Hàng trăm nghìn học sinh Đồng bằng sông Cửu Long vui mừng trở lại trường

GD&TĐ - Sau 10 tháng tạm dừng đến trường do dịch Covid-19, ngày 7/2, hàng trăm nghìn học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trở lại trường. Niềm vui mừng hiện rõ ở mỗi học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh.

Các em HS tỉnh Tiền Giang vui mừng gặp lại nhau và lì xì trong ngày đầu trở lại lớp. Ảnh: X. Uyên.
Các em HS tỉnh Tiền Giang vui mừng gặp lại nhau và lì xì trong ngày đầu trở lại lớp. Ảnh: X. Uyên.

Không chủ quan, lơ là công tác phòng dịch

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, Sở đã thành lập 4 đoàn công tác để kiểm tra công tác tổ chức cho học sinh đi học trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Đến 14 giờ ngày 5/2 các trường đã hoàn tất việc xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong nhà trường, rà soát cơ sở vật chất, tổ chức vệ sinh trường, lớp và các điều kiện khác để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 7/2.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang có 124 trường THCS, 38 trường THPT và 7 Trung tâm sẽ tổ chức cho 121.420 học sinh, học viên học trực tiếp trở lại. Điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học trực tiếp là phải đạt “Mức độ an toàn rất cao” theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19; Phải có kế hoạch, phương án phòng, chống dịch được Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, thành, thị phê duyệt.

Tổ chức lớp học giãn cách tối đa có thể, dạy học nhiều ca/ngày; chủ động sắp xếp, bố trí một (hoặc một số) khối lớp học buổi sáng, các khối lớp còn lại học buổi chiều (hoặc buổi tối đối với các trung tâm) nhằm giảm số lượng người tập trung cùng một thời điểm tại các cơ sở giáo dục. Không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, nội trú, bán trú. Tổ chức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Con tôi học lớp 1 mà phải ở nhà hơn 10 tháng qua nên gia đình rất lo lắng. Con còn quá nhỏ để tự học và học trực tuyến nên gia đình phải thay phiên nhau dạy học. Hay tin trở lại trường, nhà tôi vui lắm, từ nay con sẽ được gặp thầy cô, bạn bè. Trẻ nhỏ cần phải đến trường, phải được tương tác mới phát triển. - 
Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, mặc dù tình hình dịch bệnh ở các địa phương đã được kiểm soát tốt và học sinh, giáo viên đã được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ, nhưng các trường không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Khi học sinh trở lại trường phải mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và thực hiện giãn cách.

Trong thời gian trở lại trường, các thầy cô sẽ kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, kết nối với học sinh chưa được đến lớp. Trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ tiến hành ôn tập, củng cố, đánh giá kiến thức học sinh qua quá trình học trực tuyến trước khi dạy kiến thức mới.

“Phải nói rằng, việc mở cửa trường học của Tiền Giang được thực hiện theo lộ trình với từng bước chắc chắn, thận trọng, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ dư luận. Sau khoảng 1 tuần đầu tiên cho học sinh từ khối 7 đến 12 trở lại trường, chúng tôi sẽ tiến hành họp đánh giá rút kinh nghiệm để có thể tính toán các bước tiếp theo”, ông Lê Quang Trí nhấn mạnh.

Cô trò gặp lại nhau sau 10 tháng tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: X. Uyên.
Cô trò gặp lại nhau sau 10 tháng tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Ảnh: X. Uyên.

Đảm bảo các điều kiện để đón học sinh trở lại trường

Để thực hiện thật tốt việc đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng dịch trong trường học.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau yêu cầu tập trung chỉ đạo kiểm soát tốt việc thực hiện 5K trong trường học, nhất là việc đeo khẩu trang, khử khuẩn đối với học sinh, giáo viên trước khi vào lớp.

Mỗi nhà trường, mỗi điểm trường học phải cử một cán bộ, giáo viên có am hiểu về lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19 làm đầu mối theo dõi, hỗ trợ giáo viên trong kiểm soát công tác phòng chống dịch tại từng lớp học; giữ mối liên hệ chặt chẽ với trạm y tế cơ sở xã, phường, thị trấn để được hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Nếu phát hiện trường hợp giáo viên, học sinh có những biểu hiện của bệnh Covid-19 thì phải kịp thời thực hiện nhanh các biện pháp giãn cách, không để tiếp xúc gần với các giáo viên, học sinh khác; đồng thời báo ngay cho trạm y tế kịp thời hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc; nếu xác định có giáo viên, học sinh F0 thì phải tiến hành ngay các biện pháp quản lý, điều trị F0 theo đúng quy định hiện hành” Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Qua kiểm tra, các trường đã xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc: phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan trong trường học; kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ an toàn Covid-19 của trường.

Các trường đã chủ động trong việc tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non; thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin sớm đến cha mẹ học sinh, học sinh về việc chuẩn bị đi học trở lại; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế cần thiết theo quy định.

Nhìn chung, hầu hết các trường đều đảm bảo các tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Thành phố lưu ý ngành Giáo dục và nhà trường phối hợp cơ quan y tế địa phương triển khai kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp quản lý trực tiếp các biện pháp xử lý nếu xảy ra tình huống có học sinh, học viên, viên chức, người lao động trong đơn vị nhiễm Covid-19...

Vui mừng trong ngày trở lại trường, em Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 11, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) cho biết: "Em và các bạn phải nghỉ học ở nhà quá lâu nên rất buồn và căng thẳng. Học online chỉ là giải pháp tình thế vì rất khó tương tác giữa thầy cô và học sinh cũng như các bạn trong lớp tương tác với nhau. Em đi học lại ngày hôm nay trong tâm thế rất yên tâm vì đã được tiêm vắc xin, thầy cô cũng được tiêm đầy đủ. Em sẽ cố gắng học để đảm bảo chương trình và chuẩn bị cho hành trình cuối cấp sắp tới”.

Các trường quan tâm, tìm hiểu, tư vấn, hỗ trợ tâm lý và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức phù hợp với từng đối tượng; tổ chức cho học sinh kiểm tra định kì theo quy định; tập trung dạy học các môn học/hoạt động giáo dục theo các nội dung cơ bản, cốt lõi trong chương trình...
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ