Hàng nghìn con gà bị chết do mưa lũ, cả xóm rủ nhau làm thịt giúp gia chủ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trang trại chăn nuôi ở Nghệ An bị thiệt hại nặng do mưa lũ, người dân địa phương đã chung tay hỗ trợ nhau cứu vớt tài sản.

Người dân xóm Bàu Xuân làm thịt gà giúp chủ trại bị thiệt hại do mưa lũ.
Người dân xóm Bàu Xuân làm thịt gà giúp chủ trại bị thiệt hại do mưa lũ.

Cả xóm rủ nhau làm thịt gà

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 và nhiều nhà máy thủy điện xả lũ, từ ngày 28-30/9, nhiều địa phương ở Nghệ An đã có mưa rất to. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Nghi Lộc...

Gia đình anh Nguyễn Đức Thế (SN 1982, trú tại xóm Bàu Xuân, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu) có trang trại nuôi gà rộng hơn 500m2. Nghe tin có mưa lớn, vợ chồng anh đã chủ động kê cao chuồng trại.

Hơn 5 năm làm nghề chăn nuôi, anh Thế nghĩ nước lũ sẽ như mọi năm, mấp mé đến chân gà rồi rút. Tuy nhiên, không ngờ lũ về nhanh, lớn khiến anh không kịp trở tay.

Tối ngày 29/9, nước lũ bắt đầu tràn vào trang trại gà. Cả đêm hôm ấy, anh Thế không dám ngủ vì lo lắng cho đàn gà của mình. Rạng sáng 30/9, điều đáng tiếc đã xảy ra, toàn bộ hơn 4.000 con gà của anh đã chìm trong biển nước.

“Lứa gà này tôi nuôi được 2,5 tháng, sắp đến ngày xuất bán. Hơn 350 triệu đồng vốn liếng đã được dốc vào đây để đầu tư giống, cám cò… giờ coi như hết”, anh Thế buồn bã nói.

Biết tin trại gà gia đình anh Thế bị thiệt hại do mưa lũ, một khu du lịch sinh thái ở địa phương đã đứng ra nhận mua toàn bộ gà chết để làm thức ăn cho vật nuôi với điều kiện gà phải được làm sạch.

Số lượng quá lớn, một mình anh Thế không thể làm xuể. Người dân trong xóm Bàu Xuân hô hoán nhau lội nước ngang rốn vào trang trại hỗ trợ gia chủ vớt gà. Những con gà chết cứng, lạnh ngắt lần lượt được vớt lên, đóng thành từng bao rồi vận chuyển ra ngoài.

Chiều muộn 30/9, khuôn viên nhà văn hoá xóm Bàu Xuân rôm rả tiếng chuyện trò. Hàng ngàn con gà được chất thành đống, bà con chòm xóm từ già trẻ, gái trai hối hả mang nồi, bếp gas, dao… tập kết ở khu vực sân nhà văn hoá để làm thịt gà giúp anh Thế.

Giá bán chỉ 15-17.000 đồng/kg nhưng cũng giúp chủ trang trại vớt vát tiền giống.
Giá bán chỉ 15-17.000 đồng/kg nhưng cũng giúp chủ trang trại vớt vát tiền giống.
Già, trẻ, gái, trai ai nấy đều xắn tay áo làm thịt gà.
Già, trẻ, gái, trai ai nấy đều xắn tay áo làm thịt gà.

Chẳng phải việc chung của làng, song mỗi người một việc chẳng ai bảo ai, người đun nước, người vặt lông, người khác mổ gà… để hỗ trợ một người trong xóm vớt vát lại tài sản.

Lãnh đạo UBND xã Diễn Đoài cho biết, cán bộ xã này đã vào trang trại của anh Thế kiểm tra, báo cáo lên cấp trên để có hỗ trợ sau này. Xác định đàn gà mới chết do ngạt nước, chính quyền địa phương này cũng đã đồng ý để anh Thế làm thịt bán rẻ, vớt vát lại ít vốn liếng.

Kết bè mảng "giải cứu" đàn lợn

Trang trại chăn nuôi của ông Hồ Sỹ Quảng (SN 1960, trú tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) rộng gần 10ha, nằm lọt thỏm giữa đồng. Vợ chồng ông cùng con cái đều chuyển ra ở ngay tại trang trại để tiện chăm sóc số lượng lớn gia súc, gia cầm của mình.

Sáng 29/9, nước lũ bắt đầu đổ về, tràn vào trang trại. Ông Quảng cho biết, lũ lên rất nhanh, trâu bò, lợn gà nhiều nên cũng không làm được gì. Đến trưa nước lũ dâng cao cả mét, toàn bộ sản nghiệp của gia đình ông cứ thế dần chìm nghỉm trong dòng nước đục ngầu.

Lũ lên, cả gia đình ông Quảng chạy tới, chạy lui nhưng đành bất lực đứng nhìn hơn 50 tấn cá đã gần đến ngày thu hoạch theo dòng nước bơi đi. Đàn vịt hơn 1.000 con cũng bơi qua khu vực chuồng trại, hàng chục con lợn bị nước cuốn trôi khắp nơi.

Đàn lợn của gia đình ông Quảng được đưa lên bè để di dời ra ngoài.
Đàn lợn của gia đình ông Quảng được đưa lên bè để di dời ra ngoài.

Nhiều người dân đã kê cao tài sản từ trước, khi nghe tin đã nhanh chóng “bơi” vào trang trại hỗ trợ ông Quảng di dời đàn lợn gần 200 con ra ngoài. Thuyền nhỏ không thể vận chuyển được nhiều, người dân kết bè mảng từ tre và can nhựa rồi chèo vào “giải cứu” lợn.

Trang trại nằm sâu giữa cánh đồng, ông Quảng cùng hàng xóm phải vận chuyển hơn 800m đưa lợn ra đường, sau đó dùng xe vận chuyển về chỗ trú tạm ở một vài vùng đất chưa bị ngập nước. Công an huyện Yên Thành cùng một đoàn thiện nguyện sau đó cũng đã dùng ca nô hỗ trợ ông Quảng vận chuyển lợn đi tránh lũ.

Đàn lợn được đưa lên xuồng ca nô của một nhóm thiện nguyện.
Đàn lợn được đưa lên xuồng ca nô của một nhóm thiện nguyện.

Nước dâng cao khiến gần 70 con lợn bị cuốn trôi mất. Nhiều con bị cuốn trôi mắc kẹt trong các lùm cây, người dân phải chèo thuyền đi quanh trang trại mò tìm.

Hơn một ngày nỗ lực, hơn 120 con lợn đã được vận chuyển ra ngoài. Ngâm nước lâu, một số con đã chết, nhiều con cũng đã tím tái.

“Cũng may có bà con, chính quyền hỗ trợ, nếu không thì chẳng còn gì”, ông Quảng nói và cho biết, hiện người dân cũng đã chung nhau mua hàng chục con lợn để hỗ trợ ông Quảng.

Trang trại trâu, bò vẫn bị ngập trong biển nước.
Trang trại trâu, bò vẫn bị ngập trong biển nước.

Mưa lũ, một vài gia đình ở quê lại chung tiền “đụng” một con lợn, vừa có thịt ăn trong ngày mưa lũ, lại vừa hỗ trợ được hàng xóm láng giềng lúc khó khăn.

Theo ông Quảng, khó khăn nhất hiện là đàn trâu bò. Vì quá lớn, ông phải trói chân từng con một rồi cho lên bè để vận chuyển ra ngoài. Trong khi đó, 4 ao cá xem như mất, cả ngàn con vịt nay cũng chỉ còn vài trăm con đang bơi quanh quẩn quanh trang trại.

Gần 2 ngày dầm mưa lũ “vớt” tài sản, ông Quảng dường như đã kiệt sức. Ông nói “lũ vẫn đang lên, chắc chỉ còn gắng đưa trâu bò ra thôi, vịt mặc kệ. Mấy tỷ bạc xem như mất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ