Chiều mùng 7 âm lịch, bệnh nhân cấp cứu vẫn ùn ùn đổ về BV Việt Đức
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Dương Trọng Hiển, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức cho hay: Ngay trong chiều 11/2 (mùng 7 âm lịch), dù đã kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca cấp cứu, trong đó có tai nạn giao thông (TNGT), đánh nhau vẫn nhiều.
Theo BS. Hiển, do đây là bệnh viện tuyến cuối nên các ca nhập viện đều nặng, với chấn thương chủ yếu là sọ não và các chi. Các bác sĩ rất vất vả trong tiếp nhận, xử lý, với mỗi ca phẫu thuật trung bình từ khoảng 6 giờ đồng hồ, thậm chí lâu hơn. Chi phí điều trị cho bệnh nhân rất tốn kém, chưa kể khả năng phục hồi đòi hỏi thời gian rất dài.
BS Hiền cũng cho biết: Trong 9 ngày Tết, BV Việt Đức tiếp nhận khoảng 1.300 ca cấp cứu, trong đó hơn 600 ca TNGT, còn lại là tai nạn sinh hoạt, gồm cả nạn nhân đánh nhau.
Trong số ca cấp cứu TNGT có khoảng 30% có liên quan đến đồ uống có cồn như bia, rượu. Số ca nhập viện cấp cứu tăng dần từ ngày mùng 1 đến mùng 6 Tết.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, tại các cơ sở y tế toàn quốc, sau 8 ngày nghỉ Tết đã có 45.622 ca khám, cấp cứu TNGT, chiếm 14,3% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện.
Cũng trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 5.303 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 15 trường hợp tử vong.
Nam bệnh nhân 28 tuổi (Cao Bằng), TNGT do rượu, bị chấn thương sọ não, gãy 2 chi dưới nhập viện từ mùng 3 Tết với tiên lượng dè dặt
Nam bệnh nhân 41 tuổi (Nghệ An) bị TNGT có dấu hiệu liệt nửa người. Trước đó, bệnh nhân đã vào viện địa phương và được chuyển tuyến lên BV Việt Đức
Các bác sĩ luôn tay tiếp nhận bệnh nhân bị TNGT nhập viện cấp cứu