Hàng thiết yếu trước và sau Tết Nguyên đán: Không tăng giá bất thường

GD&TĐ - “Mặt bằng giá các loại hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với năm trước” - Bộ Công Thương cho biết. Một số mặt hàng do ảnh hưởng từ sản xuất nên giá cao hơn khoảng 5% - 7%, như thịt lợn, đào, quất… Nguồn cung dồi dào, chợ dân sinh mở hàng sớm, một số siêu thị không nghỉ Tết, tâm lý mua tích trữ đã hạn chế.

Nguồn cung dồi dào, siêu thị trở thành nơi hút người tiêu dùng ngày thường cũng như dịp Tết
Nguồn cung dồi dào, siêu thị trở thành nơi hút người tiêu dùng ngày thường cũng như dịp Tết

Hàng hóa dồi dào

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết khá sôi động, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường; tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm trước. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được doanh nghiệp tung ra để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm.

Cùng với đó, sự phát triển của hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân ở các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều. Còn ở các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập. Người dân chủ yếu đến chợ để mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng…

Thương mại điện tử cũng là hình thức mua bán được ưa chuộng trong dịp Tết vừa qua. Nhiều mặt hàng, đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được người dân trao đổi mua bán qua điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà.

Bánh mứt kẹo, đồ uống dịp Tết năm nay không có biến động lớn, chỉ tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Theo Bộ Công Thương, dịp Tết vừa qua, ngoài Kiên Giang - địa phương luôn dành một phần ngân sách để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn đưa hàng ra các xã đảo và các xã vùng sâu, biên giới; các địa phương khác như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Mặc dù giá đã có xu hướng giảm trong 2 tháng cuối năm 2018, nhưng sang đầu năm 2019, giá thịt lợn lại tăng mạnh trở lại, sát Tết vừa qua do nhu cầu cho chế biến và tiêu dùng tăng, chi phí sản xuất (giống, vật tư) tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giá các sản phẩm thịt bò và thịt gà ổn định, thậm chí sát Tết vừa qua, một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống vào ngày 30 Tết. Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô ổn định.

Sau đợt Tết Nguyên đán, do nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, sức mua không lớn, cho nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết. Sau Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi giá tương đương so với những ngày cận Tết. Thị trường sau Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.

“Hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, các địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nên hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng và hàng Việt chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương”- Bộ Công Thương nhận định.

Người dân có thể yên tâm về giá gạo?

Riêng về mặt hàng gạo, nguồn cung tương đối dồi dào, người dân tiếp tục xu hướng chuyển sang dùng gạo chất lượng cao như: Séng Cù, Tám thơm, Nàng thơm chợ Đào, Bắc Hương... Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Ước giá gạo tẻ chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, tuỳ loại và địa phương. Giá gạo nếp dịp Tết vừa qua có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường, tăng khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, một số địa phương như Cao Bằng, Sóc Trăng, Đồng Nai… đã có kế hoạch đưa mặt hàng gạo thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường với giá bán ổn định và thấp hơn khoảng 5 - 10%. Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo cho thị trường trong dịp Tết còn được bổ sung từ việc thu hoạch sớm vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam, nên nguồn cung gạo các loại tương đối dồi dào, thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra… tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hoá, trong đó có mặt hàng gạo. Vấn đề an toàn thực phẩm được tập trung thực hiện, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hoá phục vụ người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, một số công ty kinh doanh gạo đã đưa một số loại gạo tẻ cao cấp như Jasmine organic để phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù giá bán tương đối cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng số lượng tiêu thụ khá tốt và phù hợp với thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng.

Dự báo sau Tết Nguyên đán, do tồn kho tại các tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá thóc, gạo nguyên liệu nội địa ổn định hoặc giảm nhẹ. Giá các loại gạo nguyên liệu tại khu vực phía Nam có thể tăng nhẹ do thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trong năm. Giá các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao ổn định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.