Hàng loạt bê bối tại Cục Đường thuỷ nội địa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng loạt những bê bối xảy ra tại Cục Đường thuỷ nội địa thời gian qua. Có những vụ việc gây rúng động dư luận đã bị cơ quan công an điều tra, khởi tố.

Nhiều bê bối phủ trùm lên Cục Đường thuỷ nội địa thời gian qua. Ảnh: Đ.T.
Nhiều bê bối phủ trùm lên Cục Đường thuỷ nội địa thời gian qua. Ảnh: Đ.T.

Liên tiếp dính dáng sai phạm

Gần đây nhất, Cục Đường thuỷ nội địa vừa phải báo cáo về các thông tin liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu báo cáo về việc tổ chức thực hiện các hợp đồng liên quan đến công tác bảo trì công trình đường thuỷ nội địa mà Cục đã ký với công ty trên.

Trước đó, một số lãnh đạo của Công ty CP Quản lý đường sông số 3 bị khởi tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, kết quả điều tra bước đầu xác định trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục Đường thủy nội địa và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.

Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty CP Quản lý đường sông số 3 có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ để nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Theo tìm hiểu của PV, Cục Đường thuỷ nội địa là bên mời thầu quen thuộc, chiếm một lượng lớn gói thầu mà Công ty CP Quản lý đường sông số 3 công bố trúng trong nhiều năm trở lại đây.

Thông tin từ Vụ kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, từ năm 2017 đến hết năm 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã thực hiện tổng số 22 hợp đồng quản lý bảo trì và điều tiết giao thông trên địa bàn 1 tỉnh với tổng số tiền thanh toán hơn 91 tỉ đồng.

Trong đó, có những hợp đồng như Điều tiết hướng dẫn giao thông đường thuỷ nội địa khu vực Cầu Chanh, sông Chanh ngày 3.10.2017 với giá trị hơn 1,2 tỉ đồng; Hợp đồng điều tiết khống chế ĐTKC-07-11: Khu vực Cầu Chanh sông Chanh với giá trị hơn 2,7 tỉ đồng,...

Ngoài ra, riêng trong năm 2022, Công ty CP Quản lý Đường sông số 3 đã ký 3 hợp đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì đường thuỷ nội địa với tổng giá trị hơn 26 tỉ đồng với Cục Đường thuỷ nội địa.

Nhiều cán bộ Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam từng bị khởi tố vào cuối năm 2018. Ảnh: PV.

Nhiều cán bộ Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam từng bị khởi tố vào cuối năm 2018. Ảnh: PV.

Cũng không thể không nhắc đến vụ lập “quỹ đen” ở Cục Đường thuỷ nội địa đã gây rúng động trong dư luận hồi cuối năm 2018. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy tố đối với Phạm Văn Thông (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án- Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam), Vũ Mạnh Hùng (SN 1972- cựu Quyền Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) và Trần Đức Hải (SN 1961- cựu Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo đó, hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong quá trình thi công các dự án do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, 16 nhà thầu lần lượt phải chi phần trăm cho một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn với số tiền nhiều tỉ đồng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay, từ tháng 12.2015 đến tháng 1.2016, Trần Đức Hải, Phạm Văn Thông và Vũ Mạnh Hùng được xác định đã thu tiền trái quy định của 14 cá nhân, đại diện cho 16 nhà thầu thi công các dự án.

Sau khi thu được số tiền hơn 4,2 tỉ đồng và 27.900 USD (tổng cộng hơn 4,8 tỉ đồng) của các nhà thầu nhưng các đối tượng trên đã không quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước về chế độ sổ sách, tài chính.

“Thừa thãi” hạ tầng

Một thực tế khác là hiện có tới 4 nhà Trạm quản lý đường thuỷ nội địa được xác định đang không có nhu cầu sử dụng sau khi Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục đường thuỷ nội địa rà soát.

Đó là các nhà Trạm Hưng Yên cũ (huyện Minh Khai, tỉnh Hưng Yên), nhà Trạm Yên Tập (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), nhà Trạm Mặc Ngạn (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) và nhà Trạm Bến Đụn cũ (huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng).

Đáng nói, hiện có tổng cộng 117 nhà trạm quản lý đường thuỷ nội địa. Trước khi cổ phần hoá, trạm quản lý đường thuỷ nội địa có con dấu riêng để thực hiện chức năng quản lý trong phạm vi được phân công, được giao định biên, hưởng ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động. Sau khi cổ phần hoá, một số nhiệm vụ của các nhà trạm được tách ra để thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường thuỷ nội địa phải ngăn chặn kịp thời nếu có việc buông lỏng quản lý hoặc sử dụng nhà trạm không đúng mục đích. Trong đó Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật trong trường hợp làm trái các quy định.

Theo Báo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ