Hàng rào “đối đầu” Omicron

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 5/12, biến thể Omicron được phát hiện ở 38 quốc gia dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mức độ lây truyền, khả năng né tránh miễn dịch vắc-xin của Omicron là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, khác với khi Covid-19 mới phát hiện ở Vũ Hán, thế giới không đánh giá thấp biến chủng mới.

Bắt nguồn từ Nam Phi, giới chức nước này lập tức chia sẻ dữ liệu về những ca nhiễm đầu tiên để thế giới có thể vạch ra chiến lược ứng phó kịp thời.

Sau Nam Phi, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế, đóng cửa biên giới để “câu giờ” trước khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về biến chủng mới. Một số nước thậm chí còn hành động trước khi WHO đưa ra khuyến cáo về biến chủng này.

Hầu hết, các quốc gia Trung Đông đã siết chặt biện pháp phòng chống dịch. Đến nay, chỉ Israel, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron.

Nhưng cơ quan y tế Lebanon đã áp lệnh giới nghiêm ban đêm với những người chưa tiêm phòng hoặc không có kết quả xét nghiệm PCR âm tính từ ngày 17/12. Trong 3 tuần, những người thuộc nhóm trên không được phép rời nhà từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng.

Các quốc gia Ai Cập, Jordan, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman… đã đình chỉ hoạt động du lịch hàng không từ hơn 20 quốc gia châu Phi. Maroc và Israel thậm chí đã tạm dừng tất cả chuyến bay thương mại quốc tế trong hai tuần tới.

Hàng chục quốc gia châu Mỹ, châu Âu hay châu Á cũng có những động thái tương tự. Nhật Bản tuyên bố cấm toàn bộ khách nước ngoài nhập cảnh trong khi Australia quyết định hoãn mở cửa biên giới do lo ngại biến chủng Omicron.

Một số quốc gia, như Mỹ, đã lên kế hoạch tăng tốc tiêm vắc-xin mũi tăng cường do lo ngại Omicron có thể dễ dàng “lách qua” hàng rào bảo vệ của vắc-xin. Điều này gây sức ép lớn lên chương trình vắc-xin quốc tê COVAX vì nguồn vắc-xin được chuyển giao cho các nước giàu có.

Song hành cùng thế giới, các công ty dược phẩm, chuyên gia y tế đang chạy đua nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm và tác động của Omicron để phát triển biện pháp chống biến chủng mới.

Nếu mức độ kháng thể của các vắc-xin hiện nay vẫn cao, chúng có thể tiếp tục được sử dụng trong phòng, chống Covid-19. Thế giới đồng thời vẫn nên tuân thủ các biện pháp phòng, chống truyền thống như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội.

Hôm 3/12, WHO kêu gọi các quốc gia không nên hoảng sợ mà hãy chuẩn bị cho tình huống Omicron lây lan; đồng thời, khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về biến chủng mới. Các quốc gia được khuyến cáo không nên cấm đi lại, trừ những nước có hệ thống y tế mỏng manh, không thể chống chọi với các ca nhiễm.

Ông Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, nhấn mạnh dữ liệu cho thấy Omicron có khả năng lây nhiễm cao mới chỉ là sơ bộ.

“Ưu tiên hiện nay của các quốc gia nên là chuẩn bị cho hệ thống y tế phòng trường hợp ghi nhận biến chủng mới vì chúng tôi e rằng Omicron sẽ lan rộng ra khắp thế giới. Đây là cách virus này hoạt động nên chúng ta không thể ngăn chặn nó xâm nhập vào các quốc gia riêng lẻ”, ông Christian bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ