Hiệu quả vắc xin giảm do biến chủng Omicron

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, vắc xin hiện hành có thể vẫn hiệu quả với biến chủng mới Omicron, nhưng không cao như trong thử nghiệm lâm sàng.

Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 500% so với Delta.
Omicron có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 500% so với Delta.

Do đó, điều quan trọng là bảo vệ nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền và miễn dịch kém.

“Xuyên thủng” lá chắn vắc-xin?

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, B.1.1.529 là biến chủng “đáng lo ngại” và đặt tên nó là Omicron. Biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Botswana, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố. WHO xếp Omicron vào nhóm biến chủng đáng lo ngại khi có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 500% so với Delta.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Trước bối cảnh này, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát dịch Covid-19. Qua đó, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique. Đồng thời, tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/ đi về từ các quốc gia trên.

Chia sẻ về Omicron, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) dẫn chứng, phân tích từ CDC châu Âu cho thấy, biến thể này có nhiều đột biến nhất trong các loại biến thể của virus SARS-CoV-2, với khoảng 30 - 32 đột biến ở protein cầu gai. Vì đột biến nhiều nên có khả năng là biến thể này dễ thoát khỏi sự nhận biết và tấn công của các kháng thể đặc hiệu.

“Việt Nam có thể có biến thể này nếu không cẩn thận với các du khách đến từ Hồng Kông. Chúng ta có thể làm vắc xin mới, trong 3 - 4 tháng nữa, nếu biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng”, chuyên gia nhận định.

Theo PGS Trần Huỳnh, trong bối cảnh này, bình tĩnh và cập nhật thông tin chính xác từ các cơ quan y tế là điều cần thiết. Ngoài ra, người dân cần tiêm vắc-xin đầy đủ, có thể bao gồm mũi thứ 3. Đồng thời, cần chữa các bệnh nền, tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục, ăn ngủ điều độ. Hạn chế đi đến các nước có biến thể này như châu Phi, Hồng Kông, Israel. Rửa tay, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang.

Trong khi đó, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Đại học Cincinnati (Mỹ) nhận định, những đột biến sẽ ảnh hưởng tới khả năng kháng vắc xin hoặc kháng thể đơn dòng.

“Vắc xin hiện giờ, kể cả Pfizer và Moderna vẫn có thể kìm hãm biến thể Delta, đặc biệt giảm tử vong. Tuy nhiên, khả năng rất cao là hiệu quả của vắc xin với chủng Omicron sẽ bị giảm vì các đột biến tại vị trí protein gai, đặc biệt là vùng RBD quá nhiều. Chúng là các vị trí mà vắc xin được thiết kế ban đầu hướng tới”, TS Hùng cho biết.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, việc bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền và suy giảm miễn dịch là vô cùng cần thiết trong bối cảnh này. 

“Zero Covid” không khả thi

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế. Nhờ đó, thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình.

Theo Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), khi một biến thể của virus xuất hiện, có 3 câu hỏi quan trọng đặt ra là: Độc lực của biến thể mới ra sao? Khả năng có thể gây ra một đại dịch mới? Vắc-xin có hiệu lực đối với biến thể mới?

“Virus sẽ tiếp tục biến hóa, nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy biến thể Omicron. Theo lý thuyết, biến thể có độ lây lan càng cao, độ độc hại càng giảm. Biến thể Delta khi mới xuất hiện cũng khiến thế giới quan ngại là sẽ gây ra đại dịch mới. Tuy nhiên, đến nay, nó có hệ số lây lan rất cao (6 hay 7), nhưng nguy cơ tử vong thì có nơi thấp, nơi cao”, chuyên gia này phân tích.

Trong khi đó, theo Giáo sư Tuấn, tất cả vắc xin được thiết kế để chống biến thể gốc. Do đó, vắc-xin hiện hành có hiệu quả thấp đối với biến thể Delta. Từ đó, có thể nhận định rằng, các vắc xin cũng có hiệu lực với biến thể mới, nhưng không cao như trong thử nghiệm lâm sàng.

“Sự xuất hiện của Omicron là một minh chứng cho thấy chúng ta phải sống chung với nCov và chiến lược “Zero Covid” là không khả thi”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Thường trực Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, một phụ nữ Hồng Kông đi qua Nam Phi đã tiêm 2 mũi Pfizer bị nhiễm chủng. Điều đó nói lên rằng, biến thể Omicron có thể “thoát” vắc xin.

Song, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, không bao giờ 100% người tiêm 2 mũi Pfizer sẽ không nhiễm Covid-19. Do đó, trường hợp này hoàn toàn bình thường.

“Tới nay, theo quy luật sinh học, virus càng thuần với con người thì càng lây nhanh và nhẹ. Chủng lây cỡ nào cũng không “chui” qua khẩu trang”, bác sĩ Khanh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.