Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên ngày đêm cùng dân thu hoạch vải thiều

GD&TĐ - Chiều 13/6 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, thanh niên tình nguyện, công an, bộ đội đang ngày đêm thu hoạch vải giúp bà con vùng vải 15.000 ha.

Cán bộ chiến sĩ tham gia thu hoạch vải cho nhân dân.
Cán bộ chiến sĩ tham gia thu hoạch vải cho nhân dân.

Theo ông Nam, hiện lực lượng lao động trên địa bàn huyện cũng có thể đảm nhiệm thu hoạch vải được dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi, huyện Lục Ngạn hiện chỉ có các hộ gia đình có người đi làm công nhân ở khu công nghiệp không về được hoặc có F1, F2 cách ly đang thiếu lao động…

"Để giúp đỡ người dân, địa phương đã huy động 500 bộ đội đóng quân trên địa bàn, 150 chiến sĩ cảnh sát cơ động tăng cường lên Bắc Giang hỗ trợ việc vặt vải. Cùng với đó, huyện có hơn 1.000 bạn thanh niên tình nguyện và 838 tổ hỗ trợ từ vặt vải đến bán vải cho bà con…", ông Nam nói. 

Con anh Dương Văn Hiến, Phó Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn chia sẻ, lực lượng thanh niên cùng với công an, quân đội phân luồng giao thông giờ cao điểm từ 5h30 - 8h30 sáng hàng ngày trong chính vụ. 

"Huyện đoàn phối hợp chính quyền hỗ trợ các hộ thiếu người hái vải ngay từ đầu vụ. Mỗi xã khoảng trên dưới 30 bạn thanh niên được phân về từng thôn để thu hoạch ngày đêm cho bà con để vải kịp theo xe hàng đi tiêu thụ…", anh Hiến thông tin thêm. 

Những năm trước đây, hàng chục vạn lao động các địa phương như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên… tranh thủ chính vụ đến hái vải, đóng vải, vận chuyển…

Tuy nhiên năm nay, huyện Lục Ngạn không cho người ngoài vào do phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ có lao động đã có giấy xác nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2, chấp hành test mẫu 3 ngày/lần và tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 mới được làm việc.

Bởi vậy, huyện Lục Ngạn cũng triển khai trang thông tin "lao động vùng vải" hỗ trợ các hộ có vườn vải nhiều hoặc neo người lao động được người trong địa phương và các cấp chính quyền đến giúp đỡ.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, thu nhập lao động vặt và chuyển vải bán từ 250 - 400 nghìn đồng/người/ngày, người đóng hộp xốp, đóng đá lạnh đưa lên xe thì khoảng 700 nghìn đồng/người/ngày.

“Lục Ngạn triển khai 7 chốt kiểm soát Covid-19 các cửa ngõ vào vùng vải để đảm bảo phòng, chống dịch từ đầu tháng 5. Ngoài ra, hơn 1.000 tổ giám sát cộng đồng và 4000 thành viên liên tục kiểm tra và phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để xử lý kịp thời…”, ông Nam nói.

Lục Ngạn là vùng trồng vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang, với khoảng 15.000ha. Năm nay, quả vải được mùa, sản lượng lẫn chất lượng tốt hơn so với mọi năm, dự kiến thu hoạch khoảng 140.000 tấn.

Theo số liệu của huyện năm ngoái, vải thiều mang về cho Lục Ngạn hơn 6.000 tỉ đồng, chỉ tính riêng tiền bán vải khoảng 4.000 tỉ đồng và 2.000 tỉ còn lại đến việc vận tải, đóng thùng xốp, làm đá lạnh...

Đến ngày 12/6, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang tiêu thụ đạt khoảng 88.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước trên 52.000 tấn (chiếm gần 59%) và xuất khẩu trên 36.000 tấn tại các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản (chiếm trên 41%). Giá bán trung bình 13.000 - 30.000đ/kg. Nhìn chung, đến nay cơ bản việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra thuận lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.