bạo lực tình dục.
Một cuộc khảo sát do UNICEF thực hiện ở phía đông và nam châu Phi cho thấy bạo lực đối với trẻ em tăng đột biến trong thời gian đóng cửa trường học kéo dài. Bên cạnh đó khoảng 10 triệu trẻ em bị mất bữa ăn miễn phí.
Những đề nghị từ WHO và UNICEF nhấn mạnh các cơ sở GD châu Phi cần phải tăng cường giãn cách xã hội, vệ sinh tay, quản lý chất thải để việc mở cửa trở lại của họ không ảnh hưởng tới sức khỏe của HS.