Hàng nghìn giáo viên, học sinh hưởng lợi Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai

GD&TĐ - Hơn 40.000 người, gồm: học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo viên nhà trường được hưởng lợi từ Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai.

Hàng nghìn giáo viên, học sinh hưởng lợi Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Hàng nghìn giáo viên, học sinh hưởng lợi Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Ngày 21/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức phi lợi nhuận (PATH) tổ chức tổng kết Dự án “Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm” (Dự án).

Đây là chương trình giáo dục sức khỏe học đường đầu tiên có sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm hướng đến giáo dục sớm và dự phòng “sát thủ thầm lặng” mang tên bệnh không lây nhiễm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án quan trọng về dinh dưỡng học đường.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, bộ, ngành và đơn vị, tổ chức liên quan nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và chương trình. Trong ba năm qua, mô hình giáo dục của Dự án trên đã chứng minh hiệu quả cao, mang đến cho hàng chục nghìn giáo viên, học sinh có thêm nhiều kiến thức, nhận thức về sức khỏe. Nhiều thói quen lành mạnh của học sinh được hình thành, phát triển và vận dụng tốt vào cuộc sống thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Giáo dục thể chất phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Giáo dục thể chất phát biểu tại sự kiện

Từ đó, học sinh được giáo dục về về hành vi, lối sống lành mạnh, thiết lập những thói quen lối sống lành mạnh và phù hợp với từng cá nhân, giúp các em có một tương lai tương sáng, khỏe mạnh.

Kết quả khảo sát cuối kỳ cho thấy, mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh không lây nhiễm tăng lên đáng kể. Tỷ lệ học sinh có đầy đủ kiến thức về bệnh không lây nhiễm, hành vi nguy cơ và cách dự phòng bệnh không lây nhiễm đạt khoảng 90%. Tỷ lệ thay đổi các hành vi nguy cơ của học sinh sau khi tham gia dự án là 25%.

Tuy nhiên, để tích cực duy trì, mở rộng hiệu quả triển khai hoạt động dự án, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường và gia đình.

Theo thống kê, ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân dẫn tới 77% số ca tử vong. Thanh thiếu niên (từ 10-24 tuổi) cũng là nhóm tuổi có nguy cơ mắc các bệnh này (theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020).

Giai đoạn đầu tuổi vị thành niên là thời điểm then chốt khi những tác động tiêu cực có thể gây ra những thói quen lâu dài và những hậu quả bất lợi, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe cuộc sống sau này.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát đầu kỳ của dự án, có tới 85% thanh thiếu niên còn thiếu kiến thức về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019, 4 yếu tố nguy cơ chính có thể phát triển ở tuổi thanh thiếu niên và dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành là: chế độ ăn uống không lành mạnh; thiếu hoạt động thể lực; sử dụng thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn.

Nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho học sinh trong cơ sở giáo dục, Dự án đã thiết kế mô hình tổng thể, kết hợp giữa truyền thông và giảng dạy trong nhà trường; đồng thời, kết hợp với tự học và hỗ trợ trực tuyến thông qua ứng dụng sức khỏe tương lai có sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chương trình, tổ chức PATH trao đổi tại hội nghị.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chương trình, tổ chức PATH trao đổi tại hội nghị.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chương trình Chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Tổ chức PATH tại Khu vực Đông Nam Á cho hay, đây là cách tiếp cận hiện đại trên thế giới nhưng hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục của Bộ GD&ĐT và Chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về sức khỏe kỹ thuật số. Chương trình học bao gồm 11 bài học về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có cả chủ đề sức khỏe tinh thần.

Qua 3 năm triển khai Dự án “Chương trình Sức khỏe thế hệ tương lai tại Việt Nam được triển khai với mục tiêu Cải thiện sức khỏe của thanh thiếu niên thông qua việc kiểm soát và loại bỏ các hành vi nguy cơ liên quan tới bệnh không lây nhiễm”, đã có 15 trường THCS và THPT tại ba tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, với hơn 24.000 học sinh và 1.000 giáo viên tham gia. Có hơn 40.000 người, gồm: học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo viên nhà trường được hưởng lợi từ dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ