Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khất nợ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải thông báo hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khất nợ trái phiếu

Chậm trả lãi trái phiếu

Trong tháng 6, dự kiến hơn 35.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến thời gian đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/5/2023).

Đây cũng là tháng được dự báo có khối lượng trái phiếu đáo hạn đỉnh điểm trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải thông báo hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Fuji Nutri Food (MCK: FNF) vừa thông báo về việc tiếp tục chậm trả lãi trái phiếu đến hạn.

Cụ thể, ngày 19/6/2023 là ngày thanh toán lãi hơn 23 tỷ đồng của trái phiếu mã FNFCH2124001. Tuy nhiên, Công ty chưa thanh toán được với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. Đây là lô trái phiếu trị giá 720 tỷ đồng, phát hành ngày 18/03/2021 với kỳ hạn 3 năm.

Theo đó, tài sản đảm bảo liên quan tới bất động sản tại các xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai và các tài sản khác.

Trong tháng 8 tới, Fuji Nutri Food sẽ phải thu xếp lượng tiền lớn cho việc đáo hạn lô trái phiếu FNFCH2223001, với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Với lô trái phiếu này, Fuji Nutri Food cũng có 2 lần chậm thanh toán tiền lãi.

Trước đó, Fuji Nutri Food cũng ghi nhận chậm thanh toán mã trái phiếu FNFCH2223001. Cụ thể, ngày 12/2/2023 phải thanh toán 25,2 tỷ đồng lãi trái phiếu và ngày 12/5/2023 phải thanh toán 24,4 tỷ đồng lãi trái phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa thanh toán 2 kỳ tính lãi với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land (MCK: HTL) đã liên tiếp công bố thông tin về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu cho 3 lô trái phiếu HTLAND.2020.TV01, H79CH2123002, H79CH2124001 trong những ngày cuối tháng 6.

Theo Hưng Thịnh Land, nguyên nhân chậm thanh toán lãi các lô trái phiếu là do tổ chức phát hành chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán.

Đáng chú ý, tính từ tháng 3/2023 – 6/2023, Hưng Thịnh Land đã có 14 công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi gốc trái phiếu.

Loạt doanh nghiệp buộc phải thông báo hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. (Ảnh minh họa)

Loạt doanh nghiệp buộc phải thông báo hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. (Ảnh minh họa)

Do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam (Đất Xanh Miền Nam) vừa công bố thông tin về việc chậm thanh toán 5 kỳ tiền lãi liên tiếp của lô trái phiếu MNRCH2123001.

Lô trái phiếu này được phát hành ngày 31/12/2021, ngày đáo hạn 31/12/2023, có tổng giá trị 150 tỷ đồng, không được công bố chi tiết về tài sản đảm bảo.

Tương tự, Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (MCK: PDR) đã gia hạn thời gian thanh toán 148 tỷ đồng dư nợ còn lại (theo mệnh giá phát hành) của lô trái phiếu PDRH2123002.

Thay vì thanh toán vào ngày đáo hạn, Phát Đạt chia làm 3 đợt thanh toán từ tháng 5 đến tháng 7; tỷ lệ hoàn trả lần lượt mỗi tháng là 30%, 30%, 40% và lãi suất sẽ được tăng từ 13%/năm lên 15%/năm.

Nhận định của ADB

Thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Việt Nam đã xuất hiện một số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Chỉ số vốn chủ sở hữu bất động sản đã giảm khoảng 50% kể từ tháng 1/2023.

Được biết, vỡ nợ trái phiếu xảy ra khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thanh toán gốc và lãi trong thời hạn đã định, hay nói cách khác là doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán.

Pháp luật hiện hành quy định, doanh nghiệp nếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, thì được xem là mất khả năng thanh toán.

Cũng theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, hiện trên thị trường vẫn còn khoảng 62 doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong năm nay còn khoảng 195.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn.

Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ