Cái khó ló cái khôn
Bà Hwang vẫn nhớ như in câu chuyện 60 năm trước. Hồi đó, khi thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, bà nấp sau gốc cây khóc thút thít. Lúc bọn trẻ làng bên được đi học, bà phải ở nhà chăn lợn, lấy củi, trông em. Sau này, chính bà Hwang đã nuôi 6 đứa con ăn học, tất cả đều đỗ đại học hoặc cao học.
“Tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là tự tay viết thư cho con”, bà Hwang nói về ước nguyện của đời mình.
Vài thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ sinh nở ở Hàn Quốc đang rơi xuống mức thấp, các thống kê cho thấy quốc gia này nằm trong số các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đặc biệt ở nhiều vùng nông thôn, nơi các cặp vợ chồng trẻ thường di cư ra thành phố lớn để tìm việc làm có thu nhập cao hơn.
Trường Tiểu học Daegu, nơi bà Hwang đang sống cũng nằm trong tình cảnh đó, học sinh ngày càng thưa dần. Năm 1980 - thời con trai út của bà Hwang là anh Chae Kyong-deok theo học - mỗi lớp có tới 90 học sinh. Bây giờ, cả trường vẻn vẹn chỉ có 22 học sinh. Nhà trường phải học gộp lớp 4 với lớp 5.
“Tôi đi khắp các làng chỉ để tuyển thêm một học sinh lớp 1, thế mà cũng không xong”, Thầy Lee Ju - young, hiệu trưởng một trưởng tiểu học nói.
Sau khi xoay xở bằng nhiều cách và gần như hết hy vọng để cứu một trường học có bề dày lịch sử 96 năm, bỗng nhiên, thầy Lee và cư dân địa phương bật ra ý tưởng: Hay trường tuyển người lớn? Ai muốn học đọc, học viết thì mời vào?
Được tin này, bà Hwang và 7 phụ nữ trạc tuổi từ 50 - 80 đã xung phong ghi tên đầu tiên. Theo vậy, 4 người khác cũng ghi tên mình vào học năm tới.
“Có gia đình ai sống ở đây mà không cần trường học không ạ?”, chị Noh Soon -ah, 40 tuổi, con dâu bà Hwang hỏi mọi người như thế.
Chồng chị cũng bỏ việc ở một nhà máy phụ tùng ô tô trên thành phố trở về quê hương lập nghiệp 5 năm trước. Anh tiếp tục nối nghề làm nông trại của cha mẹ mình. “Trẻ em chính là những người mang lại nụ cười và sức sống cho vùng quê này”.
Nỗi niềm học sinh già
Biết ý tưởng này, phòng giáo dục địa phương cùng hăng hái xắn tay vào việc. Tháng trước, bà Hwang bắt đầu đi học. Tâm trạng bà cũng không khác gì những trẻ ngày đầu tiên đi học lớp 1 là mấy, buổi đầu tiên đi học… bà đã khóc - những giọt nước mắt hạnh phúc!
“Tôi không thể tin đó là sự thật, mang chiếc cặp sách tới trường vẫn mãi là ước mơ của đời tôi”, bà Hwang nói.
Đã có thời ngôi trường này đông kín học trò, nhưng gần đây khu nhà nội trú của Trường Tiểu học Daegu nằm sát biển dường như vắng tanh. Quanh các sân chơi nhiều bụi cây hoa trà, tầm xuân… phủ kín. Sau các trận mưa, quả cherry lại vương vãi khắp nơi.
Giờ đây, bên trong ngôi nhà 2 tầng của trường, trẻ em cùng các cụ bà đi chân đất dọn dẹp hành lang và đặt thêm các bình hoa màu bích ngọc - sản phẩm của địa phương tự làm.
Người ta nhìn thấy trong phòng học lớp 1, bà Hwang và hai người bạn đồng niên khác đang miệt mài học đọc, học viết. Với chiếc bút chì trên tay, họ lần lượt đánh vần theo cô giáo Jo Yoon-yeong, 24 tuổi cho đủ 14 phụ âm và 10 nguyên âm trong bảng chữ cái tiếng Hàn treo ở trên bảng.
Các bà đánh vần chậm chạp các chữ: “bác”, “ngư dân”, “gấu trúc”... Trong giờ làm bài tập viết, cô giáo Jo bật bài hát: “Học không bao giờ có tuổi!” và hướng dẫn một điệu nhảy cho các cụ bà đang cười khúc khích.
Gangjin – tỉnh bà Hwang đang sinh sống nằm ở mũi Tây Nam bờ biển Hàn Quốc, một vùng nông thôn điển hình bị bỏ lại phía sau cơn lốc công nghiệp hóa diễn ra ồ ạt tại quốc gia này.
Câu chuyện của cụ bà Park Jong-sim, 75 tuổi cũng thú vị không kém. Trong làng, bà được mệnh danh là nhà vô địch câu bạch tuộc. Là học sinh mới, gần đây bà hơi lo lắng vì chưa theo kịp kiến thức trong lớp. Đôi khi bà nheo mắt lại cố nhìn vào vở, thỉnh thoảng lại nhấc kính khỏi mũi để lau vài giọt nước mắt do phải làm việc quá sức so với tuổi tác.
Việc phát âm với bà thật khó, riêng bài tập môn Văn thì bà phải dậy từ lúc gà gáy. “Tôi cảm giác cái tay và lưỡi nó không làm theo ý của tôi”, bà Park nói vui.
“Nhưng tôi sẽ học viết trước khi tôi chết. Anh không biết tôi cảm thấy thế nào khi có việc phải đến cơ quan nhà nước đâu. Họ bảo mình điền vào giấy tờ, khi đó tôi chỉ biết viết mỗi cái tên: Park!”, cụ bà bày tỏ nỗi niềm.
Lại nói về tuổi thơ của bà Park, khi lên 8 tuổi, cha của bà qua đời, từ đó với bà việc đi học trở thành giấc mơ xa xôi. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày lượm cây mù tạc ven biển, cắt cây gai và nuôi tằm.
Mấy chục năm trước, các gia đình Hàn Quốc thường rót tiền cho việc học của con trai, còn con gái phải ở nhà trông em, phụ giúp việc vặt gia đình. Bà Hwang kể rằng cha bà đã lấy vợ hai sau khi mẹ bà sinh lần thứ 5 vẫn là em gái. Mẹ kế của bà không cho bà đi học và thường chế giễu bà mỗi khi cha bà tự dạy con gái học ở nhà.
Không biết chữ kéo theo nhiều tủi hổ, đơn cử là việc gửi hàng bưu điện, đến cái địa chỉ cũng không biết viết. Nhiều năm trước, bà cùng chồng là ông Chae Jan-ho, năm nay đã 72 tuổi, đi thăm con trai ở Seoul. Ông bà lạc nhau trong tàu điện ngầm, khi đó bà rất lo vì không đọc được biển chỉ dẫn, rất may người qua đường đã giúp bà.