Hàng loạt giáo viên nghỉ theo Nghị định 108: Tiếng thở dài sau khoảng trống

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều giáo viên tại Nghệ An xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương).
Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương).

Trong bối cảnh vừa tinh giản biên chế, vừa khó tuyển dụng giáo viên mới, các nhà trường có giáo viên nghỉ diện 108 vất vả thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học.

Lo áp lực Chương trình mới

Cô Phạm Thị Hòa – Trường Tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An nộp hồ sơ xin nghỉ hưu trước tuổi sau khi gắn bó với nghề giáo 32 năm. Cô cho hay đã suy nghĩ rất nhiều cả lý do khách quan lẫn chủ quan trước khi có quyết định này.

“Nhà tôi ở TP Vinh, từ nhà đến trường cả đi lẫn về hơn 20km bất kể mưa nắng. Hiện, bậc lương của tôi đã hết khung, mỗi tháng tính cả chế độ phụ cấp thì thu nhập gần 11 triệu đồng. Mức lương này so với đồng nghiệp trong trường là khá cao, nhưng trừ chi phí xăng xe, đi lại thì chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm ăn uống trong nhà, chưa tính đến những khoản phát sinh khác. Trong khi đó yêu cầu chuyên môn ngày càng cao, áp lực từ phụ huynh, học sinh đòi hỏi giáo viên phải đổi mới, là điều khó khăn đối với người ở độ tuổi như tôi”, cô Hòa tâm sự.

Cô Trịnh Thị Nhung (nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nhân Thành, huyện Yên Thành) cũng hoàn thành hồ sơ và nghỉ theo quy định Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Theo lãnh đạo nhà trường, những năm qua sức khỏe cô Nhung không tốt, thường xuyên đi viện điều trị. Với hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe, cô Nhung xin nghỉ hưu trước tuổi là hợp lý. Cô đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm và đủ các điều kiện để nghỉ.

Cô Trần Thị Đa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành cho biết, ngoài cô Nhung có một giáo viên khác trong trường cũng dự định nghỉ trước tuổi. “Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi nhiều về năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên phải biết cơ bản công nghệ thông tin để khai thác học liệu điện tử, sử dụng tivi kết nối mạng Internet trong dạy học. Với nhiều giáo viên tuổi ngoài 50 sẽ khó khăn để tiếp cận công nghệ, gặp áp lực trong công việc”, cô Đa nói.

“Ngoài kiến thức Toán, giáo viên còn phải sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số, từ chuẩn bị giáo án điện tử, khai thác SGK điện tử. Với môn Toán khi soạn bài cần phải vẽ hình, đồ thị, minh họa, sử dụng nhiều ký hiệu, viết công thức. Điều này rất vất vả, khó khăn đối với tôi khi mắt kém, thao tác trên máy tính chậm. Nhiều năm gắn bó với nghề, giờ nghỉ hưu tôi cũng rất hụt hẫng. Nhưng bản thân tuổi đã cao, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc không còn nhanh nhẹn, thì nghỉ hưu để lớp trẻ năng động hơn thay thế”, cô Võ Thị Quyên nói.

Không chỉ bậc tiểu học, một số giáo viên THCS của Nghệ An cũng làm hồ sơ xin về hưu trước tuổi. Cô Võ Thị Quyên đang giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai - ngôi trường chất lượng của huyện Hưng Nguyên.

Trong 30 năm công tác, cô luôn được đồng nghiệp, quản lý nhà trường đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Nhưng mới đây, cô cũng làm hồ sơ để xin nghỉ chế độ, dù còn nhiều tiếc nuối với nghề. Cô chia sẻ, bản thân phụ trách môn Toán lớp 8, theo lộ trình năm học tới sẽ dạy học theo Chương trình, SGK mới; yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao.

Lo lấp chỗ trống

Nghị định 108/2014/NĐ-CP (sau này là Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108) về Chính sách tinh giản biên chế cho phép người lao động được nghỉ hưu trước tuổi nếu bảo đảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội và điều kiện về độ tuổi. Khi nghỉ tinh giản biên chế, lao động ngoài hưởng lương hưu còn có một số ưu đãi khác như được trợ cấp 3 tháng tiền lương mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội, không bị trừ tỷ lệ lương hưu.

Theo tổng hợp của Sở Nội vụ Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Giáo dục có gần 80 giáo viên các bậc học nộp hồ sơ nghỉ theo Nghị định 108. Tổng hợp qua các năm, số giáo viên nghỉ hưu theo Nghị định này lên đến hàng trăm người.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò).

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò).

Cô Phan Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên) cho hay, trong 1 năm trường có 3 giáo viên xin nghỉ trước tuổi và con số này có thể còn tăng hơn. Đối với cấp THCS, thực hiện Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học, cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Vì vậy, giáo viên cũng gặp áp lực đổi mới nhiều hơn. Do đó, nếu không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, trong khi nghỉ theo Nghị định 108 có nhiều ưu đãi, nhiều giáo viên lớn tuổi có tâm lý muốn về hưu sớm là có thể lý giải.

Trường Tiểu học Nghi Hòa có 15 lớp nhưng chỉ có 17 giáo viên, tỷ lệ 1,1 giáo viên/lớp, thiếu 0,4 giáo viên/lớp theo quy định. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phúc, để đáp ứng chương trình dạy học, các thầy cô trong trường phải dạy tăng tiết. Trong khi đó tuổi trung bình chung giáo viên của trường đang già hóa. Ngoài 1 cô đã nghỉ hưu trước tuổi, trong trường còn có nhiều người đủ điều kiện để nghỉ chế độ 108. “Nếu số này cũng xin nghỉ hưu trước tuổi, chúng tôi không biết xoay xở sao để bù đủ giáo viên dạy học”, cô Nguyễn Thị Phúc lo lắng.

Tại thị xã Cửa Lò, trong 2 năm gần đây có 8 giáo viên nghỉ và chờ nghỉ theo Nghị định 108. Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cũng bày tỏ lo ngại, địa phương đang thiếu giáo viên và số thừa cục bộ không đáng kể. Đối với tiểu học, hầu hết giáo viên cơ hữu đang phải dạy tăng tiết. Quỹ biên chế của thị xã đang ưu tiên tuyển dụng số giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09.

Trong khi đó, năm học này địa phương chỉ được phân bổ 39 biên chế (mầm non có 29 chỉ tiêu, tiểu học 8 chỉ tiêu và THCS là 2). Vì vậy, tiểu học và THCS phải vất vả cân đối đội ngũ. “Giải pháp trước mắt là tuyển dụng nhân sự hợp đồng dạy học đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp tối thiểu đáp ứng chương trình, thị xã cấp kinh phí trả lương. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không được bổ sung thêm biên chế thì khó giữ chân được đội ngũ hợp đồng này vì các chế độ lương không đủ hấp dẫn họ”, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò trăn trở.

Năm học 2022 - 2023, Bộ Nội vụ đã bổ sung 2.820 biên chế cho Nghệ An. Nhưng để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp theo quy định, tỉnh vẫn thiếu khoảng 5.000 người. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo nhiều địa phương, hàng năm ngành Giáo dục cũng như các ngành khác phải thực hiện tinh giản 10% biên chế. Vì vậy việc tuyển dụng chỉ nằm trong số tổng định mức biên chế cho phép. Nếu tuyển dụng quá quy định, nguồn chi trả lương gặp khó khăn.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, giáo viên nghỉ chế độ 108 chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số giáo viên toàn tỉnh và cục bộ ở một số địa phương. Việc thiếu hụt tạm thời khi chưa bổ sung kịp đội ngũ dẫn đến thiếu giáo viên là thực tế khó khăn ở các nhà trường. Để giải quyết tình trạng này, có nhiều giải pháp tùy thuộc vào nhu cầu và đặc thù từng cấp học và địa phương như: Nhập lớp, tăng sĩ số/lớp; hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, động viên giáo viên dạy tăng tiết. Về lâu dài cần khuyến khích xã hội hóa giáo dục, mở thêm cơ sở tư thục để một mặt bảo đảm nhu cầu giáo dục đào tạo của học sinh, phụ huynh, một mặt chia sẻ áp lực biên chế cho Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ