(GD&TĐ) - Đến hẹn lại lên, khi những cơn gió heo may trở về, những chiếc áo ấm cũ trở thành lựa chọn đối với những người có thu nhập thấp. “Cũ người - mới ta”, tôi vẫn thấy niềm vui lấp lánh trên đôi mắt của những người cha, người mẹ sau khi chọn mua được cho con tấm áo ấm cũ.
Mua may thì bán đắt
Vừa chớm rét, những hàng quần áo ấm cũ, đã bày bán trên nhiều con đường ở TP Huế, thu hút đông đảo khách hàng học sinh, sinh viên là chợ Tây Lộc, Mai Thúc Loan, chợ Bến Ngự, đường Nguyễn Huệ...Ở nông thôn, chợ Nọ, Nong, Truồi, Sịa, Thuận An, Vinh Thanh...cũng bày bán rất nhiều loại hàng này. Hàng “bành” - người Huế có cách gọi nôm na như vậy, do thứ hàng quần áo cũ (second hand) này đựng trong những cái bành lớn. Nhưng dù hàng đã dùng rồi, thậm chí dùng nhiều, vẫn còn tốt chán.
Xen lẫn vào đó, là đồ nhái của các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như: Louis, Evisu, Adidas, Boss, Gucci, Tommy, Levis, Versace…Vì vậy, nhiều thanh niên cất công tìm, hy vọng tình cờ mua được đồ xịn giá rẻ, mẫu mã không đụng hàng, họ gọi là “hàng độc”...
Anh Nguyễn Vinh ở chợ Bến Ngự cho biết: Đường đi của “hàng bành” về đến Huế rất phức tạp, lộ trình như sau: Đầu tiên hàng được các đầu nậu ở TP Hồ Chí Minh qua thu gom bên Campuchia, sau đó chuyển về Việt Nam phân loại (giày, quần, áo, ví da…), đóng thành từng bành lớn, đánh mã số. Từ TP Hồ Chí Minh, hàng sẽ chuyển về Huế và nhiều địa phương khác, thông qua các “đại lý” mua đứt bán đoạn (ở Huế hiện có khoảng 7 “đại lý”).
Mỗi lần hàng về, những người bán lẻ sẽ được các “đại lý” báo tin, đến mua lại theo cách thức “chậm chày may rủi”, phải mua nguyên bành, không được kiểm tra hàng. Gặp hàng tốt thì lãi, gặp hàng xấu thì chịu lỗ. Bước tiếp theo, những người chuyên mua bán “hàng tuyển” sẽ đến nhà người bán hàng bành thứ cấp ấy, lần lượt mở các bành hàng và tuyển chọn những mặt hàng đẹp nhất, giá cao nhất, rồi về “mông má” để trở thành “hàng hiệu” bán với giá thỏa thuận.
Tôi gặp anh Hưng, một trong những người mua bán “hàng tuyển” nổi tiếng ở Huế. Trước đây, lúc còn hàn vi, anh cũng là người bán hàng chợ ở bến xe chợ Đông Ba. Sau gần 10 năm “ăn nên làm ra”, anh Hưng thuê mặt bằng ở đường Nguyễn Huệ, chuyển sang bán “hàng tuyển” nên ngày càng khấm khá. Đối với hàng tuyển, gặp khách sành điệu, anh thường bán một lãi hai, đôi khi lãi gấp 5 lần. Lẻ tẻ như những cái thắt lưng, túi da, ví tiền... anh Hưng mua 200.000đồng/cái, nhưng sau đó bán lại 400.000 đồng, thậm chí gặp khách mua hớ đến 600.000 đồng!
Tìm mua quần áo cũ |
Ai mua hàng bành?
Thành phần mua “hàng bành” đông đảo nhất là người thu nhập thấp, nên được tiêu thụ mạnh nhất vẫn là “hàng chợ”. Hàng chợ bày bán lưu động trên các vỉa hè, hoặc trong các lô chợ đấu giá mặt bằng rẻ. Ở chợ quê, chỉ cần trải một tấm bạt, bày ra bán cũng xong.
Chị Lộc một trong hàng chục người bán “hàng chợ” ở chợ Tây Lộc (thành nội Huế) kể rằng: “Tôi là một trong những người bán “hàng sida” sớm nhất ở Huế, từ những năm 1980 của thế kỷ trước”. Vốn là dân vùng biển chất phác (xã Quảng Ngạn, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) lên định cư ở phường Thuận Lộc, nhờ con em ở nước ngoài giúp đỡ, chị Lộc buôn bán hàng bành. Khi tôi hỏi chị Lộc đã có nhiều kinh nghiệm sao không chuyển qua bán hàng tuyển mà cứ bán hàng chợ thu tiền lẻ thế này?”. Chị nói thật tình: Muốn bán hàng tuyển phải có mặt bằng tốt. Với lại phải có con mắt tinh đời, chọn hàng tuyển khó lắm, không phải có vốn thì làm được…”.
Muốn biết về nghề bán hàng tuyển xin mời đến chợ Bến Ngự (phía nam sông Hương), cả một con đường san sát hàng tuyển. Hàng hóa mới nhìn đẹp thật đấy nhưng khó phân biệt thật giả. Nhìn chung khách thích đi mua hàng bành thường xuyên, có thể chia thành hai “thành phần”.
Thành phần đông đảo nhất chỉ quan tâm đến nhãn hiệu, cứ thấy Gucci, Boss, Tommy, Levis là gật. Loại khách hàng thứ hai không quan tâm nhãn hiệu gì, miễn là rẻ mà đẹp, lạ, không đụng hàng… Từ khi bão lũ về, các khu chợ hàng bành càng trở nên đông đúc hơn, theo chị Tuyết, bán hàng tại chợ Vỹ Dạ, không lúc nào vắng khách, nhất là thứ bảy và chủ nhật thì phải thuê người phụ giúp mới bán kịp.
Sau một ngày thăm thú các quầy bán “hàng bành” trong thành phố Huế và vùng ven, tôi nghĩ không ai hay, những người bán hàng bành đã đóng góp thầm lặng vào một nửa nhu cầu “cơm no - mặc ấm” cho thành phần lao động thu nhập thấp ở thành thị và nông thôn...
Những ngày vào thu đầu đông, các hàng bành thu hút rất nhiều khách hàng có thu nhập thấp. Tại một số hàng bán quần áo cũ trong chợ vùng ven thành phố (chợ Nọ, chợ Mai, chợ Dinh), giá một chiếc áo len dài tay chỉ dao động ở mức 50.000 - 100.000 đồng (hàng treo), còn hàng đổ bừa thành đống thì chỉ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Áo khoác dạ đẹp giá từ 200.000 đồng/chiếc, còn những chiếc đã cũ, kiểu dáng xấu thì chỉ 100.000 – 120.000 đồng/chiếc. Bác nông dân, chị bán vé số, ve chai, anh đạp xích lô, xe thồ, bốc vác… bằng lòng với những chiếc áo ấm giá rẻ.
Vũ Hào