Theo phương tiện truyền thông địa phương và các video đăng trên mạng xã hội, cuộc biểu tình do nhiều nhóm ủng hộ hòa bình và cánh tả tổ chức, bắt đầu vào ngày 3/10, trùng với Ngày thống nhất nước Đức, đánh dấu sự thống nhất của Tây Đức và Đông Đức vào năm 1990.
Những người biểu tình ở Berlin cũng đã kêu gọi ngừng bắn giữa Moscow và Kiev, và nỗ lực chấm dứt xung đột Trung Đông.
Họ mang theo biểu ngữ có nội dung “Hòa bình”, “Không bao giờ có chiến tranh nữa”, và “Các nhà ngoại giao thay vì lựu đạn”, cùng một số thông điệp bày tỏ sự đoàn kết với người Palestine và kêu gọi “chấm dứt sự chiếm đóng”, ám chỉ rõ ràng đến chiến dịch trên bộ của Israel ở Gaza.
Một số người biểu tình được nhìn thấy mang theo cờ Nga và Palestine. Một biểu ngữ có hình cờ Nga, Ukraine và Đức với chữ “hữu nghị” bên dưới, trong khi một biểu ngữ khác lên án ông Olaf Scholz là “Thủ tướng bom” .
Những người tổ chức tuyên bố có hơn 40.000 người tham gia, trong khi cảnh sát cho biết, lượng người biểu tình "cũng ở mức năm con số", theo Deutsche Welle.
Cơ quan thực thi pháp luật cho biết, các cuộc biểu tình đã diễn ra mà không có sự cố lớn nào.
Người theo chủ nghĩa cánh tả Sahra Wagenknecht, người lãnh đạo đảng Sahra Wagenknecht Alliance (BSW) mới thành lập của bà, là một trong những người tham dự nổi tiếng.
Phát biểu trước đám đông, bà nhấn mạnh nhu cầu đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết xung đột Ukraine.
"Tôi thấy rất khó chịu khi mọi người luôn đến với chúng tôi với đạo đức giả. Bạn không thể nói chuyện với ông Putin vì kiểu đạo đức đó", bà Wagenknecht nói, và tiếp tục chỉ trích chính phủ Đức vì đi theo Mỹ về chính sách đối ngoại, và cảnh báo chống lại việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở nước này.
Bà cũng đề cập đến cuộc chiến tranh Israel-Hamas: "Bất kỳ ai vẫn im lặng về những tội ác chiến tranh khủng khiếp ở Gaza… đừng nói với tôi rằng, bạn là người có đạo đức. Đây là sự đạo đức giả. Cuộc chiến tranh khủng khiếp này cũng phải chấm dứt".
Đức đã nổi lên như một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine, gửi xe tăng, hệ thống phòng không và pháo binh cũng như các loại vũ khí khác đến Kiev.
Nga đã nhiều lần lên án các chuyến hàng đó, nói rằng, chúng chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Berlin cũng xuất khẩu một lượng lớn vật liệu chiến tranh sang Israel.
Tháng trước, một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng, xuất khẩu vũ khí của Đức đã bị hạn chế vì lo ngại rằng, chúng có thể vi phạm luật nhân đạo.