Hằng Phương, nữ sĩ tiên phong của thơ Việt Nam hiện đại

GD&TĐ - Là một trong những nữ sĩ đầu tiên của nền văn học Việt Nam hiện đại, Hằng Phương đã góp vào gia tài văn chương Việt những thi phẩm sâu sắc.

Vợ chồng Hằng Phương - Vũ Ngọc Phan thời trẻ.
Vợ chồng Hằng Phương - Vũ Ngọc Phan thời trẻ.

Cùng với các gương mặt nhà thơ nữ khác của phong trào Thơ mới (Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài, Mộng Sơn, Ngân Giang, Thu Hồng, Cẩm Lai, Nguyễn Thị Manh Manh), Hằng Phương (1908 - 1983) được xem là nhà thơ nữ tiên phong của thơ Việt Nam hiện đại. Bà có những đóng góp nhất định đối với sự vận động, phát triển của thơ Việt giai đoạn 1932 - 1945.

Hằng Phương - nhà thơ dấn thân

Nhà thơ Hằng Phương, tên thật là Lê Hằng Phương, sinh ra trên vùng đất học Gò Nổi (làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình trí thức danh tiếng.

Cha bà là nhà văn, nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng Sở Cường Lê Dư. Cụ Lê Dư là em rể của nhà văn hóa Phan Khôi nên Hằng Phương gọi cụ Phan là bác. Mẹ bà là cụ bà Phan Thị Dệm, con gái Phó bảng Phan Trần, một trong các sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương và Duy Tân, con rể của Tổng đốc Hoàng Diệu.

Thuở nhỏ, bà học tiểu học ở quê và được ông ngoại dạy thêm chữ Hán. Năm bà 14 tuổi, cụ Lê Dư trở về đưa các con ra Hà Nội. Tại đây, bà được học chữ Hán với cụ Phan Đức Kế, một danh nho đương thời.

Ông ngoại của nữ sĩ Hằng Phương, cụ Phó bảng Phan Trần, trong thời gian tại Hà Nội là bạn học của Cử nhân Vũ Hán Bích, anh ruột của Cử nhân Vũ Kỳ Sâm. Cụ Vũ Kỳ Sâm là cha của nhà văn Vũ Ngọc Phan, người trở thành chồng của nữ sĩ sau này.

Ông bà Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương kết hôn năm 1925. Trải qua những biến thiên của thời cuộc, hai ông bà đã gắn bó chung thủy từ mối tình đầu đi qua gần trọn thế thế kỷ XX, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để âm thầm cống hiến cho nền văn hóa, học thuật dân tộc những tác phẩm giá trị. Chính sự hi sinh thầm lặng cho cả gia đình của bà là nguồn động lực to lớn để nhà văn Vũ Ngọc Phan thực hiện những công trình văn học sử nổi tiếng của mình.

“Người ta nói rằng, nếu không có gánh tàu hũ của bà Hằng Phương thì lịch sử văn học nước ta sẽ không có bộ sách đồ sộ Nhà văn hiện đại và ông Vũ Ngọc Phan sẽ không thể xếp vào hàng những người đi tiên phong mở đường cho nền phê bình văn học nước nhà, cùng với các tên tuổi khác như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Trương Chính…”.

Tình yêu thủy chung, son sắt của bà dành cho chồng được chính nữ sĩ bộc bạch trong bài thơ Lòng quê cùng lời đề tựa “Tặng V.N.P” (tức Vũ Ngọc Phan) với những dòng ngọt ngào, da diết như sau:

Bình minh buổi ấy gặp anh

Rủ em ra chốn đô thành xa khơi

Yêu anh em hóa yêu đời

Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.

Ông bà Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương có với nhau mười người con, ba người mất khi còn nhỏ. Tất cả đều được nuôi dạy chu đáo, trở thành những trí thức nổi danh như liệt sĩ Vũ Hoài Tuân (trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, họa sĩ Vũ Giáng Hương, kiến trúc sư Vũ Ngọc Phương…

“Các con của ông bà Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương đều thành đạt, tiếp thu được truyền thống gia phong thanh liêm chính trực và đều có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc” chính là nhờ vào công lao nuôi dạy của ông bà.

Không chỉ là một người vợ, người mẹ chu toàn trong gia đình, nữ sĩ Hằng Phương còn tham gia tích cực các phong trào cách mạng và hoạt động xã hội. Thời kỳ 1936 - 1939, bà tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Năm 1937, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết về công tác phụ nữ, bà cùng với người em họ Lê Thị Xuyến cùng một số chị em khác thành lập Hội Phụ nữ Dân chủ, tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay, do bà Xuyến làm Chủ tịch. Bà tham gia khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, bà đưa gia đình tản cư về Thanh Hóa, tích cực tham gia sản xuất. Thời kháng chiến chống Pháp, bà tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Năm 1954, bà về công tác ở báo Văn nghệ. Bà cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam khi thành lập năm 1957.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, năm 1968, ở tuổi 60, bà vẫn hăng hái xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình, đến với đội nữ thanh niên xung phong ở Nghệ An, vào với cuộc sống và chiến đấu của bà con dân tộc Vân Kiều.

Như nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong khẳng định, cùng với thiên tính nữ trong hình ảnh một người vợ, người mẹ thì dấn thân là một phương diện làm nên vẻ đẹp của nữ sĩ Phương Hằng: “Vẻ đẹp dấn thân của Phương Hằng là vóc dáng của một nhà hoạt động xã hội, đã đưa người phụ nữ từ chốn phòng the đến với đời sống xã hội rộng lớn vào những năm hai mươi của thế kỷ XX, bắt đầu bằng những bước chân rón rén trên con đường văn chương báo chí, đến những hoạt động yêu nước, hoạt động xã hội, rồi bà tham gia kháng chiến, tham gia đoàn thể cứu nước”.

Nhắc đến nhà thơ Hằng Phương, bên cạnh những sáng tác thơ ca từ rất sớm trong phong trào Thơ mới, những hoạt động yêu nước sôi nổi và sự tảo tần vun vén cho gia đình, người ta còn nhớ đến một kỷ niệm vô cùng đẹp, cảm động giữa bà và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1946, nhà thơ Hằng Phương khi chạy chợ ở Thanh Hóa, đã chọn mua những quả cam ngon của cam làng Giòng nổi tiếng để biếu Hồ Chủ tịch. “Là nhà thơ, bà cũng biết Người thường làm thơ, thích thơ ca nên nảy ra ý nghĩ sẽ làm mấy câu thơ bỏ trong phong bì kèm theo gói cam đem đến Bắc Bộ phủ gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đề ngày 2/1/1946 như sau”:

Cam ngon Thanh Hóa vốn Giòng

Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu

Đắng cay cụ nếm đã nhiều

Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây

Cùng quốc dân hưởng những ngày

Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam

Anh hùng mở mặt giang san

Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi

Trên báo Tiếng gọi phụ nữ, cơ quan tuyên truyền của Hội Phụ nữ cứu quốc, số 11, ra ngày 8/1/1946, có một mục với những dòng sau: “Thơ của Hồ Chủ tịch trả lời bà Hằng Phương: Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì không biết chỗ Bà ở, tôi không biết gửi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau:

Cảm ơn bà biếu gói cam

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?

Tháng 1 năm 1946

Hồ Chí Minh”.

Kỷ niệm ấy từ lâu đã trở thành một trong những giai thoại đẹp nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

Có thể nói, nữ sĩ Hằng Phương là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam. Bà chính là một trong những niềm tự hào về người phụ nữ Việt trong thế kỷ XX đầy bão tố, vinh quang.

Hằng Phương - nữ sĩ tiên phong

Nữ sĩ Hằng Phương xuất hiện rất sớm trong phong trào Thơ mới. Tác phẩm đầu tiên của bà là bài thơ Nhớ con nhỏ Bội Trinh đăng trên báo Phụ nữ tân văn năm 1929.

Trước 1945, bà có thơ đăng trên nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc như Đàn bà, Tri tân, Ngày nay, Trung Bắc tân văn, Hà Nội trung văn (ở Hà Nội), Trung lập, Phụ nữ tân văn (ở Sài Gòn).

Năm 1943, Hằng Phương cùng với Vân Đài, Mộng Tuyết, Anh Thơ ra tập thơ chung có nhan đề Hương xuân (Thơ Hằng Phương trong thi tập này có các bài Tết xưa, Trăng lên, Trên đò suối, Tư cố hương, Bình minh, Tịch mịch, Nhớ mẹ, Chiều hè đứng bên sông, Phật tụng, Thu nhớ quê nhà).

Tập thơ in tại Hà Nội, do nhà Nguyễn Du xuất bản, trang bìa in rõ “Hương xuân - những vần thơ hay của mấy nữ thi sĩ Vân Đài – Hằng Phương – Mộng Tuyết – Anh Thơ”. Đây “được xem là tuyển tập thơ nữ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam”.

Mặc dù ra mắt độc giả khi phong trào Thơ mới vừa khép lại thời kỳ vàng son với những đỉnh cao chói lọi của các nhà thơ nam, tập thơ nữ Hương xuân vẫn gây được tiếng vang trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Bởi đây “không chỉ có ý nghĩa khẳng định sự góp mặt của các nhà thơ nữ mà còn khẳng định tiếng thơ riêng của các nhà thơ nữ tiêu biểu trong dòng chung Thơ mới”.

Không chỉ xuất hiện rất sớm trên thi đàn với tư cách là một trong những nhà thơ nữ đầu tiên của thơ ca Việt Nam hiện đại, Hằng Phương còn có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Điều này được khẳng định qua việc ghi nhận của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam.

Trong công trình trứ danh này, tác giả tuyển bài thơ Lòng quê của Hằng Phương và có những nhận định trân trọng, tinh tế về giọng thơ, chất thơ của bà, trong tương quan so sánh với thơ của nữ sĩ Vân Đài: “Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như thơ Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài “Lòng quê” trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đấy là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá”.

Có thể khẳng định, không phải bởi tài thơ mang dấu ấn cá nhân độc đáo giữa thời kỳ Thơ mới “trăm hoa đua nở”, Hằng Phương chắc hẳn không thể được nhắc đến một cách trang trọng “với tư cách một nữ sĩ hiếm hoi có tên trong Thi nhân Việt Nam”.

Không chỉ góp phần mở đầu cho “một thời đại trong thơ ca” (Hoài Thanh), nữ sĩ Hằng Phương để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển đa dạng, nhanh chóng của Thơ mới. Đúng như nhận định của Lê Dục Tú, “bên cạnh Anh Thơ, Mộng Tuyết, Hằng Phương cũng là một nữ sĩ có nhiều đóng góp cho phong trào Thơ mới”. Bà mang đến cho thơ mới những vần thơ da diết về tình quê, tình cảm gia đình với một giọng thơ thiết tha, trìu mến, ví như:

Lá rụng bay về dưới gốc cây

Buồn nhìn lá rụng chạnh niềm tây

Lá ơi! Ta lại không bằng lá

Chôn chặt tình quê ở chốn này

(Tư cố hương)

Tháng mười hơi gió may

Trước sân lá vàng bay

Dắt con Mẹ tựa cửa

Đường xa cát bụi đầy…

(Nhớ mẹ)

Tà dương rực đỏ trời tây

Hồng hồng đáy nước bóng cây chập chờn

Xanh xanh một dải tràng sơn

Hồn quê sực tỉnh, cô đơn nghìn trùng

(Chiều hè đứng bên sông).

Nhận định về thơ Hằng Phương thời kỳ trước 1945, Lưu Khánh Thơ đã chỉ ra những đặc trưng làm nên hồn cốt thơ bà: “Hồn thơ Hằng Phương mang nặng tình quê, nó luôn hướng về đồng nội, về nơi sơ sinh và trưởng thành của mình. Thơ bà in đậm tấm lòng đôn hậu, yêu thương. Có lẽ trước Hằng Phương, chưa ai diễn đạt được tâm trạng xao xuyến, bồi hồi của một người con gái lần đầu đi theo tiếng gọi của tình yêu với rất nhiều yêu thương trao gửi nhưng vẫn không nguôi nỗi niềm hoài nhớ cảnh xưa, chốn cũ”.

Chính tình cảm đối với gia đình, quê hương và rộng hơn là đất nước là mạch nguồn sáng tạo của Hằng Phương, là yếu tố làm nên phong cách thơ cũng như định vị vị trí của nữ sĩ trên thi đàn Thơ mới nói riêng, thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung.

Một đời miệt mài, thầm lặng cống hiến cho cách mạng, cho gia đình, lại thêm tính cách ít nói, không thích phô trương, Hằng Phương để lại sự nghiệp văn học khá khiêm tốn. Ngoài tập thơ in chung Hương xuân (1943), thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bà còn có các tác phẩm Một mùa hoa (1960), Mùa gặt (1961), Chim én bay xa (1962), Hương đất nước (1974). Tuy nhiên, chỉ với những thi phẩm độc đáo góp phần vào sự thành công của Thơ mới cũng đủ để xác lập vị trí của nhà thơ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Trên báo Văn nghệ số 8 ra ngày 19/2/1983, trong bài viết “Vĩnh biệt chị Hằng Phương”, nhà thơ Xuân Diệu đã viết về nữ sĩ Hằng Phương như sau: “Chị lưu lại cho chúng tôi những vần thơ nhân hậu, mang một tấm lòng tốt bụng, một tấm lòng luôn luôn yêu mến con người, một trái tim không bao giờ tắt”. Lời gian càng lùi xa, những giá trị của thơ Hằng Phương càng được khẳng định.

Với tư cách là một trong những nhà thơ nữ đầu tiên của nền văn học Việt Nam hiện đại, bà đã góp vào gia tài văn chương Việt những thi phẩm hay, sâu sắc. Những vần thơ đầy giá trị nhân văn, mang nặng tình quê, tình cảm gia đình, tình yêu đất nước của bà sẽ còn được yêu mến, nhớ đến lâu dài khi người ta nhắc đến một nữ sĩ Hằng Phương nổi danh của phong trào Thơ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.